Thứ Bảy, 7/12/2024
Độc đáo nghề vẽ tranh thờ của người Dao Thanh Phán

 Anh Hà Văn Tài vẽ tranh thờ của người Dao

Để tìm hiểu về nghệ thuật vẽ tranh thờ cúng của người dân tộc Dao Thanh Phán, chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Văn Tài - người hiện đang duy trì, lưu giữ nghề vẽ tranh thờ của dân tộc Dao. Anh Tài cho biết: “Tranh thờ tồn tại trong các nghi lễ người Dao từ rất lâu đời. Tranh thờ vẽ xong phải làm lễ khai quang, rồi cất trong ống, khi có nghi lễ hoặc ngày tết mới đem ra treo. Mỗi nhà người Dao có ít nhất một bộ tranh thờ”.

Anh Tài cho biết thêm, hiện, trong nhà anh có 12 bộ tranh đang vẽ dở cho người đặt mua, mỗi bộ tranh (3 tờ) giá 1,4 triệu đồng. Nội dung của các bức tranh anh Tài vẽ đều thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý và mối quan hệ giữa cuộc sống con người với vạn vật. Trong đó, bảo trợ cho cuộc sống của con người là 3 vị thần (còn gọi là tam thanh), gồm: Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian), Thái thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị thần này, Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả. 3 vị này có khi được vẽ độc lập ở từng bức tranh, cũng có khi được vẽ chung hoặc vẽ cùng các vị thần linh khác như bức “Tổng tinh đàn”.

Tại Quảng Ninh, hiện nay, ngoài anh Tài ở Tiên Yên và một nghệ nhân khác ở Hoành Bồ thì không còn ai vẽ dòng tranh thờ. Để vẽ một bức tranh thờ đẹp, có hồn, người vẽ phải lột tả được cái “thần” của nó. Việc vẽ tranh đòi hỏi người vẽ phải rất tỉ mỉ trong từng khâu, như chọn màu, pha màu, phối hợp màu sắc cho cân xứng, hài hòa. “Gia đình tôi có 3 đời làm nghề vẽ tranh thờ cúng. Ông nội truyền cho bố, rồi bố lại truyền cho tôi”. Anh Tài tâm sự.

Tranh thờ của người Dao thường được lưu giữ qua nhiều đời, nên rất coi trọng chất liệu giấy. Giấy vẽ tranh là giấy dó, có xuất xứ từ miền xuôi, vùng đồng bằng Bắc bộ. Đây là loại giấy thường được các làng tranh nổi tiếng như Đông Hồ sử dụng, do đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhòe khi viết vẽ, ít bị mối mọt, ẩm mốc. Trước kia, người Dao cũng tự làm được giấy dó, nhưng hiện nay, trên thị trường sẵn có, nên họ không tự làm, mà ra chợ mua về dùng. Sau khi mang giấy về, gia chủ sẽ chế biến một loại keo đặc biệt, có độ bền dính cao được làm từ gạo nếp, bì trâu băm nhỏ và vài lát cây rừng...

ất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi đun sôi nhỏ lửa khoảng 2 ngày, 2 đêm để tạo ra chất hồ kết dính dùng bồi giấy. Khi đã tạo ra chất hồ kết dính, họ trải giấy dó ra rồi phết hồ lên từng tấm. Cứ như vậy, khoảng 10 đến 15 tấm giấy dó được bồi vào nhau tạo nên một tấm giấy dày khoảng 0,3mm (độ rộng, dài của giấy theo một khuôn mẫu nhất định). Khi đã hoàn thiện, tấm giấy được treo ở chỗ thoáng gió, dưới bóng râm, để lớp keo kết dính khô từ từ, sau đó, giấy được mang treo trên gác bếp tránh ẩm mốc, hư hỏng.

Tranh thờ của người Dao mang sắc thái và giá trị thẩm mĩ rất riêng. Tranh có bố cục lạ, hẹp, dài, với dày đặc các nhân vật thần linh. Các nhân vật này lại tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, còn các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ. Màu sắc tranh thờ thường là màu nước, hình thành do các sắc tố dưới dạng bột được hòa tan vào nước tạo ra một dung dịch có màu sắc không pha trộn.

Một điều đáng chú ý là phong cách nghệ thuật trong tranh thờ được sử dụng triệt để, tạo nên hiệu quả rất cao. Nghĩa là trong cùng một khuôn tranh, người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau, các thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người trên cùng một mặt tranh. Lại có những bức tranh thờ vẽ đủ các cảnh, từ mặt đất lên bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh, tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ. Điều ấy khiến không gian tranh mênh mang, thời gian trong tranh vô tận, chứ không ghim chặt vào một thời điểm nào.

 Chia tay anh Tài, chúng tôi cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn anh ấp ủ một khát khao gìn giữ, lưu truyền dòng tranh dân gian này cho thế hệ sau. Để tranh thờ của đồng bào dân tộc Dao nơi đây có sức sống vững bền, rất cần sự quan tâm của ban, ngành chức năng để từ đó, lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật vẽ tranh có một không hai này./.

Nguồn: bienphong.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất