Khi những nương lúa cuối cùng được đồng bào Raglai thu hoạch xong cũng là lúc các gia đình rộn ràng chuẩn bị lễ ăn mừng đầu lúa mới để tạ ơn trời đất, tổ tiên. Cùng một lần hòa vào không khí của buổi lễ tái hiện để thấy được vẻ đẹp của nét văn hóa độc đáo này.
Nét văn hóa độc đáo
Người Raglai rất coi trọng cây lúa nên họ thường gọi là Mẹ lúa. Khi những nương lúa cuối cùng được thu hoạch gọn gàng mang về cất đặt trong kho thì lúc ấy người Raglai mới thực hiện lễ ăn mừng lúa mới. Vậy nên, thời gian diễn ra lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai thường diễn ra sau Tết Nguyên đán của người Kinh. Lễ ăn mừng đầu lúa mới có ý nghĩa rất lớn đối với người Raglai trước đây. Bởi đây là dịp để mọi người sum họp, vui chơi và trả ơn cho nhau trong một năm lao động vất vả. Trước đây, lễ thường diễn ra trong 3 ngày: ngày thứ nhất ăn mừng cổ đầu lúa mới, ngày thứ hai ăn mừng bắp khối, ngày thứ ba ăn ngả rạ khai trương trên nương rẫy.
|
Thiếu nữ Raglai |
Trong lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai còn truyền đi những thông điệp tốt đẹp khác như: nhắc nhở mọi người không gây cháy rừng, không khai thác rừng quá mức… Bên cạnh phần lễ cúng còn có phần hội, đó là hát đối đáp với nhau những làn điệu dân ca Alơu, Majêng, Siri, Adoh… hay hòa tấu mã la đầy sôi động. Tiếng hát, tiếng mã la cứ thế nối dài ngân nga, thông qua những lời hát đó nhắn nhủ con cháu về công lao của ông cha đã để lại, động viên mọi người tích cực sản xuất mùa màng, giữ gìn tình cảm xóm làng cộng đồng bền chặt.
Lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ bỏ mả là những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai cần được gìn giữ và phát huy, bởi trong đó có sự tổng hợp các nghi thức, tập tục truyền thống cũng như các loại hình diễn xướng dân gian. Giữ gìn, phát huy những lễ hội đó cũng có nghĩa là chúng ta đang giữ gìn các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai như: đàn đá, mã la, đàn chapi, kèn bầu…
Nhân Tâm