Thứ Năm, 23/1/2025
Nghệ thuật Bài Chòi Bình Định

Nghệ thuật Bài Chòi là thú vui tao nhã của người dân miền Trung Việt Nam nhân dịp đầu xuân. Đây vừa là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính sáng tạo ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, ra đời từ nhu cầu liên lạc với nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy, ở vùng trung du, rồi lan rộng đến các vùng nông thôn và ra cả miền biển.

Bài Chòi là hình thức chơi bài nhưng không mang tính sát phạt, ăn thua như ở sòng bài, mà chỉ để giải trí bằng hình thức đối đáp vui xuân. Người ta đến chơi Bài Chòi cốt để nghe hô Bài Chòi, thưởng thức giọng hô, hát, tài ứng đối và lối diễn trò của “Hiệu” (người hô, hát chính).

Ở Bình Định, từ xưa tới nay, thịnh hành ba hình thức Bài Chòi, gồm: Bài Chòi “truyện” có phông màn, có rạp che chắn; Bài Chòi “lớp”/”chiếu” thể hiện ngay trên chiếu, đi khắp các làng mạc miền quê và hội chơi Bài Chòi thường được trình diễn mỗi dịp xuân về.

Hội chơi Bài Chòi thường diễn ra ở sân đình làng hoặc những khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần các khu dân cư, gần chợ, thuận lợi cho mọi người đi dự hội. Để chơi Bài Chòi, người ta dựng 9 hoặc 11 chòi bằng tre, nứa, lợp tranh như những chòi canh giữ rẫy, xếp theo hình chữ U. Chòi ở đáy chữ U gọi là chòi Cái. Người dẫn dắt cuộc chơi là các anh/chị Hiệu, ngồi ở chòi Cái. Họ rút con bài trong ống bài, giơ lên rồi hát những câu hát đố tên con bài ấy, gọi là Hô Thai. Người chơi mua 3 con bài, ngồi trên các chòi để đợi. Nếu cả 3 con bài trùng với những con bài mà anh/chị Hiệu xuớng tên thì thắng cuộc, được lĩnh thưởng, kết thúc một lượt chơi và sau đó, lượt chơi mới lại bắt đầu.

Hội Bài Chòi Bình Định. Ảnh: Hồ sơ, tư liệu Cục Di sản văn hóa

Hội Bài Chòi Bình Định

Nhạc cụ đệm trong Bài Chòi thường gồm: đàn nhị, song loan, kèn bóp và trống chiến. “Hiệu” khi hô, hát phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Đây là người rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý... thuộc nhiều thơ, ca dao, biết pha trò, đồng thời, ứng đối nhanh nhẹn. “Hiệu” vừa hô tên con bài được rút từ trong ống thẻ giữa sân hội, vừa biểu diễn những động tác, giọng điệu để góp vui, tăng phần hấp dẫn cho người chơi và người xem hội. Bên cạnh những câu hô đơn giản lấy trong ca dao tục ngữ, hò vè, người chơi còn thi nhau sáng tác các câu hát cho hội chơi Bài Chòi thêm phần phong phú và phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người dân. Tích truyện Bài Chòi là những bài học về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu quê hương, đất nước và đoàn kết dân tộc. Nội dung bi hài của Bài Chòi phản ánh nhân tình thế thái và phê phán thói hư tật xấu, khiến người xem phải suy ngẫm hoặc vui cười sảng khoái.

Sinh hoạt Bài Chòi là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời giúp bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền. Các thành tố văn hóa nghệ thuật: thơ ca, âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ, tập tục… trong Bài Chòi Bình Định được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt tinh thần thiết yếu và phổ biến khắp các huyện, thị của Bình Định. Rất nhiều tục ngữ, ca dao, bài vè… liên tục được biến tấu một cách linh hoạt, diễn tả sinh động mọi cảnh đời, từ tình yêu đôi lứa đến những khúc mắc nhân tình thế thái, tạo nên sự hấp dẫn và riêng biệt của Bài Chòi và cũng góp phần lưu giữ, phổ biến một phần của kho tàng văn học Việt Nam.

Bài Chòi hiện vẫn được duy trì và thực hành thường xuyên không chỉ ở Bình Định mà ở hầu khắp các tỉnh Nam Trung bộ. Tỉnh Bình Định hiện vẫn còn một số câu lạc bộ Bài Chòi cổ thường xuyên trình diễn do những nghệ nhân tâm huyết, yêu nghề tập hợp và truyền dạy cho thế hệ kế tiếp, hoạt động dưới sự bảo trợ của Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định. Các liên hoan, hội diễn Bài Chòi của tỉnh (Bình Định – từ 2010 đến nay), khu vực (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa - 2013, 2014) và liên tỉnh (2011, 2014 và 2015) được tổ chức với sự hỗ trợ của chính quyền, tổ chức xã hội và được cộng đồng nhiệt tình hưởng ứng.

Với những giá trị đặc sắc, Nghệ thuật Bài Chòi Bình Định đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25/8/2014./.

Nguồn: dsvh.gov.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi