Thứ Ba, 24/12/2024
Về thăm làng nghề lụa Tân Châu

 Lụa Tân Châu - một trong những niềm tự hào của vùng đất An Giang

Nữ hoàng của các loại tơ tằm

Tân Châu từng là một trung tâm tơ lụa lớn nhất phía Nam của nước ta, vì vậy nhắc đến Tân Châu người ta sẽ nghĩ ngay đến nghề nuôi tằm dệt lụa. Lụa Tân Châu nổi tiếng với thương hiệu Lãnh Mỹ A được xem là niềm tự hào của người dân Tân Châu. Lụa Tân Châu được xếp vào loại lụa cao cấp, là “nữ hoàng của các loại tơ tằm”.

Mỹ danh “lụa Tân Châu” gắn liền với những cô gái nết na, đảm đang, hay lam hay làm, là niềm tự hào của vùng đất An Giang, đã đi vào văn chương:

Trai nào thanh bằng trai sông Của 
Gái nào thảo bằng gái Tân Châu
Tháng ngày dệt lụa trồng dâu
Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn…

Những vần thơ khắc khoải gợi cho chúng ta nhớ về một thời gian dài hơn trăm năm vang danh, được ví như thời hoàng kim của thiên đường tơ lụa Tân Châu – nơi đã sáng tạo nên lãnh Mỹ A nổi tiếng. Trước kia, chị em phụ nữ nào có được bộ đồ may bằng lãnh Mỹ A thì thật là sang trọng, ngay cả vải “xá xị Xiêm” – một loại lụa Thái Lan nức tiếng thời đó cũng không thể sánh được. Không những thế, có những thời điểm, lụa Tân Châu còn xuất hiện ở Ấn Độ, Singapore, Philippines… và được giới thượng lưu, hoàng tộc ưa chuộng.

Ở vùng đất An Giang, người ta trồng dâu từ những bãi đất cát pha ven sông vào sâu trong đồng ruộng. Cả một triền đất trải dài là một màu xanh bất tận, nối tiếp từ làng này qua làng khác. Có những năm, ruộng dâu trồng đến hơn 10.000 hecta, trải dài từ Tân Châu, Chợ Mới đến tận biên giới Campuchia mới đủ cung cấp cho tằm ăn. Điều đặc biệt là khi hái dâu để nuôi tằm, người dân không hái từng lá mà chặt sát gốc, sau đó gom thành từng bó lớn rồi chở về. Dâu được xắt thành sợi bằng loại dao to bản hơn một tấc, dài sáu bảy mươi phân, dao dâu bén ngọt như gươm.

Nghề nào cũng vất vả, cũng phải chịu gian nan, khổ cực mới gặt hái được thành công. Với người Tân Châu, nghề trồng dâu nuôi tằm cũng vậy. Từng có câu tục ngữ: "Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Tằm phải được chăm sóc suốt ngày đêm, nhất là trong giai đoạn đưa tằm lên bủa giăng tơ. Gần như lúc nào người làm cũng phải túc trực bên nong và bộ ván xắt dâu. Đêm ngủ một hai canh lại thức để rải lá nuôi tằm. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn vui nhất của làng nghề, cũng giống như ngày nông dân ra đồng thu hoạch vụ mùa. Khi tằm chín mọng, người ta đưa tằm lên bủa giăng tơ, làng dệt lúc này trông đẹp và lung linh hơn cả. Trong nắng sớm, nắng trưa, nhà nhà vàng óng những bủa tơ tằm.

Ngày trước, kỹ thuật ươm truyền thống khá vất vả và công phu. Có đến hàng trăm lò than luôn hừng hực lửa với những chiếc nồi đồng to tướng bên trên. Nước sôi, cho kén vào nồi, kéo mối tơ quấn vào bánh xe quay. Đứng bên lò ươm, nước bốc lên mùi thơm ngậy chẳng khác gì thứ nước dùng chan vào tô hủ tíu. Người thợ ươm tay khuấy đũa liên hồi vào nồi nấu kén, tay quay đều bánh xe cuộn tròn sợi tơ vàng óng. Quay mãi đến khi nào trong nồi chỉ còn lại mớ xác tằm mới thôi. Con nhộng cũng không bỏ đi mà lấy ra trộn gỏi hoặc rang mặn để ăn cơm. Còn phân tằm và dâu vụn trong nong người ta đào hố đổ vào đấy, dự trữ làm phân bón.

Lụa được dệt xong sẽ nhuộm màu bằng trái mặc nưa. Đây là kỹ thuật phát kiến độc đáo nhất của người làng nghề xưa, làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả. Nhưng cho đến bây giờ, không ai biết chính xác người nào đã tìm ra cách nhuộm này. Chỉ biết rằng hồi đó, mỗi năm, người làng nghề phải qua Campuchia mua hàng trăm tấn trái mặc nưa mới đủ dùng. Sau này, người Việt trồng thử thấy được nên trồng nhiều đến ngày nay.

Cây mặc nưa là loại cây gỗ có màu đen, lá mỏng, chùm quả tròn trĩnh gần giống như quả nhãn. Quả mặc nưa sau khi thu hái, được phân loại lớn nhỏ khác nhau. Thông thường người ta sẽ chọn quả to và xanh, loại bỏ những quả chín vì không còn nhựa nữa. Sau đó đem giã nát bằng cối đá hoặc nghiền bằng máy và hoà vào nước tạo thành dung dịch có màu vàng sánh rất đẹp, khi tiếp xúc với không khí và nhiệt độ, màu này sẽ chuyển sang màu đen. Trung bình, để nhuộm một cây lụa 10m phải cần 50kg trái mặc nưa. Vì thế, có thể nói, nguyên liệu dùng để nhuộm lụa Tân Châu hoàn toàn là nguyên liệu tự nhiên, không hề có phẩm màu hay hóa chất.

Công đoạn nhuộm lụa được xem là quan trọng và kỳ công bởi lụa không chỉ nhúng một lần mà thậm chí phải nhúng hàng trăm lần để từng sợi tơ được thấm sâu, thấm đều, sau đó mang ra phơi. Khi phơi phải xem trời nắng tốt để phơi được 4 nắng. Quá trình vừa nhúng, vừa phơi phải mất khoảng 40 - 45 ngày. Trong khi đó khoảng 5 đến 7 ngày người thợ nhuộm phải đem những cây hàng (đơn vị tính cho một cây lụa) đi nện (công đoạn bắt buộc khi gia công Lãnh Mỹ A, bởi lẽ sợi vải phải chịu tác dụng lực cơ học lên bề mặt mới tạo độ bóng bền cho lãnh). Lãnh sau khi phơi khô được quấn lại thành cuộn tròn và đem đi nện. Lúc trước những người thợ nện dùng những cây búa gỗ nện, những sau này họ sử dụng những máy nện hàng, những tiếng nện hàng buổi đêm khuya tạo nên nét đẹp của vùng quê xứ lụa. Thế cũng chưa hết, lụa còn trải qua các giai đoạn hồ, xả nữa mới tạo được một tấm lụa Mỹ A tuyệt đẹp, mang một màu đen huyền bóng loáng.

Thành quả làm ra là những thước lụa tuyệt đẹp, lóng lánh một màu đen đặc biệt. Nét nổi tiếng và độc đáo riêng của lụa Tân Châu chính là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao.

Giữ hồn làng nghề lụa Tân Châu

Do phải mất nhiều thời gian và công sức để làm ra lụa Tân Châu, do vậy giá cả của một thước lụa làm ra khá đắt, trong khi vào những năm 60-70, thị trường vải ngày càng phong phú, đa dạng, giá lại rẻ nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh, đời sống người lao động gặp khó khăn, nghề dệt truyền thống mai một dần.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với xu thế thời trang hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao mang dấu ấn dân tộc nên lụa Tân Châu đã bước đầu được khôi phục và tìm được chỗ đứng xứng đáng cho mình, con tằm lại tiếp tục nhả tơ, ruộng dâu, vườn mặc nưa sống lại.

Bên cạnh màu đen truyền thống do nguyên liệu nhuộm tự nhiên của quả mặc nưa, những người sản xuất lụa Tân Châu còn tìm kiếm những kỹ thuật nhuộm nhiều màu khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của du khách. Nghề ươm tằm cũng như nghề dệt Tân Châu cũng đã cải tiến không ngừng. Tiếp thu những thành tựu kỹ thuật mới, mọi công đoạn đều dùng máy để tạo ra những sợi tơ mềm và nhuyễn hơn. Năng suất mỗi lần ươm, dệt cũng được tăng lên đáng kể. Những bộ trang phục được may bằng lụa trông mềm mại, láng trơn toát lên vẻ thanh tao, quý phái cho người mặc. So với thập niên 50, 60 thì sản lượng lụa làm ra còn kém xa, nhưng chất lượng tơ lụa thì đã ngang tầm với những quốc gia có ngành tơ lụa phát triển. Đây chính là cơ hội quý báu để một làng nghề vốn nổi tiếng đã lặng im từ lâu có thể khôi phục lại như thời vàng son trước kia.

Lụa Tân Châu là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của người Việt. Những sản phẩm bền và đẹp như hiện nay là kết quả của cả một quá trình người làng nghề không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và luôn tìm ý tưởng sáng tạo nên những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nghề dệt truyền thống Tân Châu đang sống lại, đó là hạnh phúc lớn đối với những người dân An Giang. Làng lụa Tân Châu hôm nay lại tiếp tục một cuộc hành trình mới của những sáng tạo nghệ thuật, của những giá trị truyền đời và một sinh khí lao động mới với đầy những tiếng cười vui lại vang lên trên những nương dâu ngút ngàn dường như vô tận, với tiếng khung cửi ngày đêm lại vang lên như bản hòa tấu được cất lên từ những đôi tay tài hoa của người thợ dệt./.

Nguồn: quehuongonline.vn,ngày 10/2/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi