Thứ Năm, 23/1/2025
Thơ chúc Tết năm Tuất của Bác Hồ

Ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, nhưng ở miền Nam, thực dân Pháp lại lăm le gây cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai. Trong tình thế nước sôi lửa bỏng ấy, Bác viết thơ chúc Tết xuân Bính Tuất - 1946 gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước. Bài thơ ngắn gọn, xúc tích, như một lời hiệu triệu các chiến sĩ và cả gửi gắm tình cảm yêu thương với người ra trận: “Hỡi các chiến sĩ yêu quí,/ .../ Bao giờ kháng chiến thành công,/ Chúng ta cùng uống một chung rượu đào./ Tết này ta tạm xa nhau,/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”. Lời thơ của Bác tràn đầy niềm tin tưởng lạc quan, dạt dào khí thế cách mạng khi Bác nhấn mạnh đến hai nhiệm vụ chiến lược cấp bách trước mắt và lâu dài của dân tộc là kiến quốc và kháng chiến: “Chúc đồng bào:/ Trong nǎm Bính Tuất mới,/ Muôn việc đều tiến tới./ Kiến quốc mau thành công,/ Kháng chiến mau thắng lợi”. Lời chúc đầu năm mới của Bác là lời chúc Tết tốt đẹp nhất, muôn sự đều tốt lành, muôn việc đều tiến tới để hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc nhanh chóng thành công. Niềm tin toả sáng trong thơ xuân của Bác trở thành niềm vui xuân, lời động viên tinh thần toàn dân quyết vượt qua mọi khó khăn gian khổ giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Cả bài thơ toát lên một tư tưởng chỉ đạo, mở ra triển vọng mới của cuộc cách mạng Việt Nam. Bài thơ của Bác là một lời kêu gọi, thúc giục, khích lệ mọi người dân mau kiến quốc, mau thành công, mau kháng chiến thắng lợi. Đó chính là thể hiện lòng tin vào Nhân dân, hiểu được sức mạnh Nhân dân của Bác Hồ.

Trong thơ “Gửi chị em phụ nữ xuân Bính Tuất”, Bác nhắc nhở chị em phụ nữ vui xuân năm mới đồng thời với bắt tay ngay vào việc xây dựng đất nước. Việc kiến quốc được Bác đặt lên trước nhiệm vụ kháng chiến, bởi nó được dựa trên bối cảnh thực tại của đất nước ta năm 1946. Bác đã chỉ ra và nói rõ việc làm tất yếu đầu tiên để kiến quốc là phải xây dựng một đời sống mới làm nền tảng: "Năm mới Bính Tuất/ Phụ nữ đồng bào/ Phải gắng làm sao/ Gây “Đời sống mới”. Bác nhấn mạnh, muốn xây dựng đời sống mới thì phải có con người mới mà theo Bác phẩm chất đạo đức đầu tiên của con người mới là: Cần, kiệm, liêm, chính. Trong thơ, Bác giải thích rõ ràng, cụ thể và dễ hiểu nhất về thế nào là cần, kiệm, liêm, chính: “Việc thành là bởi/ Chúng ta siêng mần/ Vậy nên chữ cần/ Ta thực hành trước/ Lại phải kiệm ước/ Bỏ thói xa hoa/ Tiền của dư ra/ Đem làm việc nghĩa/ Thấy của bất nghĩa/ Ta chớ tham thàn/ Thế tức là liêm/ Đã liêm thì khiết/ Giữ mình làm việc/ Quảng đại công bình/ Vì nước quên mình/ Thế tức là chính/ Cần, kiệm, liêm, chính/ Giữ được vẹn mười/ Tức là những người/ Sống “Đời sống mới”. Bài thơ theo thể thơ bốn câu ngắn gọn như một diễn ca bình dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc, Bác đã nêu bật những mục tiêu chính để mọi người tu dưỡng rèn luyện theo những phẩm chất tốt đẹp của "Đời sống mới". Thơ gửi chị em phụ nữ đầu xuân năm mới của Tết độc lập đầu tiên còn khẳng định một điều: Bác rất coi trọng phụ nữ và không ngừng đấu tranh giành quyền bình đẳng giới cho chị em phụ nữ.

Trong bài “Mừng báo Quốc gia”, Bác viết mùa xuân 1946 này mới thực sự là mùa xuân đầu tiên của dân tộc, tết này mới thực sự là tết của dân tộc Việt Nam: “Tết này mới thực Tết dân ta,/ Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia./ Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa./ Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,/ Cả nước vui chung phúc cộng hoà.”. Trong thơ chúc Tết của Bác có hoa, có rượu - đó là nét đặc trưng của Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam ta. Nhưng, trên hết vẫn là các nhiệm vụ chính trị mà Bác đã nêu rõ: Độc lập, Tự do, Dân chủ, Cộng hòa. Đây là những mục tiêu mà cả dân tộc ta bao nhiêu năm trường kỳ kháng chiến mới giành được. “Mừng báo Quốc gia” là thơ mừng tờ báo chính thống, tiếng nói của Nhân dân, của đất nước. Chủ đề bao trùm trong bài thơ là lòng yêu nước, cho nên tình cảm với quê hương đất nước, con người Việt Nam chính là nguồn cảm hứng trong thơ của Bác.

Bác Hồ, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Bác đã để lại cho toàn dân ta một kho tàng đồ sộ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại được viết bằng nhiều phong cách khác nhau. Trong đó, Bác có nhiều bài thơ mang tính động viên, khích lệ, kêu gọi đồng bào ta thi đua kháng chiến, kiến quốc, với mục đích cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt, những bài thơ chúc Tết của Bác bao giờ cũng cổ động cho phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu, tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn. Thơ chúc Tết xuân Bính Tuất 1946 của Bác là những bài thơ cổ động có sức sống mạnh mẽ như thế. Điều khiến cho mỗi bài thơ Tết của Bác trở nên đặc biệt hơn những lời chúc Tết thông thường là bởi đó không chỉ là tấm lòng của Bác với Nhân dân, đất nước mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả sự tiên đoán thần kỳ tiền đồ tươi sáng của cách mạng. Mỗi bài thơ của Bác không chỉ là sự tổng kết thành quả của cách mạng trong năm cũ mà còn là chỉ dẫn cho những chặng đường tiếp theo của cách mạng.

Mỗi mùa xuân về, ta càng thêm nhớ Bác với những bài thơ xuân đằm thắm nghĩa tình. Đó là những bài thơ chúc Tết giản dị nhưng đầy khí phách và rất đỗi thân thương của Người. Thơ chúc Tết của Bác đã trở thành món quà quý đầu xuân cho mỗi người dân Việt Nam.             

Nhị Bắc

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi