Thứ Tư, 25/12/2024
Hát dân ca trong đám cưới của người Bru - Vân Kiều

Hát dân ca trong đám cưới của người Bru - Vân Kiều​

Đối với bất kỳ dân tộc nào cũng vậy, hình thức hát dân ca dân gian là một nét đẹp trong văn hoá ứng xử đầy chất thơ trữ tình, đằm thắm đã và đang tôn vinh vẻ đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình. Đó là làn điệu hát giao duyên dành cho thanh niên nam nữ đến tuổi trưởng thành, họ hát với nhau trong những lần hò hẹn đi Sim. Cứ mỗi độ xuân về, những đôi trai làng, gái bản áo quần rực rỡ, sau khi đi thăm người thân, bạn bè chiều lại kéo nhau ra bờ sông, bờ suối để hát đối. Đấy là cơ hội để trai làng gái bản có dịp gặp nhau trao đổi tâm tình, ngỏ lời yêu thường, hay trong những dịp đám cưới...

Người Bru - Vân Kiều có rất nhiều điệu hát dân ca, những làn điệu dân ca được dùng để hát giao duyên trong những buổi đi sim, trong đám cưới thì có 4 loại chính đó là: Cha chấp, Oát, Xanớt, Tà oải. Cha chấp là loại hình đối đáp dành cho thanh niên nam nữ trong những buổi đầu hò hẹn. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng. Bứơc qua giai đoạn đầu bỡ ngỡ còn nhiều nghi ngại, họ dần trở nên thân thuộc. Làn điệu Oát giúp những đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca, điệu hát. Những câu hát Oát như trở thành người mai mối dẫn dắt họ mạnh dạn tìm đến bên nhau. Xà Nớt là làn điệu dân ca để bày tỏ mong ước kết đôi của hai ngươì yêu nhau. Đó là khi họ tự thấy được niềm khát khao yêu đương của lòng mình, là khi họ thấy không thể thiếu được người mình yêu.

Khi nhà trai (khơi) đến đoàn nhà gái sẽ 2 đến 3 người thành niên đến đánh chiềng chào đón đoàn nhà trai. Khi các lễ vật đã được kiểm kê đầy đủ thì bên nhà gái mời nhà trai uống rượu và hát những câu hát vui vẻ, không nằm ngoài mục đích là chúc mừng cho đôi trẻ.

Thậm chí trong đám cưới cũng là dịp để các thanh niên nam nữ chưa có gia đình tìm hiểu nhau. Nếu trong đám cưới chàng trai thấy thích cô gái nào thì sẽ ngỏ ý mời nàng hát đối đáp. Họ hát với nhau thâu đêm suốt sáng, làm cho đám cưới của đôi trẻ trở nên vui hơn, thân thiết hơn.

Trước khi cô dâu về nhà chồng những người già trong bản cũng hát để dặn dò cô dâu. Hình ảnh đó rất đẹp, nó thể hiện sự quan tâm, sự đoàn kết trong làng bản rất chặt chẽ.

Một điều không thể thiếu khi nói đến nhũng làn điệu dân ca của người Bru - Vân Kiều là những nhạc cụ truyền thống kèm theo. Kèn Amam đi kèm với làn điệu Cha chấp. Trong những lần đi Sim, trong dịp đám cưới và hát giao duyên, con gái là người giữ kèn Amam. Đây là loại kèn phải có hai người thổi và hát lên làn điệu Cha chấp để trao đổi tình cảm, giọng kèn trầm và âm vang. Còn làn điệu Oát thì phải đi kèm với kèn Tariền. Loại kèn này được làm bằng ống trúc, có dùi năm lỗ tạo ra sau thanh âm trầm bổng. Kèn Tariền dành cho các chàng trai thổi ở các nhà Xu để thổ lộ tâm tình với bạn gái. Các chàng trai vừa thổi vừa hát Oát để nói lên nỗi lòng thầm kín với người mình yêu.

Âm thanh của tiếng kèn Tariền vì thế mà tha thiết, rạo rực. Tiếng kèn Khui thì vang lên cùng với làn điệu Xà nớt (được hát trong đám cưới rất nhiều). Kèn Khui là loại kèn thổi dọc có lưỡi gà làm bằng nứa rung tự nhiên. Về cấu tạo, nó là 1 ống nứa dài 30 cm, đường kính 0,5 cm. Điểm đặc biệt là cả hai người cùng thổi 1 ống. Khi hai người cùng thổi Khui và hát Xà nớt tức là họ đã trở thành một đôi tâm đầu ý hợp.

Điệu hát Tà oải trong đám cưới cùng dùng Khui để đệm, do đó điệu Tà oải của thanh niên nam nữ hay của người già càng trở nên vui hơn.../.

Nguồn: quehuongonline.vn, ngày 3/4/2017


 
 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi