Thứ Ba, 24/12/2024
Vẻ đẹp Việt trong áo dài Trạch Xá

 Áo dài đồng hành cùng sắc đẹp Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế

Không giống như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc hay Sari- trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, áo dài không cần tốn nhiều thời gian để mặc, lại đơn giản, gọn gàng nhưng vẫn duyên dáng và vô cùng thanh lịch.

Thoạt nhìn, quốc phục Việt Nam có vẻ không quá cầu kì như nhiều quốc gia khác, nhưng thực tế áo dài chính là kết tinh của tay nghề thuần thục, khéo léo và sự kiên trì của người may. Áo dài truyền thống Việt Nam có những yêu cầu chuẩn mực hết sức khắt khe, nhằm thể hiện được những nét tinh tế nhất, từ việc lựa chọn kiểu may, màu sắc, chất liệu vải, đến những họa tiết trang trí, thêu thùa... Một trong những nơi vẫn còn gìn giữ và phát triển những chuẩn mực ấy của áo dài Việt chính là làng Trạch Xá thuộc xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội – làng nghề may áo dài nổi tiếng bậc nhất Hà Thành xưa.

Sự tích Thánh Tổ nghề may làng Trạch Xá

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Ông lên ngôi Hoàng đế, lấy đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Đây là vị Hoàng đế đầu tiên của nước Đại Việt sau gần 1000 năm đô hộ của phương Bắc.

Trong khoảng thời gian này, ở làng Trạch Xá thuộc trấn Sơn Tây – ngôi làng được Quý Minh Đại Vương lập nên thời kì Hùng Vương, có một người con gái tên Nguyễn Thị Sen xinh đẹp, nết na, thùy mị lại vô cùng khéo léo, giỏi giang trong việc may vá thêu thùa. Một lần, Vua Đinh Tiên Hoàng về trấn Sơn Tây, gặp và cảm mến người con gái tài sắc vẹn toàn ấy, nên đã nên duyên vợ chồng và lập nàng làm Tứ Phi.

Khi bà Nguyễn Thị Sen trở thành vợ Vua, với thân phận cao quý, Tứ Phi có kẻ hầu người hạ, không phải làm bất cứ công việc nặng nhọc nào, điều đó đã làm bà cảm thấy buồn chán, nên thường lẻn ra khu Thành Nội xem các cung nữ làm áo, thêu thùa. Vốn thạo nghề kim chỉ, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, Tứ Phi đã giúp họ làm ra những sản phẩm mũ áo, trang phục đa dạng, đẹp đẽ, được hoàng thân, quốc thích, hậu phi, công chúa, hoàng tử rất thích. Vua Đinh Tiên Hoàng biết chuyện mới giao cho bà quản việc may trang phục Hoàng triều. Bà đã cùng các cung nữ tạo nên các loại quần áo của Hoàng tôn, Công tử, Hoàng hậu và Triều nghi, thứ nào cũng đẹp, cũng trang trọng và tiện lợi; rồi truyền dạy nghề may cho cung nữ. Bà đã đào tạo được đông đảo đội ngũ thợ may, thợ thêu..., phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa có.

“Áo dài là sự chịu đựng vô bờ bến, cùng với tấm lòng rộng lượng của phụ nữ Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, dù cho chiến tranh bom đạn có tàn phá như thế nào đi nữa, áo dài phụ nữ Việt Nam vẫn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp của nó. Vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam không phải là làn da trắng hay má đỏ môi hồng, mà phải nhìn qua những tà áo dài thướt tha, dịu dàng, thể hiện một tâm hồn trong sạch và tính nết đoan trang” - trích phim Áo lụa Hà Đông, đạo diễn Lưu Huỳnh.

Vào năm Kỷ Mão (979), Vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị gian thần sát hại. Triều đình rơi vào cảnh chiến loạn. Những tranh giành quyền lực ngôi vị trong triều đình khiến Tứ phi Nguyễn Thị Sen buồn bã, muốn xa rời chốn lầu son gác tía đầy rẫy những tranh chấp, thị phi. Bà đã xin triều đình được từ giã hoàng cung, cùng với con gái trở về quê hương sinh sống, mang theo nghề may từ trong cung truyền dạy cho dân làng. Từ đó, nghề may làng Trạch Xá đời nối tiếp đời, ngày càng phát triển, đến nay đã được hơn ngàn năm.

Vẻ đẹp trong từng đường kim mũi chỉ

Có lẽ, người Hà Nội chẳng còn xa lạ gì với tiệm áo dài 82 Cầu Gỗ của cụ Mỹ Hào – người thợ lành nghề của làng Trạch Xá. Gắn với nghiệp tay kéo tay thước gần cả cuộc đời, giờ đây, cụ đã truyền lại nghề cho con dâu thứ để có thể hưởng thụ cuộc sống an nhàn tuổi già. Nhưng khi nói chuyện với cụ, nói về nghề may Trạch Xá, ánh mắt cụ vẫn sáng lên tình yêu đối với nghiệp quê hương: “Tôi học nghề này từ bố tôi. Năm 16 tuổi tôi bắt đầu học nghề, rồi làm suốt từ năm ấy đến nay, chỉ có ngày sơ tán thì chạy thôi, xong về Hà Nội lại mở hiệu may. Chúng tôi làm nghề này lâu năm rồi, 3 đời làm nghề: bố, tôi và con tôi”. Ông chia sẻ, để làm được nghề may không phải dễ, khi nghề khác còn được chạy đi chỗ này chỗ kia, làm may thì chỉ ngồi thôi, tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ. May công nghiệp thì nhanh nhưng không đẹp, tiệm may của ông chỉ trung thành với kĩ thuật may thủ công được truyền từ đời này qua đời khác của người làng Trạch Xá. “Trong thời gian làm, chúng tôi đã đóng góp cho Đoàn văn công, Tổng cục Chính trị, cụ thể là may cho vở kịch Xô Viết Nghệ Tĩnh”, cụ Hào nói đầy tự hào.

Người làng Trạch Xá biết may từ khi còn rất nhỏ. Trẻ con lên 8 đã được làm quen với việc đơm cúc thêu hoa, đến năm 15, 16 tuổi là có thể tự may được một chiếc áo dài. Kỹ thuật may Trạch Xá rất đặc biệt, cũng là bí quyết mà chỉ người trong làng mới biết. Áo dài ở đây chủ yếu được làm thủ công. Từng tà áo, vạt áo đều được khâu bằng tay mà mũi chỉ vẫn đều tăm tắp. Đa số người ngoài chỉ biết khâu tay ngang thì người dân ở đây khâu tay dọc, bởi đây là kỹ thuật rất khó. Chính vì vậy, áo dài Trạch Xá luôn thướt tha, mềm mại, chứ không cứng và thô như áo dài may bằng máy ở các nơi khác. Người làng Trạch Xá luôn thuộc nằm lòng câu “Trong dán hồ, ngoài phô trứng nhện”, nghĩa là phải khâu đường tà sao cho mũi chỉ tròn nhỏ xíu như “trứng con nhện”, thậm chí dùng mũi chỉ trắng khâu đường tà cho áo màu đen cũng không được nhìn thấy mũi chỉ... Tuy nhiên, có đường tà đẹp vẫn chưa đủ, mà việc đo, cắt sao cho “ngang canh thẳng sợi” cũng là một trong những bí quyết góp phần làm nên những chiếc áo dài đẹp, mềm mại, thướt tha mà sang trọng, khoe được nét duyên dáng quyến rũ tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam, của người thợ may Trạch Xá. “Áo dài của Việt Nam là đặc tính của người Việt Nam. Ngày xưa, ai cũng mặc áo dài, người bán hàng rong cũng mặc áo dài, sinh viên, phụ nữ ra đường đều mặc áo dài chứ không ăn mặc như bây giờ. Phụ nữ Việt Nam mình mặc áo dài đẹp lắm…”, cụ Mỹ Hào tấm tắc xen đôi chút tiếc nuối khi nhớ lại quá khứ.

Hòa nhập nhưng không hòa tan

Trước những biến động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều thương hiệu áo dài từ các vùng miền khác nhau, các thế hệ Trạch Xá vẫn ngày đêm miệt mài lao động sáng tạo để gìn giữ, phát triển và khẳng định chỗ đứng của áo dài Trạch Xá.

Thợ may của làng đã bắt kịp xu hướng, biến đổi kiểu may áo dài theo nhiều kiểu dáng để đáp ứng thị hiếu của người mặc. Áo dài cách tân là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi ấy. Khác với tà áo dài truyền thống, áo dài cách tân với màu sắc, chất liệu và kiểu dáng đa dạng, không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, mà còn giúp người sử dụng thoải mái trong mọi hoạt động. Làng may Trạch Xá chính là nơi khởi nguồn của chiếc áo dài cách tân rất được ưa chuộng hiện nay.

Với nhu cầu ngày càng lớn, những người thợ đã phải có thêm sự bổ trợ của máy may, tuy nhiên phần chính vẫn là thủ công, đặc biệt là may tà áo. Sự mềm mại, thanh thoát của áo phụ thuộc nhiều vào tà áo, nếu may máy thì tà áo bị cứng, đường tà cũng bị lộ, rất xấu áo. Chính sự quyết tâm giữ lấy cốt cách của nghề Tổ mà áo dài Trạch Xá bao đời nay vẫn luôn là biểu tượng của áo dài Việt Nam. Đi dọc khắp con đường Lương Văn Can hay Đội Cấn, những tiệm may gắn với chữ “Trạch” xuất phát từ tên “Trạch Xá” đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người phụ nữ Hà Thành khi muốn sắm cho mình một chiếc áo dài vừa ý.

Ngày nay, áo dài đã trở thành niềm tự hào của người Việt, đồng hành cùng sắc đẹp Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Vẻ đẹp lộng lẫy mà dịu dàng, thanh tao mà mặn mà không gì sánh kịp của áo dài đã tôn vinh vẻ đẹp không chỉ của người phụ nữ Việt Nam, mà còn là của một dân tộc kiên trung, kiên cường gìn giữ những giá trị văn hóa bất diệt./.

Nguồn: quehuongonline.vn, ngày 20/1/2017


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi