Thứ Năm, 23/1/2025
Làng Tả Thanh Oai - Tự hào truyền thống khoa bảng và văn chương

 Tam quan đình Hoa Xá ( Tả Thanh Oai)

Làng Tả Thanh Oai còn có tên Nôm là làng Kẻ Tó, thuộc xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì đạt danh hiệu làng khoa bảng. Tả Thanh Oai được công nhận là làng khoa bảng vì có 12 Tiến sĩ. Ngoài ra, làng Tả Thanh Oai còn có 27 người đỗ kỳ thi Hương cống vào thời Lê (thế kỷ 14 - 17) và 10 người đỗ Cử nhân thời Nguyễn (thế kỷ 18 - 19). Hương cống là một loại học vị trong hệ thống khoa bảng Việt Nam thời phong kiến, là khoa thi được tổ chức 3 năm một lần, nhiều tỉnh thi chung. Đến thời nhà Nguyễn không gọi là thi Hương cống mà là thi Cử nhân, tức là người đỗ Cử nhân cũng tương đương người đỗ thi Hương cống.

Ông Lưu Xuân Long, người cao tuổi trong làng Tả Thanh Oai, cho biết: “12 Tiến sĩ làng rơi vào 2 dòng họ. Dòng họ thứ nhất là họ Nguyễn và dòng họ thứ hai là họ Ngô. Dòng họ Ngô nổi tiếng có 2 Tiến sĩ là Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm là hai Tiến sĩ nổi bật nhất trong 12 Tiến sĩ, làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước. Ngô Thì Sĩ từng trấn ải ở biên cương hải đảo miền Bắc. Con cụ là Ngô Thì Nhậm học hành rộng hơn và từng được Vua Lê giao cho nhiều trọng trách. Chúng tôi rất tự hào về tổ tiên.”

Để khuyến khích người dân học hành, làng Tả Thanh Oai có chế độ khuyến học thỏa đáng, người nào đỗ Tiến sĩ được thưởng 40 mẫu ruộng. Người khai khoa đầu tiên của làng Tả Thanh Oai là cụ Nguyễn Chỉ, Đệ nhị Tiến sĩ khoa thi Quý Dậu (1453), đời Vua Lê Nhân Tông. Ông Nguyễn Văn Dân, người trông coi nhà thờ họ Nguyễn khai khoa ở làng Tả Thanh Oai, cho biết:“Công lao họ Nguyễn khai khoa rất lớn. Họ Nguyễn chỉ dạy con cái học hành, có học thì mới có tài. Họ Nguyễn dạy con cháu đạo đức con người, lương thiện sẽ thắng mọi cái ác. Con cháu đều đặt là họ Nguyễn Văn. Tức là con cháu phải học về văn chứ không học võ. Về sau đời các con cháu nhiều người tài lắm.”


 Cổng làng ở Tả Thanh Oai. 4 chữ hán “ Thượng Phúc Xã môn” nghĩa là cổng làng Thượng Phúc

Cùng với truyền thống hiếu học và đỗ đạt, Tả Thanh Oai còn được biết đến là ngôi làng văn chương nổi tiếng của kinh thành Thăng Long nói riêng và cả nước nói chung. Các nhà khoa bảng của làng sáng tác ra những tác phẩm văn học lớn, đặc sắc nhất là tác phẩm Ngô gia văn phái (Trường phái văn học nhà họ Ngô). Ngô gia văn phái được viết bằng chữ Hán, phong phú về thể loại, bao gồm: thơ, truyện, ký, tự, biểu, tấu… Tổng số các tác phẩm của Ngô gia văn phái lên đến 36 bộ sách, trong đó tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” là bộ tiểu thuyết ký sự lịch sử danh tiếng bậc nhất Việt Nam.

Trong họ Ngô, người có tài thơ văn giỏi nhất là Ngô Thì Nhậm. Ông Nguyễn Kim Thị, người trông coi đình Hoa Xá, làng Tả Thanh Oai, kể lại: “Cụ Ngô Thì Nhậm rất tài giỏi. Cụ không những là một nhà văn mà còn là nhà ngoại giao, nhà quân sự. Thời đó, cụ Ngô Thì Nhậm đã từng đi xứ Nhà Thanh, Trung Quốc để giao bang, đối đáp giỏi nên người Trung Quốc kính nể cụ. Cụ học cao biết rộng, để lại nhiều tác phẩm văn học cho đời sau. Nổi tiếng nhất là tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí sau này in thành sách giáo khoa dạy học sinh thế hệ mai sau.”

Làng Tả Thanh Oai đã xuất bản cuốn sách “Làng khoa bảng Tả Thanh Oai”, ghi danh công lao các bậc tiền nhân để con cháu noi gương. Làng đã có hàng chục người có học vị, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, số lượng học sinh đỗ đại học hàng năm khá cao. Người dân làng Tả Thanh Oai thường truyền nhau câu nói vui rằng “Ở làng Kẻ Tó, ra ngõ là gặp cử nhân”. Các thế hệ trẻ của làng Tả Thanh Oai đang gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học của làng, chinh phục đỉnh cao tri thức và làm rạng danh ngôi làng khoa bảng này./

Nguồn: vovworld.vn/

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi