Thứ Tư, 22/1/2025
Nét duyên quan họ xưa và nay

Mỗi khi có dịp nghe hát Quan họ ai cũng phải thừa nhận rằng người dân vùng Kinh Bắc đã rất tinh tế và giàu sức biểu cảm trong việc gửi gắm các cung bậc tình cảm vào thể loại dân ca này. Những lời ca ấy không chỉ mang tầm trí tuệ, thấm đẫm hơi thở cuộc sống mà còn đi liền với cách hát vang, rền, nền, nẩy - một sự sáng tạo độc đáo của riêng Quan họ.

Chiếc nôi của Quan họ cổ

Kinh Bắc nổi tiếng là một vùng đất cổ với phong cảnh đẹp, địa hình có núi, có sông, có đồng bằng trù phú nâng cánh cò bay. Lịch sử đã ghi nhận đây là một vùng đất trung tâm của đất nước với Cổ Loa - Kinh đô An Dương Vương, trung tâm Luy Lâu - Long Biên thời Bắc Thuộc, là phên giậu che chắn mặt Bắc của Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt. Cũng từ vị trí mang tính trung chuyển của vùng đất nên vai trò của những dòng sông ở đây vô cùng quan trọng. Sông len lách chảy qua các làng nghề, người dân đi chợ bằng đường sông, đi chùa bằng đường sông, giao thương với miền thượng và Kinh thành Thăng Long. Thông qua địa hình có thể thấy rõ được vai trò quan trọng của sông nước với đời sống của nhân dân và sự ảnh hưởng đó phần nào được vọng lại qua giai điệu âm nhạc. 


 CLB Quan họ thị trấn Lim với 3 thế hệ vẫn duy trì những làn điệu Quan họ cổ và tiếp thu Quan họ mới

Có lẽ vậy mà những làn điệu quan họ xưa luôn phảng phất yếu tố sông nước với không gian hát quan họ trên thuyền dưới bến. Ngoài ra, với vị trí là phên giậu che chắn mặt Bắc của Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, nên việc kết chạ, kết nghĩa giữa các làng từ lâu đã là một nhu cầu không thể thiếu của người dân nơi đây và trở thành định chế ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung lời ca và cách xưng hô trong hát Quan họ xưa.

Thực tế, hát Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc. Những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Điều này giải thích lý do người dân Kinh Bắc thích thú “chơi quan họ” - tức là không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức. Nhiều bài quan họ truyền thống vẫn được các liền anh, liền chị “chơi quan họ” ưa thích đến tận ngày nay như: Hừ La, La rằng, Tình tang, Bạn kim lan, Cái ả, Cây gạo... 

Đặc biệt, lề lối của các bài hát quan họ cổ thường được hát ở nhịp độ chậm, bài bản, có nhiều tiếng đệm, lời phụ với kỹ thuật hát vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt… Vì thế, không cần nhạc đệm, không cần tăng âm nhưng lời ca vẫn vang xa dù là trong những lễ hội đông người.


 Các liền anh, liền chị trên bến dưới thuyền

Trong Quan họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh; hát cả bọn, cả nhóm liền anh đối đáp cùng cả nhóm liền chị được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ…

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Hồng Thao, trên địa bàn vùng Kinh Bắc, các làng Quan họ cổ được phân bố tại huyện Tiên Sơn (13 làng), thị xã Bắc Ninh (14 làng), huyện Yên Phong (17 làng), huyện Việt Yên (5 làng). Khi nhắc đến Quan họ cổ, người ta cũng thường nhắc tới các nghệ nhân: Ngô Thị Nhi, Nguyễn Văn Thị (Viêm Xá), Nguyễn Thị Nguyên (Khả Lễ), Nguyễn Thị Bé (Đào Xá), Nguyễn Thị Khướu (Ngang Nội - Tiên Du)… Nay các cụ người đi, người ở đang vắng bóng dần trong sân chơi Quan họ nhưng một thể loại dân ca đặc sắc của vùng Kinh Bắc vẫn còn đó và đang hiện diện trong các hội những ngày đầu xuân.

Vùng đất mới của Quan họ nay

Không chỉ là lối hát giao duyên giữa “liền anh” và “liền chị”, Quan họ ngày nay còn là hình thức trao đổi tình cảm giữa liền anh, liền chị với khán giả và được tồn tại trong cả không gian cũ và mới. Quan họ mới được biểu diễn trên sân khấu, trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội, hoạt động du lịch và vươn ra ở nhiều nơi, đến với nhiều thính giả ở các quốc gia trên thế giới.


 Lớp Quan họ mới

Cùng với hình thức biểu diễn phong phú hơn như hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa..., Quan họ mới cải biên các bài truyền thống với lời mới được nhiều người yêu thích tới mức tưởng nhầm là Quan họ truyền thống như bài “Sông Cầu nước chảy lơ thơ” do Mai Khanh soạn lời mới từ làn điệu truyền thống “Nhất quế nhị lan”, hay như bài “Người ơi người ở đừng về” nhạc sỹ Xuân Tứ được cải biên câu Quan họ cổ “Chuông vàng gác cửa tam quan”. Ngoài ra, có thể kể ra những cái tên tiêu biểu như: Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, các nhạc sĩ Hồng Thao, Dân Huyền, Đức Miêng…với những bài ca quan họ lời mới được đông đảo quần chúng mến mộ.

Khác với Quan họ cổ chủ yếu biểu diễn vào dịp lễ hội xuân ở các làng quê, Quan họ nay có thể ca hát ở bất cứ thời gian nào, không gian nào, người ca hát Quan họ không phải chỉ là quần chúng không chuyên mà bao gồm cả đội ngũ những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Thực tế, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, gìn giữ và phát triển dân ca Quan họ. Đến nay, từ 44 làng quan họ gốc, tỉnh Bắc Ninh đã nhân lên thành 329 làng quan họ mới. 

Song song tồn tại với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Dân ca Quan họ tại Bắc Ninh thì tại Bắc Giang, nơi có 5 làng quan họ gốc ở huyện Việt Yên, khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới phi vật thể, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Chương trình hành động để bảo tồn và chú trọng tập trung cho việc truyền dạy dân ca Quan họ tại các làng xã. Đặc biệt vào năm 2014, Trung tâm Văn hóa Quan họ truyền thống khu vực Bắc Giang đã được thành lập.

Như vậy, bên cạnh việc lưu giữ được nhiều giá trị xưa, những cái hay, cái đẹp của dân ca Quan họ hôm nay là cả một quá trình lĩnh hội, chắt lọc “gạn đục khơi trong”, cũng như tinh lọc văn hóa nội và ngoại sinh. Tuy nhiên, dù có biến chuyển thế nào thì nét duyên ấy vẫn cứ đằm thắm mãi!

Nguồn: thegioidisan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi