Thứ Sáu, 22/11/2024
Gốm Phù Lãng: Vẻ đẹp mang tên "hồn quê"

 Sản phẩm gốm Phù Lãng luôn thể hiện sự điêu luyện trong điêu khắc tạo hình

Lịch sử đồ gốm Việt Nam bắt đầu từ những món đồ bằng đất sét trộn bằng bột vỏ sò không tráng men, dùng khuôn bằng giỏ đan, màu nâu đậm hay nhạt cách đây đã hàng ngàn năm. Gốm được coi là nét văn minh sơ khởi của con người, từng là điều huyền bí, linh thiêng trong truyền thuyết: “Đồ gốm, sứ là loại chất bột nằm sâu trong lòng đất, ở những nơi linh thiêng có ma quỷ canh giữ. Muốn khai thác được phải chọn ngày lành tháng tốt. Lên tới mặt đất, nhờ ánh sáng chói lọi của mặt trời soi rọi chất bột đó biến thành gốm sứ…”.

Kỹ nghệ gốm có những bước phát triển mạnh mẽ đầu tiên từ giai đoạn Phùng Nguyên – thời kì Hùng Vương (cách đây khoảng 4000 năm). Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1, trang 38 có ghi: “Trong giai đoạn Phùng Nguyên, kỹ thuật tạo chế đồ đá đã đạt đến trình độ cực thịnh… Những loại hình đồ gốm như bát, cốc, vò… có hình dáng đẹp, chắc, khỏe, phần nhiều được chế tạo từ tay. Mặt ngoài đồ gốm phủ đầy hoa văn trang trí với những đường vạch sắc sảo, những nét cong uyển chuyển, mềm mại, được phối trí, đối xứng và hài hòa. Đó là một biểu hiện về óc thẩm mỹ khá cao của người Việt Nam lúc bấy giờ…”. Ngay từ xa xưa, người Việt cổ đã nghĩ ra bàn xoay, chế tạo ra thứ men để phủ ngoài, tăng thêm vẻ đẹp cho đồ gốm.

Đến thời Lý - Trần, kỹ thuật gốm có sự phát triển vượt bậc với sự xuất hiện của bộ ba ông Tổ nghề gốm: Hữa Vĩnh Kiều – người làng Bồ Bát (Thanh Hóa), Đào Trí Tiên - người làng Thổ Hà (Hà Bắc) và Lưu Phong Tú – người làng Kẻ Sặt (Hải Dương). Cả ba ông sau khi đi sứ đã học được nghề làm gốm và sau khi trở về đã truyền nghề lại cho dân làng. Ông Kiều trở về Bồ Bát, ông Đào Trí Tiên về với làng Thổ Hà còn ông Lưu Phong Tú dạy nghề gốm cho làng Phù Lãng. 

Nét đặc sắc riêng có

Nếu như làng Bồ Bát với ông Tổ Hứa Vĩnh Kiều nổi tiếng với sản phẩm gốm từ chất liệu đất sét trắng, vùng Thổ Hà lại một thời huyên náo đò đầy dọc ngang với sản phẩm đất sét xanh, thì làng Phù Lãng lại âm trầm, mộc mạc nhưng vô cùng tinh tế với các sản phẩm từ đất sét đỏ.

Về với Phù Lãng, người ta không khó để bắt gặp những hình ảnh mái ngói nâu đỏ thấp thoáng sau lũy tre làng, những hàng chum vại dọc theo con đường làng quanh co rồi những tranh gốm, bình gốm xếp chồng cao ngất bên hiên nhà. Những hình ảnh quen thuộc ấy vẫn được người ta nhớ đến với cái tên vô cùng dung dị “hồn quê”.

Tất nhiên, gốm Bát Tràng hay Thổ Hà cũng là sản phẩm gốm đặc trưng của người Việt nhưng cái sắc nâu da lươn óng ả của gốm Phù Lãng vẫn luôn gợi lên “chất quê” bình dị, gần gũi, mộc mạc nhưng đầy tinh tế và thể hiện sự điêu luyện trong kỹ thuật làm gốm.

Sản phẩm gốm Phù Lãng gồm ba loại chính: Gồm được dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng; Gốm gia dụng – một trong những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng - vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang đến chum, vại thậm chí cả ống điếu và bình vôi; Gốm trang trí, gồm bình trang trí, lọ cắm hoa, tranh gốm...

Gốm Phù Lãng có nét sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… mà người ta gọi chung là men da lươn. Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kẹp, màu men tự nhiên, bền và lạ, dáng của gốm mộc mạc nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và lửa, nhưng vẫn thể hiện sự điêu luyện trong điêu khắc tạo hình.

Điều đặc biệt ở gốm Phù Lãng chính là loại đất sét được các thợ nghề trong làng sử dụng. Đất không được lấy trực tiếp trong làng mà được vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) và được chở về vùng Phù Lãng theo đường sông (chủ yếu sông Cầu). Điều này khiến cho cấu trúc địa chất và cảnh quan làng Phù Lãng không bị phá vỡ. Đất lấy về phải là loại đất có độ dẻo, sau đó được phơi để đất bạc màu, trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm nước”, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm. Đất sét phải được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn mới có thể mang đi tạo hình.

Cũng giống như làng Bát Tràng và Thổ Hà, gồm Phù Lãng được tạo hình trên bàn xoay tay. Tuy nhiên, kỹ thuật làm tráng men ở đây lại không thể trộn lẫn. Men được làm từ tro cây rừng - thường là lim, sến, táu và nghiến (những loại cây này khi đốt, tàn tro trắng như tàn thuốc), trộn với vôi sống, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng theo một tỷ lệ nhất định. Đây được coi là bí quyết của người làng, rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành chất lỏng quánh, có màu vàng như vật ong. Loại men này được quét lên sản phẩm gốm rồi đem phơi khô, khi đó, sản phẩm gốm sẽ có màu trắng đục.

Công đoạn cuối cùng chính là nung. Đây là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo được màu sắc của sản phẩm. Nhiệt độ lò nung nhất định phải đạt 1000oC, như vậy lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Sản phẩm xếp vào lò cũng không được tùy tiện mà phải đảm bảo tiết kiệm tối đa không gian trong lò vì chi phí một mẻ đốt lò không hề nhỏ. Sản phẩm gốm được đun liền 3 ngày 3 đêm, lượng nhiệt trong lò cũng phải được điều chỉnh tăng dần nhiệt độ đến ngày thứ hai khi chín gốm, rồi từ từ giảm nhiệt độ. Đến ngày cuối cùng, gốm được để nguội, lấy ra khỏi lò và bắt đầu công cuộc phân loại. Gốm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn óng hoặc màu cánh gián, gõ vào phải có tiếng vang, nếu không sẽ bị thải loại.

Từng công đoạn, từ chọn đất, tạo hình, tráng men đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kì cho đến khi một sản phẩm gốm ra đời.

Làng gốm vươn mình trong thời đại mới

Xưa nay, Phù Lãng vẫn luôn thành công trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy nghề truyền thống của ông cha. Làng Phù Lãng hiện nay không còn chỉ là một làng nghề sản xuất mà còn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch đến tìm hiểu về nghề gốm Việt Nam. Người dân nơi đây đã quen với những vị khách phương xa lui tới tìm hiểu về nghệ thuật làm gốm, hay đơn giản chỉ là lặng im nhìn ngắm hình ảnh đất và người của làng gốm Việt. Du khách đến làng cũng trực tiếp tham gia làm những sản phẩm gốm cho riêng mình, từ nặn, tạo hình rồi đưa chúng lên lò nung cho đến khi có được sản phẩm mang về.

Không quá nổi bật, không cần phô trương, nhưng chính cái giản đơn, bình dị của gốm Phù Lãng lại luôn giữ được chỗ đứng vững bền trong lòng người Việt. Đã có lúc, gốm Phù Lãng tưởng như đã mất đi vị thế của mình trên thị trường gốm Việt khi gặp sức ép cạnh tranh quá lớn từ vô vàn các sản phẩm gốm trên thị trường, vừa bắt mắt lại rất “hợp thời”. Hơn thế nữa, thanh niên trong làng phần nhiều cũng theo những ngành nghề khác nhau mà bỏ quên cái nghiệp “gốm” cha ông để lại. Nhưng cuối cùng, cái vòng xoáy của sự phát triển vẫn chẳng thể mai một đi những giá trị đích thực.

Những năm gần đây, làng có một thế hệ nghệ nhân mới được đào tạo từ trường mỹ thuật – những người đang thổi vào đất những hơi thở thời đại để tiếp nối và phát triển nghề gốm cổ của cha ông. Tuy có sự thay đổi trong công nghệ khắc, trạm gốm để phù hợp với thị hiếu, nhưng màu nâu da lươn vàng óng ấy vẫn luôn là nét đặc trưng không thể thay thế. Qua mấy trăm năm, gốm Phù Lãng vẫn giữ nguyên vẹn cái sự bình dị, mộc mạc, chân chất ấy.

Phù Lãng dù đang dần chuyển mình theo thời đại, nhưng trong nó vẫn ẩn chứa cái hồn rất truyền thống, rất quê, rất mộc mạc mà đằm thắm của xứ sở Kinh Bắc xưa kia./.

Nguồn: quehuongonline.vn, ngày 9/2/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi