Thứ Ba, 24/12/2024
Bảo tồn chữ viết dân tộc thiểu số

 Bản sắc văn hóa sẽ không bị phai nhạt khi ngôn ngữ của dân tộc được bảo tồn, phát huy

Bức tranh ngôn ngữ đa dạng

Trong các dân tộc thiểu số (DTTS) ở nước ta, nhiều dân tộc có chữ viết riêng, thậm chí một số dân tộc có nhiều hơn một hệ thống chữ viết. Xét về nguồn gốc, sự hình thành và phát triển, chữ viết của các DTTS khá đa dạng, phong phú. Một số hệ chữ viết có lịch sử trên dưới nghìn năm, đó là các hệ chữ viết của các dân tộc Khmer, Thái, Chăm, Tày, Nùng, Dao... Chữ Thái cổ, Chăm cổ, Khmer dựa trên tự dạng Sanskrit. Chữ cổ của người Tày, Nùng, Cao Lan, Dao... thuộc dạng chữ vuông, bắt nguồn từ chữ Hán, có truyền thống vài thế kỷ. Nhiều hệ chữ viết khác được chế tác gần đây, dựa trên tự dạng La tinh. Theo PGS, TS Tạ Văn Thông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có thể phân biệt chữ viết các DTTS ở nước ta thành hai loại: Các hệ thống chữ viết cổ truyền và các hệ thống chữ viết mới.

Các hệ thống chữ viết cổ truyền đã có lịch sử nhiều thế kỷ, như chữ Hán, chữ Nôm Việt (còn gọi là "chữ Nho"), chữ Chăm cổ truyền, chữ Khmer, chữ Nôm Tày, Nôm Nùng, Nôm Dao, Nôm Sán Chí, chữ Lự, chữ Thái cổ... Đó có thể là chữ viết ghi ý, hoặc nửa ghi âm nửa ghi ý, gốc Trung Quốc có tự dạng Hán, hoặc là chữ ghi âm gốc Ấn Độ có tự dạng Sanskrit.

Còn các hệ thống chữ viết "mới" (còn gọi là các chữ viết từ dạng La tinh) là các hệ thống chữ viết có lịch sử không dài, được chế tác trên cơ sở các ký hiệu của chữ La tinh, có tự dạng La tinh như chữ Quốc ngữ, chữ Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, K’ho, Bru -Vân Kiều, Tày - Nùng, Mường, Thái... Các hệ chữ viết tự dạng La tinh của các DTTS ở nước ta ra đời trong những thời kỳ khác nhau. Một số bộ chữ ra đời trước năm 1945 (Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, K’ho) nhưng lại có hệ thống chữ La tinh được chế tác sau năm 1960.

Cũng theo PGS, TS Tạ Văn Thông, chữ viết các DTTS dùng để thực hiện vai trò tích cực trong việc làm nên những thành tựu văn hóa (chẳng hạn văn học nghệ thuật, các văn bản truyền thanh truyền hình và tất cả những sáng tạo được ghi bằng chữ) cũng như bảo tồn và phát triển chúng, bằng cách ghi lại cho người khác và các thế hệ kế tiếp nhau cùng đọc.

Trong hoàn cảnh cụ thể của các DTTS ở Việt Nam hiện nay, chữ viết có vai trò như một phương tiện để tăng cường sự cố kết trong nội bộ một dân tộc và hướng về cội nguồn. Có thể xem chữ là một phương tiện để người ở các nơi khác nhau có được "tiếng nói chung". Chữ viết còn giúp cho thông tin tuyên truyền, cho việc chuyển tải các kiến thức khác nhau, trong đó có các kiến thức về chính ngôn ngữ các DTTS. Qua mặt chữ và các loại sách giáo dục sẽ tạo điều kiện cho học sinh và cán bộ công chức, đồng bào thuộc các dân tộc khác nhau học tiếng, hiểu biết hơn về văn hóa các DTTS anh em.

Bảo tồn chữ mẹ đẻ

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết DTTS, nhiều chính sách cụ thể liên quan đến bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, đã có 27/53 DTTS có bộ chữ viết riêng của dân tộc mình. Một số ngôn ngữ đang được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương như Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, Mông, Thái, Xơ Đăng, Tày, Hà Nhì, H’rê, Cơ Tu... Một số ngôn ngữ DTTS đã được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa”...

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện chính sách dạy và học ngôn ngữ DTTS cũng đã được triển khai nghiêm túc tại các trường phổ thông và bổ túc văn hoá vùng đồng bào DTTS trong cả nước. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình dạy song ngữ bằng 8 thứ tiếng dân tộc (gồm: Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào DTTS. Có khoảng 30 tỉnh, thành đang tổ chức dạy học ngôn ngữ DTTS trong nhà trường. Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt, như Sơn La, Bình Thuận…

Tỉnh Sơn La từ năm 2004 đã chỉ đạo nghiên cứu biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy văn học địa phương và chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang công tác ở vùng DTTS. Phấn đấu mỗi năm mở 5 lớp tiếng Thái, Mông cho 200 cán bộ, công chức, 4 lớp cho 200 cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên công tác tại các xã đặc biệt khó khăn.

Tại Bình Thuận, tất cả các trường tiểu học đều dành ra 4 tiết mỗi tuần để dạy tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Đến nay, mỗi năm học, tỉnh Bình Thuận có khoảng từ 3 - 4 nghìn học sinh tham gia học tiếng Chăm, chiếm tỷ lệ 90% học sinh Chăm toàn tỉnh.

Để bảo tồn ngôn ngữ các DTTS Việt Nam, ông Sơn Phước Hoan, dân tộc Khmer, nguyên Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm UBDT đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư dạy và học tiếng DTTS; có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với cả người học và người dạy. Hình thành các khoa hoặc bộ môn tiếng DTTS ở các trường cao đẳng, đại học để có thể đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc ở các cấp. Nghiên cứu, xây dựng chữ viết cho các dân tộc chưa có chữ viết nhưng đang có nhu cầu và có điều kiện để hình thành chữ viết của dân tộc đó…

Việt Nam hiện có 54 dân tộc anh em, trong đó khoảng 30 DTTS có chữ viết, tiêu biểu như: Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Jrai, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, K’ho, Chăm, M’nông... 

 Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi