Thứ Sáu, 22/11/2024
Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm

 Xa sợi - Dụng cụ không thể thiếu của nghề dệt người Chăm

Trước đây, nghề dệt thổ cẩm, vải tơ lụa của người Chăm rất phát triển, đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật thiết trí hoa văn trên vải. Vải Chăm sợi mịn, nhiều mầu sắc, kiểu dáng, hoa văn trang trí rất đẹp. Hầu hết phụ nữ Chăm đều biết dệt. Nhưng nay, người Chăm không sản xuất các sản phẩm từ tơ tằm mà chủ yếu là các sản phẩm từ sợi bông.

Người Chăm sử dụng những kỹ thuật nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Màu đều làm từ khoáng vật, thực vật ở địa phương như: màu xanh (chàm), màu đen (quả muông), màu vàng (cây jưng), màu đỏ (lõi cây pan) và kết hợp các màu đó để tạo ra nhiều gam màu khác nhau.

Hoa văn trên vải rất phong phú và đa dạng, nó phản ánh địa vị xã hội của người mặc. Địa vị xã hội càng cao thì quần áo của họ càng nhiều loại hoa văn. Hoa văn Chăm có 40 loại và chia làm 4 nhóm: hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn chỉ đồ vật và các loại hoa văn khác. Hoa văn trên tấm vải được bố trí theo chiều dọc nhưng không trang trí trên diện tích rộng.

Hoa văn  gồm các hình thoi lồng vào nhau và hoa văn được lặp đi lặp lại thành từng khối. Các hoa văn này được bố trí trên toàn bộ mặt vải, trông như những bông hoa hoặc cụm hoa. Hoa văn hình học nhiều màu sắc thường được bố trí ở hai đầu khổ vải và hai đường biên tấm vải. Người Chăm cũng sử dụng hoa văn cách điệu, hoa lá, núi non, chúng được cách điệu bằng đường nét hình khối, riêng các cánh hoa dù được cách điệu hay chân phương đều được bố trí thành những dải xen kẽ trong toàn bộ mảnh vải.


 Nghề dệt của người Chăm (Ninh Thuận)

Thôn duy nhất ở Phan Rang (Ninh Thuận) làm nghề dệt còn nhiều gia đình làm nghề dệt là Mỹ Nghiệp. Họ sản xuất các loại thổ cẩm để đính trên khăn hoặc quần áo của các tu sĩ.

Tại Châu Đốc (An Giang), nghề dệt của đồng bào Chăm rất phát triển. Sản phẩm đã trở thành hàng hóa để trao đổi, buôn bán rộng rãi. Trước năm 1975, có gia đình đã chuẩn bị nhiều khung cửi và bắt đầu thuê mướn nhân công. Tiếp xúc với nghề dệt của người Khơ Me và sau đó là người Hoa, đồng bào Chăm đã tiếp thu được những kinh nghiệm cải tiến khung cửi cổ truyền.

Điểm thuận lợi cho đồng bào là cư trú gần các trục lộ giao thông (đường sông, đường bộ) nên dễ dàng tiếp xúc với thương trường, làm gia tăng hoạt động trao đổi, buôn bán. Hoạt động này góp phần phát triển nghề dệt. Về lao động là một thuận lợi khác. Vì người phụ nữ Chăm theo đạo Hồi nên bị hạn chế ra khỏi nhà và được khuyến khích làm các công việc gia đình, do đó họ rất thành thạo và khéo léo trong nghề dệt.

Trước kia, nhiều gia đình người Chăm nguồn sống chính là dựa vào dệt. Nhưng nay, dệt chỉ còn là một nghề phụ bên cạnh các ngành sản xuất khác. Việc nâng cao đời sống đồng bào Chăm tại Châu Đốc bằng cách khôi phục và phát huy nghề dệt cổ truyền là một thuận lợi.


 Sản phẩm từ nghề dệt của đồng bào Chăm

Nghề dệt truyền thống người Chăm vừa là sản phẩm văn hóa vật chất, vừa là sản phẩm văn hóa tinh thần, đồng thời cũng vừa là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc được cấu thành trong hệ thống văn hóa đầy màu sắc của nền văn hóa Việt Nam. Nét độc đáo của nghề thổ là người Chăm vẫn còn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống trong việc tạo hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt.

Những sản phẩm được làm ra, ngoài giá trị về mặt kinh tế, thẩm mỹ, những hoa văn được trình bày trên vải còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu sắc trong đời sống tâm linh của xã hội người Chăm nói chung, nó làm cho sản phẩm dệt truyền thống người Chăm mang những nét đặc trưng, tiêu biểu./.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi