Thứ Năm, 23/1/2025
Làng lụa Hội An

Dòng sông lụa mượt mà

Từ thế kỷ XVI - XVIII, những bậc tiền nhân khai khẩn đã sớm nhận ra đất xứ Quảng rất phù hợp với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Làng lụa bên sông Thu Bồn gắn liền với sự tích Bà chúa Tàm tang Đoàn Quý Phi và Thế tử Nguyễn Phúc Loan. Xuất thân từ một cô gái làm nghề trồng dâu nuôi tằm, sau khi trở thành Quý Phi của chúa Thượng, bà đã khuyến khích nông dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa lúc bấy giờ chú trọng phát triển nghề nuôi tằm dệt lụa, nhờ đó mà nghề tằm tang - dệt lụa ở xứ Đàng Trong có điều kiện mở mang. Sản phẩm tơ lụa Quảng Nam lúc đó chuyên cung cấp cho vua chúa và giới quý tộc hoặc xuất khẩu đi nước ngoài.


 Kéo kén

Theo Lê Quý Đôn “... xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông...”. Những làng dệt Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai, Trung Lương, Bảo An… từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa, dệt vải với những mặt hàng phổ biến như lãnh, sa nhiễu, đũi, the, đệm... Các làng nghề đó đã góp phần tạo nên sự sầm uất của “Con đường tơ lụa trên biển” và thương cảng Hội An.

Phát huy truyền thống quê hương, làng lụa Hội An ra đời và đã làm tốt vai trò khơi dậy truyền thống tằm tơ xứ Quảng, thực sự là Bảo tàng Nghề ở xứ Quảng, nơi trình diễn nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, giới thiệu về các giống dâu, tằm, công cụ cùng cách thức dệt thủ công của Champa và của người Việt tại Quảng Nam. Làng lụa là nhịp cầu kết nối với Hiệp hội tơ lụa Thế giới, Hiệp hội tơ lụa châu Á và các làng nghề dệt lụa, các địa phương có nghề ươm tơ dệt lụa trong nước… Cùng với các làng nghề trong tỉnh, làng lụa Hội An là mô hình sáng tạo phục hưng nghề tơ lụa Quảng Nam, Hội An trên nền tảng Di sản Văn hóa Thế giới. Với lợi thế đó, làng lụa Hội An phấn đấu trở thành trung tâm phân phối sản phẩm lụa Việt Nam.

Nơi giữ hồn nghề dệt Việt

Đất sống của tơ lụa xứ Quảng chính là nhu cầu may mặc, thời trang của du khách nội địa và thế giới. Trong đô thị cổ Hội An hiện có 500 cửa hàng may đo, bán tơ lụa, nhiều cửa hàng thời trang có thương hiệu từng phục vụ nhiều khách VIP và du khách nước ngoài.


 Trình diễn thời trang Đêm lụa Phương Đông tại đô thị cổ Hội An

Làng lụa Hội An không chỉ là một làng nghề mà đã hòa nhịp với vùng đất giàu di sản. Không xa phố cổ là nơi làng lụa đứng chân, nơi đây phục dựng những ngôi nhà cổ xứ Quảng. Gian nhà cổ nằm chính giữa mặt tiền là nơi thờ bà chúa tổ nghề tằm tang Đoàn Quý Phi. Bên trong là một bảo tàng mini trưng bày các khung dệt lụa cổ xưa. Những ngôi nhà cổ khác nhộn nhịp tiếng thoi đưa, ngoài sân đặt những nong tằm đang ăn lá dâu… Nơi khác những nồi kén vàng bốc khói, những cô gái ngồi kéo kén, quay tơ. Khu vườn rộng của làng lụa trồng nhiều cây tỏa bóng xanh mát, có vườn dâu tươi tốt để lái lá nuôi tằm, có nhiều cây dâu cổ thụ thân vững chãi bám đất, cành lá sum suê, là một trong những chứng nhân của các làng lụa xa xưa ở xứ Quảng.

Làng lụa Hội An còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hóa dân gian. Ấn tượng nhất là đã tổ chức 3 kỳ Festival Lụa trong khuôn khổ của Festival Di sản Quảng Nam. Các cuộc trình diễn thời trang tại đô thị cổ Hội An với những bộ sưu tập của các nhà thiết kế danh tiếng lấy cảm xúc từ lụa xứ Quảng, tạo điểm nhấn của thời trang tơ lụa và điểm tô thêm sắc màu văn hóa cho “một điểm đến có hai Di sản Văn hóa thế giới”.

Tự bao đời nay, cư dân làng Việt xứ Quảng ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn đã sáng tạo và giữ gìn một dòng sông lụa mượt mà, một sản phẩm nổi tiếng làm nên sự trù phú và vẻ đẹp của quê hương. Làng lụa Hội An đã tiếp nối làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Quảng - nghề ươm tơ dệt lụa, kế nối giao lưu với bên ngoài để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt Nam./.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi