Thứ Hai, 7/10/2024
Hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

 Hát Xoan Phú Thọ - một loại hình nghệ thuật đặc sắc

Hát Xoan - một loại hình nghệ thuật truyền khẩu đặc sắc, còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình, bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng ở nước ta. Đến nay, Hát Xoan đã trở thành một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo ở tỉnh Phú Thọ. 

Tương truyền: Một lần vào mùa xuân, ba anh em Hùng Vương đi tìm đất dựng thành, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng, vua trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao. Vua cho gọi chúng đến trò chuyện và bảo chúng hát cho nghe. Nghe xong, vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ ơn vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu trên đất đó để thờ vua, tục gọi là miếu Lãi Lèn. Miếu ấy nay ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. 
Từ khi có miếu Lãi Lèn, cứ đến ngày 30 tháng Chạp hằng năm, dân các làng lại làm cỗ cúng vua. Từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng, dân làng tiếp tục tổ chức những canh hát nghi lễ để thờ vua - trình diễn lại những điệu hát múa được vua trao truyền, với mục đích cầu mong vua giáng phúc cho dân làng một năm an hoà. Nghệ thuật Hát Xoan bắt nguồn từ đó. 
Xưa kia, Hát Xoan được gọi là Hát Xuân, sau từ Xuân được đổi thành từ Xoan. Tương truyền, vì ở xã Hương Nha, huyện Tam Nông có đình thờ nàng Xuân, tức nữ tướng Xuân nương; ở Hương Nộn, huyện Tam Nông có đình thờ Thánh mẫu Lê Xuân Lan; ở Hữu Bổ, huyện Lâm Thao có đình thờ Thánh mẫu Xuân Dung. Hàng năm, các làng mở hội đình, có lệ mời phường Hát Xuân sang hát thờ. Vì Thành hoàng làng có tên là Xuân nên các phường phải đổi từ Xuân thành từ Xoan. Vì vậy, có tên gọi Hát Xoan và phường Xoan. 
Tới thế kỷ XVII, nhiều làng xã ở Phú Thọ đã dựng đình làm nơi thờ tự thánh/thần, hội họp làng xã, vui chơi hội hè... Sau đó, phường Xoan phải chuyển lối trình diễn tại đền miếu sang lối trình diễn tại cửa đình.. Sự thay đổi này buộc các phường Xoan phải tìm ra các giải pháp nghệ thuật phù hợp để hoà nhập và thích nghi với nơi trình diễn mới (Hát Cửa đình). 
Tới thế kỷ XVIII, hầu hết làng xã ở Phú Thọ đều đã có đình. Cứ đến mùa hội đình, các làng thường mời phường Xoan về hát thờ. Có hiện tượng này, bởi hầu hết các đình làng ở Phú Thọ đều thờ hoặc phối thờ những nhân vật lịch sử và thần thoại có liên quan tới thời đại Hùng Vương. Dân gian quan niệm, Hát Xoan do vua Hùng truyền dạy, để hát thờ tổ tông người Lạc Việt. Vì vậy, đối với người dân trên đất Văn Lang thuở xưa và người dân Phú Thọ ngày nay, không có nghệ thuật hát thờ nào linh thiêng và quyến rũ họ bằng nghệ thuật Hát Xoan. 
Thông thường, nghệ thuật Hát Xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ diễn ra theo các chặng sau: (1)- Hát Thờ - tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ; (2)- Hát Nghi lễ - ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng, qua 14 làn điệu khác nhau, gọi là 14 Quả cách; (3)- Hát Hội (trong đó có Hát Giao duyên) - bày tỏ khát vọng cuộc sống, tình cảm, tình yêu nam nữ và phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng, với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn, được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng sở tại và các Đào, Kép của phường Xoan… Tuy nhiên, tùy theo hoạt động hội lệ ở các địa phương, nhiều trường hợp Hát Xoan chỉ trình diễn một hoặc hai trong ba chặng hát nêu trên. 
Âm nhạc trong hát Xoan được cấu thành chủ yếu từ những thang 3 âm, 4 âm. Giai điệu Xoan mộc mạc, tiết tấu đơn giản, giọng hát gần gũi với giọng nói. Nhạc cụ trong Hát Xoan chỉ dùng một chiếc trống nhỏ, hai mặt bịt da và đôi ba cặp phách tre. 
Bài bản Xoan được kết hợp hài hòa giữa nhạc, thơ và giọng điệu. Trong Hát Xoan còn có các điệu múa, kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ, như quạt, phách tre, nậm rượu... Lời Xoan thường được thể hiện dưới dạng thơ song thất lục bát, thất ngôn, lục bát, lục bát biến thể, bốn từ, sáu từ… 
Hiện tại, trên địa bàn Phú Thọ còn bảo tồn được 31 bài Xoan và 4 phường Xoan (An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái), đều thuộc thành phố Việt Trì. Đứng đầu phường Xoan là ông Trùm. Trong Hát Xoan, Kép nam thường làm nhiệm vụ hát dẫn (lĩnh xướng), múa, đệm trống con, trống cái; Đào nữ thường đóng vai trò hát phỏng (hát nhắc lại), hát đối đáp, hay múa... Ngoài ra, khi Phường Xoan được mời đến trình diễn ở nơi khác, trong phần Hát Hội còn có sự tham gia của trai, gái đại diện cho cộng đồng sở tại... 
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật độc đáo này, ngày 24 tháng 11 năm 2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 8/12/2017, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Nguồn: dch.gov.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi