Thứ Năm, 23/1/2025
Đặc sắc nón lá của dân tộc Lô Lô đen ở Bảo Lạc

 Nón lá của dân tộc Lô Lô đen là một nghệ thuật tạo hình mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc​

Dây mây là nguyên liệu chính để làm nón lá của dân tộc Lô Lô. Mây được lấy từ những vùng núi cao, thường người ta chọn những thân mây chắc, khỏe, dóng đều và cứng về làm sạch, sau đó chẻ thành nan. Tiếp đến, người Lô Lô lấy lõi cành hoa của một loại cây gần giống cây moóc (tiếng địa phương là "rò xí"), tách thành sợi như sợi cước, phơi khô.

Nón lá của phụ nữ dân tộc Lô Lô đen gọi là "hú tế". Nón có đường kính khoảng 50 cm, hình hơi khum. Ở mặt trên từ đỉnh chóp nón có 5 sợi nan mây gập đôi và kết lại với nhau, rồi chia đều từ đỉnh nón kéo hình dẻ quạt làm trục chính. Sau đó dùng các sợi nan đan lại với nhau tạo mắt lưới hình ngũ giác nhỏ, đan theo vòng tròn đồng tâm từ đỉnh chóp xuống khoảng 20 cm thì bắt đầu dùng nan trúc vót tròn, uốn cong làm 2 nẹp và dùng "rò xí" buộc lại. Sau đó, dùng nan mây đan mắt kín hình dấu cộng chạy theo vòng tròn, có độ rộng khoảng 5 cm.

Ở mặt trong của nón lót một lớp lá cây mai (họ cây tre, có lá to bản) đã phơi khô. Để tránh mưa thấm, người thợ còn lót thêm một lớp ni lông, sau đó dùng nan mây đan một lớp lưới mắt ngũ giác đúng khuôn của mặt trên nón và ép vào để lá mai được gắn cố định. Từ đỉnh chóp, các thanh nan dọc được nẹp vào tỏa đều ra vành nón, được buộc giữ với nhau bằng các nan trúc tròn tạo tia như mặt trời. Điều đặc biệt, nhiều thanh nan dọc được làm từ trúc đen - loại trúc mọc ở các vùng núi trên 1.300 m, nơi có độ ẩm cao, thân trúc sau khi khô vẫn giữ màu đen bóng, rất hiếm và được dân tộc Lô Lô đen ưa chuộng. Phía trong mặt nón còn được trang trí bằng chiếc cánh của con cánh cam, hoặc lấy một số mảnh gương cài vào tạo sự phản quang khi có ánh sáng chiếu vào nón. 

Còn nón lá của đàn ông dân tộc Lô Lô gọi là "hú chòa" cũng có hình dáng tương tự như nón của nữ nhưng được làm đơn giản hơn. Mặt trên nón được đan mắt lưới hình ngũ giác, to bằng hạt ngô đều vành nón rồi nẹp lại bằng các thanh nan trúc hình tròn. Mặt trong của nón không có hoa văn sặc sỡ.  

Để sơn nón, người Lô Lô đen lấy vỏ cây trẩu về cạo màng bên ngoài và giã nhuyễn rồi cho vào nồi nấu. Sau đó, lọc lấy nước, đun tiếp đến khi cô đặc thành chất dầu sền sệt, có màu vàng nhạt. Dầu sau khi để nguội mới quét lên nón. Nón quét dầu trẩu trở nên óng ả như bôi một lớp sơn, vừa đẹp mắt, đồng thời có tác dụng chống nước, mối mọt. Dây nón được se từ chỉ hoặc len nhiều màu, buộc 4 góc làm quai và buông thõng 2 tua dài để trang trí. Đàn ông Lô Lô đen khi đội nón thì móc quai ra sau gáy, còn phụ nữ Lô Lô đen đầu được đội khăn cuốn rất cầu kỳ, tiếp đến mới đội nón lá trông rất đẹp mắt.  Có lẽ chính bởi sự tỉ mỉ, kỳ công như vậy mà chiếc nón lá của  dân tộc Lô Lô đen ngày càng ít. Theo ông Chi Viết Hải, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc), mỗi chiếc nón lá phụ nữ dân tộc Lô Lô đen được làm hơn nửa tháng và có giá trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay những nghệ nhân làm được nón lá của dân tộc Lô Lô đen không còn nhiều và tuổi đã cao. 

Nón lá gắn với trang phục của dân tộc Lô Lô đen là một tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Những chi tiết, phụ kiện trên nón đều thể hiện tính thẩm mỹ, sự tinh tế và quan niệm riêng về cái đẹp, cho thấy giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Lô Lô đen tại Cao Bằng rất phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc dân tộc./.

Nguồn: baocaobang.vn, ngày 23/7/20107


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi