Thứ Hai, 27/1/2025
Lễ Bắn của người Xê Đăng Tơ Đrá tại Kon Tum

 Người Xê Đăng Tơ Đrá tại Kon Tum

Khi trong làng có sự kiện vui (có người tốt nghiệp đại học, hay làm công an, bộ đội, bác sỹ...) hoặc khi gia đình có chuyện buồn (người chết trẻ, gia súc chết nhiều, mất mùa nhiều năm)... sẽ được báo với Già làng. Các sự kiện đó được già làng ghi lại, sau đó, tất cả chủ nhân của những sự kiện đó cùng tập trung lại, mỗi gia chủ cúng một con lợn và một con dê làm lễ tế Giàng, coi như là lời thông báo đến Giàng của những gia chủ gặp may mắn hoặc là lời cầu mong an lành đối với những gia chủ gặp vận không may. 

Ngoài ra khi làng có sự kiện trọng đại như tổ chức làm nhà rông mới hay có đại dịch làm chết nhiều người trong làng… bà con người Xê Đăng Tơ Đrá tại Kon Tum cũng tổ chức Lễ Bắn để cầu mong Giàng ban cho sức khỏe, sự may mắn, bình an. 

Trách nhiệm của Già làng là sau khi tập trung được đủ số hộ và chọn được ngày lành tháng tốt có thể tổ chức Lễ Bắn, Già làng thông báo đến các gia chủ để họ chuẩn bị. Gia chủ bắt nhốt lợn, dê vào chuồng đợi đến ngày thì dắt chúng lên bãi bắn nằm trong vùng đất thiêng của làng. Những con vật tế linh được cột vào gốc cây Lung Pliang nằm trong vùng đất thiêng đợi làng lấy máu làm nghi lễ tế Giàng. 

Trước ngày diễn ra Lễ Bắn, các cô gái được giao nhiệm vụ bện dây thừng để buộc vào cổ, các chàng trai có nhiệm vụ lên rừng vót tên để bắn các con vật tế linh. Đúng ngày, những con vật tế linh được gia chủ đánh dấu, đứng cách 1-2m và bị bắn nỏ. 

Máu của lợn, dê được hứng vào một ống lồ lô đã cho sẵn rượu cần vào trước, trộn đều không để máu đông lại. Già làng rưới máu lên cây thuốc thiêng của làng khấn Giàng về sự kiện của mỗi gia chủ rồi mang số máu tế linh còn lại về nhà rông. 

Khi tất cả bà con đã tập trung về nhà rông, bộ chiêng thiêng và trống thiêng được để chính giữa nhà rông, gia chủ xếp hàng hai bên mặt trống để sau khi già làng khấn cúng Giàng, được ra hiệu, các gia chủ lần lượt cầm dùi đánh ba tiếng vào trống thiêng như thông báo có sự chứng kiến của Giàng, rồi chuyển sang đánh 1 hồi chiêng. Lần lượt dân làng cũng đánh trống và chiêng theo các gia chủ, vừa đánh vừa cầu Giàng ban cho sức khỏe, được mùa, may mắn. Song song với nghi lễ đánh trống thiêng và chiêng thiêng là tục lệ đội gan sống được xiên qua những cái que nhọn trên đầu, vừa đội vừa nghe già làng khấn Giàng, tế Giàng. Sau đó, già làng lấy máu của những con vật tế linh bôi lên trán của từng gia chủ. 

Lễ tế Giàng kết thúc là lúc dân làng hòa nhịp cùng điệu xoang trong âm vang cồng chiêng đại ngàn, cùng nhau uống những căn rượu cần sóng sánh, ăn những món ăn đặc sản Tây Nguyên, như: cơm lam, gà nướng, thịt heo dê nướng, dé đắng (lòng heo, dê nấu với cà đắng), măng rừng, rau rừng… cùng chúc nhau những câu chúc bình an. 

Lễ Bắn diễn ra liên tục trong 3 ngày 3 đêm mới kết thúc, trong 3 ngày đó dân làng không ai được tắm rửa hay vợ chồng không được ngủ chung để giữ cho Lễ Bắn được linh thiêng hơn./. 

Nguồn: TTXVN, 24/2/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi