Thứ Năm, 23/1/2025
Phụ nữ - Những người lưu giữ văn hóa dân tộc

Phụ nữ Thái tham gia trò chơi Tó má lẹ truyền thống của dân tộc
Trong hơi thở sôi động của nhịp sống hiện đại, đâu đó khắp các bản, làng vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Mỗi người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số đều trực tiếp tham gia vào các hoạt động gìn giữ, phát huy và bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Các công việc thường ngày như: trang trí nhà cửa, thêu thùa, dệt vải, may mặc, nấu ăn... đến những việc lớn hơn, như: cưới xin, lễ hội... đều có sự đóng góp không nhỏ của người phụ nữ.

Ðối với người phụ nữ Mông, ngay từ khi mới sinh ra đã được các mẹ, các bà của mình dạy cách biết trồng bông, trồng lanh để lấy sợi dệt vải. Rồi từ những mảnh vải ấy, với đôi bàn tay khéo léo, chị em lại cùng nhau thêu những chiếc áo, chiếc váy cho mình, cho chồng con và cả những người thân yêu trong gia đình. Cứ thế, dệt vải, thêu thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng tốt đẹp được duy trì qua nhiều thế hệ. Và được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng.

Mặc dù cuộc sống hiện đại, nhiều nơi phụ nữ Mông đã không còn tự xe lanh, dệt vải, song trong mỗi ngôi nhà vẫn luôn có một góc nhỏ để đặt khung cửi, con thoi. Và hình ảnh dễ dàng bắt gặp nhất đó là đi bất cứ đâu ở các bản làng người Mông đều thấy chị em ngồi tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ bên giỏ thổ cẩm rực rỡ sắc màu. Ðối với họ, việc thêu thùa giống như “bữa cơm” hàng ngày không thể bỏ. Họ duy trì việc làm ấy như một thói quen, sau khi đã gác lại công việc gia đình, ruộng nương. Và vô tình, thói quen thường ngày ấy đã trở thành “công cụ” hữu ích để “nuôi sống” các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông cho tới tận ngày nay mà không tốn kém bất cứ nguồn kinh phí hay sự hỗ trợ nào.

Cũng là nghề dệt, nhưng với chị em người Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) thì đã tạo ra được những sản phẩm có thương hiệu và mang về thu nhập từ việc buôn bán, thậm chí xuất khẩu thổ cẩm trong vùng, trong nước... Với bàn tay khéo léo của mình, các chị đã làm ra những tấm thổ cẩm Lào tạo nên nét riêng độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Mặc dù hiện nay không còn làm tập trung, song mỗi phụ nữ Lào ở đây đều dành thời gian nhất định trong ngày để dệt thổ cẩm. “Ngay từ nhỏ chúng tôi đã quen với tiếng kẽo kẹt của thoi đưa và khung cửi. Khoảng 10 tuổi là các bé gái được bà và mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Chính vì thế mà chị em dân tộc Lào ở đây gần như đều biết dệt vải, làm thổ cẩm. Người trẻ thì làm kinh tế từ nghề dệt, còn già như chúng tôi thì dệt vì đam mê, vì nó là mạch nguồn dân tộc” - bà Lò Thị Lún (86 tuổi), một trong những người lớn tuổi và nhiều tâm huyết với nghề thổ cẩm Lào ở Na Sang tâm sự.


Phụ nữ Mông xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc ở hội xuân

Cũng như vậy, một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá về người phụ nữ dân tộc Thái đó là dệt vải và thêu thùa. Từ đôi bàn tay khéo léo của họ, những sản phẩm như: khăn piêu, túi chéo, đệm, gối... trở thành “của hồi môn” không thể thiếu trước khi về nhà chồng. Ðể làm tròn vai trò làm dâu, người phụ nữ Thái còn cần phải biết nấu ăn giỏi. Có thể nói, khi nhắc đến dân tộc Thái, điều khiến nhiều người ấn tượng nhất đó chính là ẩm thực. Xuất phát từ ý thức nấu những món ăn vừa ngon, vừa bổ cho mọi người trong gia đình, họ đã sáng tạo ra nhiều món ăn độc đáo, mang hương vị đặc trưng riêng có, như: cá nướng, thịt hun khói, canh bon... Nét truyền thống mang đậm hương sắc văn hóa ẩm thực vùng miền ấy đã làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ Thái mà khó lòng lẫn với bất cứ dân tộc nào. Ðó chính là lý do tục ngữ Thái có câu “Úp bàn tay nên hoa, ngửa bàn tay thành bông”, ý ngợi khen đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ.

Không dừng lại ở những món ăn, món đồ truyền thống, những làn điệu dân ca, dân vũ mượt mà, đằm thắm do chị em các dân tộc chắt chiu, gìn giữ và lưu truyền qua bao đời, hiện nay vẫn được mang ra thể hiện, biểu diễn và quảng bá thông qua nhiều lễ hội tín ngưỡng, vui xuân. Có thể nói, hội xuân là nơi hội tụ nhiều và rõ nét nhất văn hóa dân tộc, vùng miền. Thông qua các tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, mà dễ nhận thấy nhất là trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ. Họ thường chọn những bộ váy áo đẹp nhất, và đa phần đều do tự tay họ làm ra. Từ chiếc váy hoa văn rực rỡ sắc màu, đến những chuỗi xà tích, vòng, khăn, mũ... vừa làm nên nét duyên của người phụ nữ, lại vừa mang nét riêng đặc trưng của mỗi dân tộc. Ðáng chú ý, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 bản văn hóa du lịch cộng đồng, thì cả 8 bản đều có đội văn nghệ quần chúng, mà thành viên đều là phụ nữ. Họ thường xuyên trau dồi, luyện tập các điệu múa, bài hát mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ để mang ra biểu diễn, thi thố tại các hội thi, ngày hội xuân do địa phương tổ chức; mà còn thường xuyên phục vụ du khách thập phương tới tham quan. Thông qua đó, quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh, cũng như nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

“Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, lễ hội, trò chơi dân gian, trang phục truyền thống, nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Làm sao để mỗi hội viên phụ nữ là một nhân tố tiếp nối các giá trị văn hóa của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và phục vụ đời sống cho bản thân, gia đình; mà hơn thế, thông qua đó để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc của cộng đồng các dân tộc Ðiện Biên” - bà Mào Thị Bạn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận định./.

Nguồn: baodienbienphu.info.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi