Thứ Hai, 23/12/2024
Bến nước trong đời sống của người Ê đê

Nguồn sống của cả buôn làng

Ở mỗi buôn làng của người Ê Đê đều có bến nước, đây là nguồn nước sạch, nguồn nước nuôi sống cả buôn. Bến nước là nơi hội tụ sức sống của toàn buôn làng, có thể là một con suối hoặc một con sông được đắp thành một đập nhỏ để nước chảy vào những ống tre to nhằm điều hoà lưu lượng và lọc nước. Những di vật lớn như lá cây hay cành cây bị chặn lại, những thứ nhỏ hơn được gạn ra và rơi xuống, lỗ các ống nứa được đặt ngang mặt nước, hứng lấy một thứ nước tương đối trong và thoáng khí.

 

 Bến nước - nguồn sống của người Ê Đê 

Ngoài chức năng hàng đầu đó, bến nước còn là một nơi gặp gỡ quan trọng, là điểm công cộng duy nhất của buôn làng. Phụ nữ đến đó hứng nước vào bầu hai lần mỗi ngày. Bến nước còn là nơi gặp gỡ yêu thích của những đôi nam nữ. Thậm chí có rất nhiều câu chuyện đã bắt đầu ở bến nước đó. Nơi đàn ông, đàn bà hàng ngày tắm chung rất tự nhiên, thoải mái, đôi khi họ còn bày ra những trò đùa, tạo ra không khí vui vẻ sau một ngày làm việc vất vả.

Ngoài lễ cúng bến nước, nơi đây còn là nơi thực hiện nhiều lễ cúng khác của cộng đồng như Kăm Buh (Lễ trỉa lúa), Kăm Hwar (Lễ cúng cào cỏ).

Chính vì bến nước có vai trò quan trọng như vậy nên việc gìn giữ nó là trách nhiệm của cả cộng đồng buôn làng. Đề cập đến việc này luật tục Ê Đê có câu:“Nếu để nguồn nước bẩn/ Cây lúa không ra bông/ Cây kê không có hạt/ Con người sẽ mang bệnh/ Tội này xử rất nặng”.

Địa chỉ văn hoá tâm linh

Người Ê Đê từ bao đời đã nhận thức được vai trò của tài nguyên nước. Nước đối với họ không chỉ là nguồn sống vô tận mà còn là nơi chứa đựng tín ngưỡng tâm linh từ thế hệ này đến thế hệ khác của cả cộng đồng. Vì vậy lễ cúng bến nước là một nghi lễ rất quan trọng của người Ê Đê. Phong tục của người Ê Đê quy định: “Trong những ngày tổ chức lễ cúng bến nước, mọi người không được ra suối lấy nước, tắm giặt hoặc đi rừng, đi rẫy”.

Người Ê Đê cho rằng, nếu nguồn nước bị mất hoặc bị ô nhiễm, bị làm bẩn thì cộng đồng buôn sẽ bị các thần trừng phạt và buôn sẽ không còn tồn tại nữa. Qua luật tục từ xưa cũng đã góp phần khuyên răn, giáo dục mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên.

Buôn Ju (xã EaTu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có hai bến nước, một bến nước nằm ở phía Đông và một bến nước nằm ở phía Tây Nam của buôn. Song, bến nước ở phía Tây Nam của buôn được xem là bến nước chính. Cả hai bến nước này đều là nguồn nước suối chảy ra từ khe, chính vì vậy nước ở đây rất trong và mát. Theo nhu cầu hàng ngày, mỗi người đến bến nước gần nhà mình để tắm giặt và gùi những bầu nước mát về nhà. Trừ khi có một căn bệnh là bệnh ngoài da chẳng hạn, khiến người chủ bến nước (Pô pin Ea) khuyến cáo thay đổi chỗ lấy nước, bởi vì một bến nước là nơi trú ngụ của một vị thần đặc biệt, đôi khi được cáo giác bởi một giấc mộng để giải thích nguồn gốc của một căn bệnh mà việc hiến sinh cho các vị thần khác không chữa lành được.

Bến nước - niềm tự hào của đồng bào Ê Đê

Tộc người Ê Đê nói chung và người Ê Đê ở Buôn Ju, xã EaTu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nói riêng rất có niềm tin vào sự che chở của thần nước, đối với họ thần nước là một trong những vị thần tối cao, mang đến cho họ sự chở che, sức khoẻ để chống lại những thế lực xấu, bệnh tật, mang đến cho họ mùa màng tươi tốt, sự ấm no. Chính vì vậy mà hiện nay rất nhiều gia đình trong buôn có nước giếng khoan, song nhiều người trong buôn vẫn ra bến nước, gùi từng bầu bước mát về nhà để uống. Vì họ tin rằng, uống nước lấy từ bến nước của buôn sẽ được thần nước che chở và ban cho sức khoẻ.

Hàng năm, sau khi thu hoạch lúa xong, những cánh én đã bắt đầu chao liệng, những cây pơ-lang đầu làng xanh biếc chuẩn bị cho mùa trổ bông, hoa dã quỳ vàng rực bồng bềnh, lắt lay trên các sườn đồi. Pô lăn (người đứng đầu buôn) và Pô pin Ea (người chủ bến nước) nhắc nhở dân làng làm vệ sinh, dọn sạch các con đường trong buôn, đường xuống bến nước và đặc biệt là bến nước để làm lễ cúng bến nước.

Nguồn: quehuongonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi