Ở các bon làng M’nông xã Dak Ndrung (huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông), nhiều phụ nữ vẫn hàng ngày miệt mài bên khung cửi, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đủ sắc màu, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Với phụ nữ M’nông, dệt thổ cẩm là thước đo đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người con gái khi về nhà chồng.
Vải thổ cẩm của người M’nông được dệt thủ công một cách tỉ mỉ, tinh xảo. Màu sắc chủ đạo trên tấm vải là màu xanh, màu đen, pha chút đỏ và vàng. Nổi bật trên các tấm vải thổ cẩm là các hình thêu tam giác nối kết, lồng ghép vào nhau và được tô điểm bằng hình ảnh cách điệu chim, thú, cỏ cây hoặc những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày của bà con. Các hoa văn thổ cẩm thể hiện quan niệm tín ngưỡng tâm linh của người M’nông về đất trời, sông núi, sức mạnh thiên nhiên và sự dũng cảm của con người…
|
Nghệ nhân hướng dẫn dệt thổ cẩm |
Theo bà U Han, một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm tinh xảo và nhanh nhất ở xã Dak Ndrung, huyện Dak Song, tỉnh Dak Nông, mỗi sản phẩm thổ cẩm còn thể hiện sự khéo léo, sáng tạo và tình cảm của người dệt. Chính vì vậy, thổ cẩm được xem như là thước đo đánh giá sự khéo léo, cần cù, đảm đang của người con gái M’nông khi ra mắt nhà chồng:
"Ngày xưa phụ nữ M’nông phải biết dệt, để khi lấy chồng các sản phẩm dệt sẽ làm vật đáp lễ nhà chồng, như njuh (chăn to), rnô| (váy dệt thêu hoa văn) bắt buộc phải có. Không biết dệt là nhà chồng chê lắm. Tôi trước khi lấy chồng cũng không biết dệt, không có lễ vật như njuh, rnô| cho nhà chồng, bị nhà chồng chê và thậm chí không nhận là dâu luôn. Từ đó tôi cố mày mò tự học dệt từ cái đơn giản đến cái khó và dần dần tôi dệt được hết".
Bà U Hậu, ở thôn on Ndrunglu, xã Dak Ndrung, huyện Dak Song, cho biết: nghề dệt thổ cẩm đã gắn bó người phụ nữ M’nông qua các thế hệ, mẹ truyền nghề cho con gái, chị bày cho em. Ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ M’nông đã được chỉ dạy, làm quen với nghề dệt thổ cẩm, đến tuổi lấy chồng thì tự tay dệt được bộ váy áo để làm của hồi môn:
"Từ lúc nhỏ, mỗi lần thấy mẹ bày khung cửi là tôi đều chạy đến ngồi bên cạnh để học. Thấy tôi thích dệt nên bố tôi làm cho cái khung dệt nhỏ cho tôi học theo. Ban đầu học cách xếp khung cửi, bày chỉ, rồi học dệt các sản phẩm đơn giản. Lúc 12 tuổi là tôi đã dệt thành thạo cái túi, khố, dệt được 3 cái váy. Từ đó, cứ rảnh rỗi là tôi ngồi bên khung cửi để dệt"
|
Một lớp dạy dệt thổ cẩm ở Đắc Ndrung |
Hiện nay, thổ cẩm vẫn hiện diện trong đời sống hàng ngày của người M’nông ở Dak Ndrung. Tuy vậy, do nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, trong khi những sản phẩm may sẵn lại rẻ và phong phú chủng loại, nên số em gái học dệt và biết dệt ngày càng ít dần. Chị Thị Nhum, ở bon Bu Prâng, xã Dak Ndrung, huyện Dak Song, tâm sự:
"Thổ cẩm rất quan trọng trong đời sống của dân tộc mình, ngày xưa và bây giờ cũng thế, vào dịp cưới hỏi bắt buộc phải có rnô|, njuh để đáp lễ nhà trai, cái đó là bắt buộc và ý nghĩa lắm. Thế hệ trẻ bây giờ hoà nhập với cuộc sống hiện đại nên ít người biết dệt, đó là điều mà chúng tôi rất lo, nếu mà bọn trẻ không theo học dệt thì sẽ không ai biết dệt nữa".
Để duy trì và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc M’nông, năm 2012 đến năm 2014, xã Dak Ndrung đã mở nhiều lớp dạy dệt thổ cẩm cho phụ nữ địa phương.
Hàng chục lượt chị em sau khi được tham gia khoá học đều tự trang bị cho mình một bộ khung cửi, lúc rảnh rỗi lại tự dệt nên những sản phẩm thổ cẩm sử dụng trong gia đình. Hiện nay, việc dệt thổ cẩm của phụ nữ M’nông ở xã Dak Ndrung không chỉ để thoả lòng đam mê, mà con góp phần giữ lại nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Tìm hướng phát triển thổ cẩm Mnông thành sản phẩm hàng hoá để người dệt có thể sống được với nghề, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống là vấn đề đặt ra cho cả chính quyền và người dân xã Dak Ndrung trong thời kỳ hội nhập kinh tế./.
Nguồn: vovworld.vn