Thứ Hai, 23/12/2024
Dàn nhạc ngũ âm tài sản văn hóa tinh thần của người Khmer

 Dàn ngũ âm chùa Sóc Lớn được biểu diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội

Người Khmer có một kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc. Nhạc cụ ngũ âm (Phlêng Pinpeat) là dàn nhạc truyền thống tiêu biểu của người Khmer Nam bộ. Nó có âm lượng lớn và thường được dùng trong các nghi lễ quan trọng tại các chùa Khmer và trong các ngày lễ hội cổ truyền.

Trong dịp biểu diễn dàn nhạc ngũ âm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mới đây, anh Lâm Tích, một thành viên trong đội chơi dàn nhạc ngũ âm cho biết, vào năm 2012, được sự trợ giúp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, sư thầy Thích Pháp Quyền-Thạch Nê, trụ trì chùa Sóc Lớn (xã Lộc Khánh) đã mua từ Campuchia về một dàn nhạc ngũ âm để phục vụ nghi lễ trong các dịp lễ hội cổ truyền của người Khmer.

Thế nhưng khi có dàn nhạc rồi lại không ai biết chơi nên sư thầy đã mời nghệ nhân Lý Sa Thươl đến để truyền dạy cho các em thiếu niên trong thôn. Đến nay, các em đã đánh được một số bài nhạc cơ bản như “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…

Hiện nay, tại chùa Sóc Lớn đã có hai lớp học dạy nhạc ngũ âm. Lớp học được duy trì hằng tuần, sau những buổi học ở trường, các em thiếu nhi trong đội dàn nhạc ngũ âm lại tập trung tại chùa Sóc Lớn để tập luyện các bản nhạc cũ và bổ sung thêm những bản nhạc mới, góp phần đưa vào phục vụ lễ hội.

Giới thiệu về từng loại nhạc khí, anh Lâm Tích cho biết, dàn nhạc ngũ âm được tổng hợp của 5 loại chất liệu gồm: đồng, sắt, gỗ, da và hơi, thể hiện bằng 9 loại nhạc khí khác nhau như: Đàn thuyền (Rô-Niết ek, Rô-Niết-thung), bộ trống (Kha so-somphô, Sakho-thôm), đàn cò và bộ trống Sa dăm, bộ cồng lớn và nhỏ (Pét-Kuong-Thôn, Ro-Niết-Đek), đàn Tà-Khê, đàn Khưm, kèn Srô-lây (2 loại Srô-lây-Tôck (kèn nhỏ) và Srô-Lây-thung (khèn lớn).

Ngoài ra, nhạc ngũ âm còn phối hợp hài hoà với các nhạc cụ khác như đàn cò, đàn a dây hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thực hiện cho các điệu múa sa dzăm, rom vong, lam thone, múa dzù kê…

Xét về mặt hình thức, nhạc ngũ âm được thiết kế đẹp và tinh xảo, mỗi nhạc khí được định âm một cách chính xác, đảm bảo các yếu tố hoà âm cho cả dàn. Nếu có đông người chơi nhạc, mỗi bộ trong dàn nhạc ngũ âm còn có thể có nhiều hơn. Khi biểu diễn, người chơi nhạc thường tách ra từng nhạc cụ để độc tấu nhằm khai thác tối đa tính độc đáo trong âm thanh của từng nhạc cụ cũng như khả năng biểu diễn của từng nhạc công.

Mặc dù, nhạc ngũ âm của người Khmer rất độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao nhưng để sử dụng thành thạo các nhạc cụ này đòi hỏi người sử dụng phải sành điệu, hiểu được cách thức hoà âm, thật sự yêu nghề và phải có sáng tạo mới có thể thể hiện được một cách chuyên nghiệp.

Trong khi đó, hiện nay các đội văn nghệ Khmer Nam bộ chỉ học chơi nhạc ngũ âm bằng cách học lỏm, hướng dẫn đơn giản, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, nên không thể hiện được hết độc đáo của loại hình nhạc cụ này. Một số nghệ nhân tâm huyết, muốn truyền dạy loại hình nghệ thuật đặc sắc này cho các thế hệ mai sau cũng rất hạn chế, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của chúng vẫn còn gặp nhiều khó khăn./.

Nguồn: baodantoc.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi