Thứ Ba, 24/12/2024
Đặc sắc phong tục đám cưới của người Mông trắng

 Trang phục cưới của cô dâu, chú rể người Mông

Ông Hoàng Văn Dì, dân tộc Mông trắng, Trưởng xóm Lũng Rản, xã Mã Ba (Hà Quảng) là người am hiểm về các phong tục tập quán của dân tộc mình cho biết: Con trai, con gái Mông trắng sau khi đã tìm hiểu và có tình cảm với nhau thì chàng trai đến gia đình cô gái xin phép đón cô gái về nhà. Nếu bố mẹ cô gái nhất trí sẽ đón tiếp chu đáo và làm cơm nắm đi đường cho đôi trẻ. Sau khi đến ở nhà chàng trai 3 ngày thì bố mẹ chàng trai đưa đôi vợ chồng trẻ sang gia đình nhà gái trao đổi, thống nhất kết thông gia và bàn việc cưới xin. Sau cuộc gặp mặt này, nhà trai sẽ lo tiền, nuôi lợn, gà... để chuẩn bị lễ ăn hỏi. Khi có đủ của cải, bố mẹ nhà trai nhờ hai quan lang nam, nữ có tài ăn nói, chọn ngày lành tháng tốt sang nhà gái bày tỏ ý định làm lễ ăn hỏi. Đoàn nhà trai khi đi sang nhà gái ngoài rượu, gạo, gà, thịt lợn... thì phải có Thanh pa (là chiếc khăn rằn của người phụ nữ dân tộc Mông) có ý nghĩa là vật báo hỷ với tổ tiên hai bên vừa tượng trưng cho sự nhất trí của bên nhà trai trong việc dạm hỏi, cưới xin.

Đặc biệt, người Mông trắng có tục lệ trên đường đi sang nhà gái hay đón dâu về dù gần hay xa nhất định nhà trai phải nghỉ chân ăn dọc đường. Trước khi ăn sẽ cúng thổ thần, thổ địa, ma rừng nơi dừng chân để các vị thần phù hộ cho đi đến nơi về đến chốn. Nếu trên đường đi gặp đám ma hay có tiếng sấm họ sẽ quay về và để lần khác đi. 

Đến nhà gái, quan lang truyền đạt lại tinh thần của nhà trai, nếu nhà gái nhất trí hai bên sẽ cùng trao đổi về tiền và lễ vật cưới. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình nhưng lễ vật bắt buộc phải có: thịt lợn, gà, rượu, tiền. Trong đó, việc thỏa thuận lễ vật bằng tiền được thực hiện rất tinh tế. Quan lang nhà gái sẽ rót rượu mời quan lang nhà trai và mời cầm đũa gắp thức ăn. Khi đó, quan lang nhà trai không vội nhận ngay đũa mà quan sát xem que đũa đặt trên bát khắc ký hiệu bao nhiêu nốt (mỗi nốt tương đương số tiền trăm hoặc triệu). Khi nhìn thấy số tiền khắc bằng nốt trên que đũa vừa phải mới cầm đũa lên, nếu số tiền quá cao sẽ không gắp. Sau khi đã đạt được thỏa thuận về các lễ vật, hai bên gia đình thống nhất ngày tổ chức lễ cưới.

Người Mông trắng không mời cưới bằng thiếp mà đến tận nhà mời và người được mời thường đưa cả nhà đến dự đám cưới. Ngày tổ chức lễ cưới thường vào mùa đông, lúc nông nhàn, mùa xuân... tránh ngày gió to, sấm sét. Đoàn nhà trai đưa lễ vật sang nhà gái đón dâu gồm có: hai quan lang, hai phù rể, một đôi vợ chồng trong họ có gia đình yên ấm, con cái đủ “nếp, tẻ”, một thiếu nữ trong dòng họ, một số người bạn, thân hữu của nhà trai đi đón dâu, cùng một bếp trưởng và 4 - 5 người để nấu bếp ở nhà gái (phải đảm bảo đi lẻ về chẵn). Bên nhà trai phải có Thanh pa hoặc ô đen và mâm lễ để cúng tổ tiên nhà gái. Khi mang đến cho nhà gái thì nhà gái cũng không được nhận hoặc ăn hết mà phải để lại 1 chân và đuôi lợn để khi cô gái lúc xuất giá phải mang theo về. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng tượng trưng cho việc cô gái về nhà làm dâu mang theo chổi về để luôn quét dọn nhà cửa, vun vén gia đình. 

Khi đoàn nhà trai vào nhà, nhà gái dọn một mâm cơm gọi là “bữa cơm chan nước”. Mâm cơm gồm quan lang hai bên, bố mẹ nhà gái, cô dâu chú rể, bếp trưởng, phù dâu phù rể... Trong đám cưới, cả cô dâu cũng như chú rể khi đi cũng như khi về đều phải lạy tổ tiên, anh em họ hàng gia đình với ý nghĩa: Nhờ tổ tiên phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, chúc mừng ông bà, cha mẹ, cô, bác, anh chị em đến vui chung với gia đình. Đồng thời, bố mẹ nhà gái cũng chuẩn bị mâm lễ để con gái mang theo về cúng tổ tiên nhà trai. Cô dâu ra cửa không được ngoái cổ nhìn lại, khăn Thanh pa được quan lang nhà gái trao lại cho nhà trai. 

Bà Lý Thị Sải, 62 tuổi, dân tộc Mông trắng, xã Đa Thông (Thông Nông) cho biết: Khi cô dâu về nhà chồng, 3 đêm đầu tiên phù dâu có trách nhiệm ngủ với cô dâu. Trong thời gian này, cô dâu kiêng hoàn toàn mọi việc: lấy nước, rửa mặt... đều do phù dâu làm cho; việc dọn dẹp nhà cửa, rửa bát... do  chị dâu hoặc các em nhà chồng làm. Thời gian 3 ngày cô dâu không làm việc gì nhưng phải chú ý quan sát xem gia đình nhà chồng sinh hoạt thế nào, kiêng kỵ điều gì... Đến sáng thứ 3, nhà chồng gọi anh em họ hàng và bắt con gà trống lấy vía cô dâu về làm lễ nhập môn. Lúc này cô dâu mới bắt đầu được làm mọi việc ở nhà chồng. Sau bữa cơm, vợ chồng trẻ cùng bố mẹ chồng và phù dâu về nhà gái làm lễ lại mặt. Cô dâu sau khi đã làm lễ nhập môn và lại mặt chính thức được coi thuộc hẳn nhà chồng, nếu muốn về thăm bố mẹ đẻ phải có chồng cùng đi mới coi là hợp phong tục. Người Mông trắng quan niệm, khi đã lấy chồng thì phải theo chồng nên vợ chồng người Mông thường gắn bó với nhau “như hình với bóng” trong mọi việc: lên nương, đi chợ, thăm họ nội ngoại, chơi lễ, Tết...

Qua phong tục cưới xin truyền thống, có thể thấy đời sống văn hóa tinh thần của người Mông trắng  rất phong phú, thể hiện sự quan tâm bố mẹ, dòng họ đối với con cái. Dù có quan niệm tự nhiên trong vấn đề hôn nhân, trai gái lớn được tự do tìm hiểu yêu đương nhưng bên cạnh đó cũng có những tục lệ cho thấy sự cẩn trọng, khắt khe để đảm bảo sự tự do hôn nhân đó nằm trong khuôn khổ nhất định. Nhờ đó, tạo nên sự bền chặt trong quan hệ vợ chồng, dòng họ, là nét đẹp trong phong tục đám cưới của người Mông trắng nói riêng và người dân tộc Mông nói chung. Những nghi lễ, tục lệ trong đám cưới của người Mông trắng đến nay vẫn được lưu giữ song đã được giản tiện hơn, một số hủ tục đã lược bỏ, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới tại các xóm, bản vùng cao./.

Nguồn: baocaobang.vn, ngày 9/7/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi