Thứ Hai, 23/12/2024
Từ vũ điệu dâng trời đến văn hoá truyền thống của người Cơ Tu

 Vũ điệu Da dă trong lễ hội Cơ Tu

Vũ điệu đắm say

Một đặc trưng cơ bản của múa Cơ Tu là có sự kết hợp giữa múa nam (Tân tung) và múa nữ (Da dă). Sau khi giàn trống chiêng ngân lên “từng…từng”, “tư..tư”, “tiing toàng…” thì bao giờ người con gái cũng bước ra trước biểu diễn các động tác múa rồi mới đến đàn ông con trai. Đi trước là nữ, đi sau là nam, nếu múa đông người thì vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam, thể hiện sự che chở của đàn ông với người đàn bà, con gái. Với tiết tấu âm nhạc từ nhịp chiêng theo điệu đhưng kết hợp với tiếng trống, khi thì bập bùng nhịp nhàng nẩy nhấn, khi lại linh hoạt, cuốn hút theo những bước nhảy sôi nổi. Mọi người đều múa trong một vòng tròn và bước đi ngược chiều kim đồng hồ với nhịp điệu sôi động, rộn rã của tiếng trống, chiêng, làm sống dậy núi rừng hoang vắng, bao la.

Điệu múa này gây nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật tạo hình với hàng loạt bức tranh, bức tượng, phù điêu, những dải hoa văn trang trí làm đẹp cho ngôi nhà làng truyền thống (gươl) và trên nền vải thổ cẩm. Trên trang phục người Cơ Tu, dù là người già hay trẻ, dù nam hay nữ, hình tượng Da Dă luôn được mọi người ưa thích nhất. Da Dă được trang trí phổ biến ở váy, áo phụ nữ, khố của đàn ông và những sản phẩm thổ cẩm khác như tấm địu, chăn, màn, rèm... Điều thú vị là trên chiếc khố của đàn ông, trai làng hay bé trai Cơ Tu lại thường trang trí hoa văn Da dă nhiều nhất. Cùng với điệu dân vũ là tác phẩm điêu khắc như phù điêu, tượng tròn, hoa văn, tranh vẽ ở nhà làng, trang phục truyền thống góp phần làm cho vũ điệu Tân tung Da dă thêm sinh động, phong phú và mang một giá trị đặc sắc.

Điệu dân vũ Tân tung Da dă là biểu tượng của văn hóa Cơ Tu, trở thành chất liệu của nghệ thuật tạo hình như tượng gỗ, phù điêu, tranh vẽ, đặc biệt là được nghệ nhân khắc họa khá đậm nét trên trang phục truyền thống.

Tiếp nối và trao truyền

 

Những nghệ nhân lớn tuổi luôn hứng thú trong việc thực hành, truyền dạy điệu múa Tân tung Da dă cho thế hệ trẻ. Để thực hành thuần thục, người trẻ tuổi phải học vì đây là điệu múa có động tác khó. Trong ngày hội làng, các bé gái theo mẹ, theo chị múa điệu Da dă, các bé trai theo cha, theo anh nhảy điệu Tân tung trong nhịp chiêng, nhịp trống rộn ràng.

Theo đồng bào Cơ Tu, một người được xem là múa Da dă đẹp phải đạt các tiêu chí sau đây: Khi múa bàn tay ngửa lên trời, di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển trên các đầu ngón chân, không nhún cả người, cánh tay đưa lên ngang vai, không cao không thấp, bàn tay chụm lại nhưng ngón cái xòe ra và ngực hơi ưỡn ra phía trước... Trong trường hợp dâng lễ vật, đầu và thân trên hướng vươn lên trang trọng, kính dâng; kết hợp hài hòa cùng những bước nhảy xiến, nhảy trượt ngang, xoay lật nhún nghiên, xoay lật nhấn nẩy, nhích quay lượn người.v.v. thể hiện dáng vẻ, đường nét tạo hình rất sinh động. Tư thế cơ bản của điệu múa Da dă là hai cánh tay nâng ngang vai, hai bàn tay xòe lên trời, di chuyển thành những vòng tròn quanh cột lễ theo chiều ngược chiều kim đồng hồ như vòng người múa trên trống Đông Sơn.

Điệu múa Tân tung của nam giới cũng không phải dễ, khi múa, chân trái bước lên trước, nhún, chùng xuống, chân phải bước tới chạm một bên vào chân trái và nhún xuống để bật chân trái ra tạo cường độ và tiết tấu sinh động. Người múa còn có đạo cụ là chiếc gùi (ta leo), những vũ khí của một chiến binh thời cổ như khiên, kiếm, cung nỏ hoặc giáo. Lúc thì nhảy tiến lên lao thẳng giáo mác về phía trước, khi thì nhảy lùi, thu gọn khom người về phía sau đỡ khiên che chắn. Chính vì vậy, các bé trai, thanh niên trai tráng trong làng phải học nhảy múa điệu Tân tung. Lễ hội mừng lúa mới, khánh thành nhà làng, lễ kết nghĩa... là lúc thanh niên, trai tráng tập dượt bài bản và thể hiện tài nghệ diễn xướng của mình trước cộng đồng.

Đồng bào Cơ Tu ở vùng núi rừng Trường Sơn bảo lưu và gìn giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo mang đậm bản sắc tộc người, trong đó tiêu biểu là điệu múa Tân tung Da dă. Ngày nay, dù cho cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng những vốn quý của tổ tiên vẫn có sức sống bền vững trong cộng đồng. Điệu dân vũ của đồng bào là món ăn tinh thần không thể thiếu trong lễ hội. Những nghệ nhân lớn tuổi, cha mẹ giáo dục con cháu biết trân trọng và thực hành lời ca, điệu múa, trang phục dân tộc để tiếp nối, giữ gìn mạch nguồn di sản của dân tộc mình. Trong các lễ hội truyền thống, vui xuân đón Tết hay các kỳ Festival di sản, gặp gỡ giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, điệu múa Tân tung Da dă là loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng nhất mà người Cơ Tu mang đến cho bà con, du khách và những người yêu mến nghệ thuật diễn xướng dân gian.

 

Điệu múa Tân tung Da dă đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2014. Điều đáng mừng là loại hình di sản văn hóa phi vật thể này được bảo tồn một cách vững chắc trong đời sống cộng đồng bởi sự trao truyền cho thế hệ trẻ.


Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi