Thứ Hai, 23/12/2024
Gìn giữ bản sắc văn hóa qua Tết Hoa truyền thống

Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên, thần linh uống loại rượu cần đặc biệt do các gia đình tự làm

Thật may mắn, vừa qua chúng tôi có dịp được vui Tết Hoa cùng với đồng bào dân tộc Cống ở Pa Thơm; đây cũng là cơ hội để chúng tôi hiểu thêm những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Cống. Năm nay, người Cống ở các bản đều tập trung về bản Púng Bon để ăn tết nên không khí Tết Hoa tưng bừng hơn hẳn mọi năm. Ngay từ sáng sớm, bà con dân tộc Cống ai cũng xúng xính trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình và tập trung về ngôi nhà to, rộng nhất bản, được chọn làm nơi diễn ra lễ cúng truyền thống. Mọi người cùng nhau trang trí hoa và bày lễ cúng; loài hoa được người Cống dùng để trang trí là những cành hoa Mào gà có màu đỏ thắm; vì theo quan niệm, hoa Mào gà tượng trưng cho sự may mắn, tốt đẹp, tạo nên không khí ấm áp. Ngoài lễ vật do mỗi gia đình mang tới, thì trong mâm lễ cúng không thể thiếu một con gà trống và 1 chai rượu. Các lễ vật này được thầy cúng kính cẩn đặt lên bàn cúng, dâng lễ và đọc lời cúng bằng tiếng dân tộc Cống để mời thần linh, tổ tiên về dự lễ, cầu mong mưa thuận gió hòa, sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.


 Hoa bạt loong (hay còn gọi là hoa mào gà) không thể thiếu trong lễ vật dâng cúng.

Sau lễ cúng bản, ở mỗi gia đình, chúng tôi đều thấy không khí rộn ràng, tất bật chuẩn bị các mâm cỗ để ăn tết. Trong gia đình bà Quàng Thị Thun, bản Púng Bon hôm nay đông vui, nhộn nhịp hơn ngày thường bởi vào dịp Tết Hoa, các con cháu và họ hàng mới tụ họp về đây đông đủ. Từ người già đến trẻ nhỏ, không phân biệt nam hay nữ, ai cũng vào bếp cùng nhau chuẩn bị từng món ăn để mời người thân và khách du lịch tới thưởng thức. Riêng bà Quàng Thị Thun thì phấn khởi lắm! Vì chỉ có dịp này, bà mới được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Khi những mâm cỗ được bày lên, với những món ăn độc đáo đặc trưng của đồng bào dân tộc Cống, như: lạp trâu, măng đắng, thịt nướng, rau nộm... ai nấy đều phấn khởi, vui mừng và nâng chén rượu ngọt, chúc nhau một năm mới sức khỏe dồi dào, cuộc sống vui tươi, đủ đầy, hạnh phúc.

Theo truyền thống, bà con người Cống sẽ ăn tết trong 2 ngày, sau lễ cúng và ăn cỗ, họ sẽ cùng nhau đi du xuân, tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao. Chính vì thế, trong những ngày diễn ra Tết Hoa, nhiều du khách thập phương đã có mặt tại bản Púng Bon để đón tết cùng với bà con và tìm hiểu thêm về bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Cống nơi đây. Năm nay, Nghệ nhân Lương Thị Đại, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng tới dự Tết Hoa. Bà cho rằng, những lễ tết như thế này hết sức quan trọng, bởi nó đóng vai trò rất lớn trong việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc ít người tại Điện Biên, đặc biệt là dân tộc Cống.

Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương về mọi mặt, nên đời sống của đồng bào dân tộc Cống ở xã Pa Thơm, huyện Điện Biên ngày càng được đầy đủ, no ấm hơn. Bà con đã không còn giữ những hủ tục và phương pháp canh tác, lao động lạc hậu nữa, mà ngày càng tiến bộ và hội nhập với các dân tộc khác sinh sống lân cận; nhưng cũng không vì thế mà những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cống bị mai một đi. Tuy sinh sống gần gũi với các dân tộc khác trong xã, như: dân tộc Lào, Khơ Mú, nhưng năm nào đồng bào dân tộc Cống cũng tổ chức đầy đủ và nguyên vẹn các lễ tết truyền thống, với mục đích lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Qua mỗi dịp Tết Hoa được tổ chức hằng năm, đã khẳng định những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Cống vẫn còn nguyên vẹn trong thời kỳ hội nhập văn hóa hiện nay./.

Nguồn: baodienbienphu.com.vn, ngày 6/12/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi