Thứ Tư, 1/5/2024
Bài ca ấy, đẹp như em – “Người giáo viên nhân dân”

 Ảnh minh họa

Với mỗi giáo viên, không ai là không biết đến những câu hát qen thuộc “Trên những nẻo đường cuả Tổ Quốc xanh tươi. Có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương. Có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em, người giáo viên nhân dân…”. Đó là ca khúc Bài ca người giáo viên nhân dân của Hoàng Vân - một trong số những bài hát hay về đề tài sư phạm.

Bài được viết với khúc thức 2 đoạn đơn, giai điệu bình ổn dễ hát, lời ca dung dị chân thật như lời tự sự của tác giả. Nhạc sĩ đã chọn giai điệu trẻ trung với tiết tấu sôi nổi vui tươi pha chút nhí nhảnh “Tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng. Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”. Nghe bài hát ta như được chắp cánh ước mơ cùng cô giáo “như chim bay về khắp miền, em lên đường, tung bay ra nhiều thế hệ cháu Bác Hồ”. Những ước mơ cao đẹp từng ôm ấp trong tim, đó là những ước mơ xanh của tuổi trẻ, muốn được đem những tri thức của nhân loại đến các miền còn khó khăn xa xôi hẻo lánh; đem cái chữ đến khắp bản làng vùng cao, hay nơi đảo xa xôi luôn ầm ào sóng biển; đem những con chữ đến với các xóm vạn chài trên sông. Để trẻ em không còn bị thất học, có công của cô – người giáo viên nhân dân. Và cô giáo trẻ rất tự hào vì mình là “người chiến sĩ văn hoá” được nuôi dưỡng “lớn lên trong trái tim quê hương Việt Nam”.

Nếu như lời 1 là ước mơ cao đẹp của cô giáo trẻ thì lời 2 tác giả đã phản ánh được phần nào cuộc sống vất vả của người giáo viên khi “bên ánh đèn khuya thức thâu đêm” soạn giáo án. Rồi những buổi miệt mài “dưới chiến hào dân quân” vì độc lập tự do của Tổ Quốc, để khi “chia tay dạt dào kỷ niệm”. Vâng! Cuộc chia tay đầy ấn tượng khi mà “người cầm bút, người cầm súng, người đi xa” vẫn hằng nhớ đến cô giáo. Nhớ tiếng giảng bài ngọt nhẹ của cô đã “nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng” của các thế hệ học trò. Từ tiếng nói nhỏ nhẹ ngọt ngào ấy, những trang sử vàng chói lọi của cha ông đã tái hiện trong những bài học, để “tiếng kiêu hùng của lịch sử cha ông dựng nước” được mọi thế hệ khắc sâu và tiếp nối. Cô giáo trẻ đã tự hào rằng mình là người “đi gieo hạt giống đẹp bao tâm hồn”, giúp cho thế hệ trẻ “noi gương anh hùng cách mạng chiếu sáng ngời”. Cô đã tự hào thốt lên “tuổi trẻ bên em là tương lai Tổ Quốc”, tự hào vì mình đã góp chút công sức để mang sức trẻ truyền đạt cho thế hệ đàn em thơ những tri thức của nhân loại, góp phần làm cho truyền thống của cha ông được tiếp nối và phát huy .

Bài hát được sáng tác vào những năm 70 của thế kỷ trước. Ngành giáo dục rất cần những bài hát viết về sự khởi sắc và những con người mới trong môi trường sư phạm. Hoàng Vân viết bài này không hẳn chỉ là hưởng ứng cuộc thi sáng tác mà ông muốn ca ngợi tôn vinh những cô giáo bước lên bục giảng, vinh dự được gánh vác trọng trách “trồng người”. Với Bài ca người giáo viên nhân dân, khi hát lên, ta thấy rõ nét trong sáng cuả điệu trưỏng với tiết tấu hơi nhanh rất phù hợp với lời ca.

Nhạc sĩ Hoàng Vân hoàn thành bài hát khá nhanh, viết một mạch chỉ trong vòng một vài giờ, sau đó cũng không phải chỉnh sửa nhiều. Ngay sau đó, bài hát tự nhiên được lan truyền trong ngành sư phạm trước khi chính thức thu thanh, phát trên sóng. Người đầu tiên hát bài hát ấy rất thành công là ca sĩ Mỹ Bình. Từ đó bài hát trở nên rất phổ biến. Trong nhiều hội diễn, liên hoan văn nghệ ngành giáo dục, Bài ca người giáo viên nhân dân được nhiều người chọn để biểu diễn trên sân khấu.

Đã nhiều năm qua đi, nhưng bài hát vẫn luôn trẻ mãi như tâm hồn của người giáo viên, được ngành giáo dục coi như “ngành ca”. Cùng với ca khúc “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu” (Nguyễn Văn Quỳ)“Ước mơ xanh” (Lệ Giang)“Quà tháng Năm dâng Người” (Hồng Đăng)… “Bài ca người giáo viên nhân dân” của Hoàng Vân cùng nhiều bài hát khác về ngành sư phạm vẫn vang lên trong những dịp 20/11 hàng năm. Các thầy cô giáo vẫn tự hào hát mãi: “Bài ca ấy, loài hoa ấy, đẹp như em - người giáo viên nhân dân”./.

Nguồn: dantri.com.vn, ngày 20/11/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi