Trong số những tỉnh, thành phố có các câu lạc bộ ca trù hoạt động thường xuyên và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù, Thủ đô Hà Nội có một lượng lớn với sự tham gia đông đảo của các đào nương, kép đàn. Ca trù không phải chỉ trong đô thị mà còn có sức sống bền bỉ ở cả những vùng ngoại ô.
Ca trù ở làng
Người làng Lỗ Khê(xã Liên Hà,huyện Đông Anh, Hà Nội) vẫn tự hào quê hương là một trong ba trung tâm ca trù của cả nước. Hiện nay, làng vẫn còn nhà thờ Tổ nghề, còn thần phả, còn sắc phong... và câu chuyện kể về nguồn gốc tiền thân của giáo phường Lỗ Khê khi ông Đinh Dự quê gốc ở làng Lỗ Khê lấy bà Đường Hoa, hai vợ chồng về Lỗ Khê mở học đường lập giáo phường. Khi hai vợ chồng ông Đinh Dự mất, năm 1428, trọng trách chính duy trì giáo phường là hai cụ tổ họ Nguyễn Văn và Nguyễn Thế bây giờ.
Theo các cụ cao nhân trong làng cho biết, ca trù là một sinh hoạt dân gian từ đồng ruộng mà ra. Người đào hát gốc là nông dân một sương hai nắng, nên lời hát, điệu múa của họ là sự phản ánh cuộc sống làng quê với những cảnh sinh hoạt văn hoá dân gian, với bờ ao, bến nước, sân đình… Đến đầu thế kỷ XX, người dân mới ra thành phố mở nhà hát. Những cái tên hát ả đào, hát cô đầu, hát nhà trò, hát gõ, hát thẻ… cũng bắt nguồn từ đó. Được nuôi dưỡng trong dân gian nên ca trù có sức sống bền bỉ, dù qua bao thăng trầm, thử thách. Ở thôn Lỗ Khê từ trước tới nay luôn có 3 thế hệ hát ca trù, thế hệ sau truyền dạy cho thế hệ trước. Năm 1995, câu lạc bộ (CLB) ca trù của thôn Lỗ Khê được thành lập. Các cụ già truyền lại cho các cháu, nhiều em thơ đã bắt đầu làm quen với ca trù, với nhịp đàn, tiếng phách từ khi còn nhỏ. Làng cũng từng đón tiếp những nhà nghiên cứu người Pháp, Mỹ về làng thực hiện những công trình nghiên cứu về nghệ thuật ca trù.
|
|
“Bà chúa ca trù”, Cung phi Đệ nhị Nguyễn Thị Hồng, người được nhân dân nơi đây tôn vinh là được thờ tại đền Đầm giếng ngôi đền nằm giữa cánh đồng làng Đại Phú, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Người làng Thượng Mỗ tự hào vì người làng gắn bó với ca trù cũng phải hơn 300 năm. Nhiều người trong dòng họ Nguyễn Duy vẫn duy trì lối hát dân gian bác học này. Những làn điệu ca trù trong trẻo đầy tính triết lí, giáo dục được người dân Thượng Mỗ nâng niu, quý trọng.
Với niềm tự hào gắn bó với quê hương, các CLB ca trù truyền thống ở các vùng quê cũng chuyên tâm với nghệ thuật ca trù và có ý thức giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của mình.
Ca trù trong lòng phố
Ca trù phố cổ đang dần trở thành một “đặc sản” du lịch, góp phần tạo nên sức hút cho du lịch Hà Nội. Du khách tới Hà Nội không quá khó để thưởng thức “di sản trong lòng di sản”, trong không gian thâm trầm, tĩnh lặng giữa lòng phố cổ. Trên trang web du lịch nổi tiếng Tripadvisor, CLB ca trù Hà Nội và CLB ca trù Thăng Long nằm trong top đầu danh sách nên trải nghiệm. Đó chỉ là hai trong số rất nhiều CLB, giáo phường ca trù đang hoạt động tại hà Nội có được những thành công vang dội trong việc biểu diễn và quảng bá ca trù tới cộng đồng quốc tế.
|
|
Câu lạc bộ ca trù Thái Hà là một CLB ca trù đặc biệt bởi tập hợp được nhiều thế hệ trong một gia đình họ Nguyễn đất Thái Hà một thời rất nổi danh với dòng ca trù cung đình. Tính đến nay, câu lạc bộ ca trù Thái Hà đã có hơn 20 năm hoạt động, trở thành địa chỉ quen thuộc của khán giả yêu thích nghệ thuật ca trù trong và ngoài nước. Hơn 20 người được phong là nghệ nhân ca trù, trong đó dòng họ nhà ông có 3 người là cụ Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Thúy Hòa và Nguyễn Văn Khuê.
Câu lạc bộ ca trù Hà Nội được nghệ sỹ Bạch Vân thành lập năm 1990 với hai địa chỉ “Bích Câu Kì Ngộ” (phường Cát Linh, quận Đống Đa) và Đình Kim Ngân (phường hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) chính là địa chỉ ca trù đầu tiên ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam hoạt động hiệu quả. hiện nay, CLB ca trù Hà Nội biểu diễn tại đình Kim Ngân, 42 - 44 hàng Bạc, tối thứ 4, thứ 6 và chủ nhật.
|
Tiết mục của CLB ca trù Thăng Long trong Liên hoan tài năng ca trù 2016
|
Trong khi đó, CLB ca trù Thăng Long của ca nương và đào đàn Phạm Thị Huệ ra đời năm 2006, biểu diễn thường xuyên tại nhà cổ 87 Mã Mây (Quận Hoàn Kiếm) thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Trước mỗi tiết mục có phần giới thiệu chủ đề bằng tiếng Việt và tiếng Anh, giải thích các nhạc cụ cũng như lịch sử, các nghi thức của ca trù. Khán giả được thưởng trà, tập đánh đàn, đánh phách. Sau buổi biểu diễn, các nghệ sỹ trò chuyện với khán giả, nhiệt tình trả lời những câu hỏi của họ và chụp ảnh lưu niệm. Không gian biểu diễn cổ kính, nghệ sĩ gần gũi với khán giả khiến nhiều khách du lịch quốc tế ấn tượng. Ngoài ra, trong chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian tại chợ đêm phố cổ, các nghệ sĩ của Trung tâm phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam (trực thuộc Hội Nhạc sỹ Việt Nam) cũng có biểu diễn các tác phẩm ca trù.
Hoạt động của những giáp phường, CLB ca trù ở cả thành phố và vùng nông thôn đã góp phần bảo tồn cũng như quảng bá nghệ thuật ca trù, nhất là sau khi loại hình nghệ thuật truyền thống này được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp./.
Nguồn: langvietonline.vn