Thứ Tư, 22/1/2025
Nét văn hóa đậm bản sắc non nước Cao Bằng

Với bàn tay khéo léo và sự cần mẫn, kiên trì, những người phụ nữ dân tộc Cao Bằng đã biến những thứ nguyên liệu từ cây rừng thành những bộ trang phục rực rỡ với nhiều họa tiết, màu sắc lộng lẫy và độc đáo.

Dệt thổ cẩm là nghề thủ công đã có từ lâu, nó không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm du lịch nổi tiếng. Cao Bằng là quê hương của nhiều dân tộc cùng chung sống với ngôn ngữ, bản sắc riêng và thổ cẩm cũng vậy. Thổ cẩm phản ánh khá rõ những khác biệt về đời sống văn hóa, tâm linh cũng như điều kiện tự nhiên nơi mỗi dân tộc sinh sống. 


 Phụ nữ Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Uyên) dệt vải

Trong các phiên chợ, chúng ta có thể gặp những trang phục rất đặc trưng, người Mông xúng xính trong bộ váy áo với màu đỏ chủ đạo, điểm các hoa văn trắng, vàng sặc sỡ; người Tày giản dị trong bộ áo với hoa văn trắng vàng điểm nhẹ trên nền vải chàm... Thổ cẩm cũng giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc Cao Bằng, như những tấm trướng che bàn thờ, các chi tiết cấu thành những tấm áo, mũ, khăn, túi đựng đồ nghề, đệm ngồi của các thầy cúng...

Thổ cẩm của người Tày thường có các loại hoa văn trang trí rất phong phú và đa dạng, kết hợp hài hòa giữa đường nét với màu sắc. Trên nền chủ đạo màu trắng đục, các màu sắc sáng, tối, nóng, lạnh được xử lý khéo léo cùng hoa văn là các loại hoa lê, hoa mận, hoa đào, một số muông thú, như: hươu, nai, ngựa, chim..., thể hiện rõ cảnh quan tự nhiên nơi họ sinh sống. Nghề dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng phát triển nhất ở các xã: Đào Ngạn, Phù Ngọc (Hà Quảng); Dân Chủ, Đức Long, thị trấn Nước Hai (Hòa An).

Nghệ nhân Nông Thị Thược, ở xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc cho biết: Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Dệt thổ cẩm hoàn toàn bằng thủ công cần giăng khung cửi dệt thổ cẩm. Trên tấm thổ cẩm của người Tày thường có 6 màu chủ đạo, gồm: xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Từ các màu chủ đạo đó, người dệt đã pha chế các gam màu đậm, nhạt phù hợp theo ý tưởng cho từng sản phẩm. Cách bố cục họa tiết trên thổ cẩm rất đa dạng tạo nên những tấm thổ cẩm có hình dạng vô cùng đặc sắc. 

Người Nùng có nhiều nhóm, đặc điểm trang phục mỗi nhóm có khác nhau đôi chút, chủ yếu là ở các họa tiết và cách thức chắp các mảnh vải thêu lên trang phục với các đường nét mềm mại, uyển chuyển, gần gũi với tự nhiên, hiện thực, màu sắc êm dịu, chuyển sắc tinh tế gần gũi với màu tự nhiên. Họ cũng có thủ thuật sử dụng sáp ong để tạo họa tiết trên vải chàm. Ngoài ra, người Nùng còn có thế mạnh trong dệt, nhuộm, với quy trình nhuộm khá hoàn chỉnh, có nhiều bí quyết riêng. Nhìn chung, trang phục của người Nùng chủ yếu là vải chàm được nhuộm xanh đen nên không cầu kỳ như các dân tộc khác.


 Kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong của dân tộc Dao tiền

Phụ nữ Dao đỏ ăn mặc lộng lẫy. Trên nền vải đen, các mảnh vải đỏ được thêu hoặc gắn vào sặc sỡ, khăn dài khoảng 1,6 mét quấn quanh đầu như vành nón, bên người quấn che một dải vải thêu thùa nhiều họa tiết bằng chỉ đỏ, thắt lưng được thêu thùa công phu với nhiều hoa văn cầu kỳ quấn vòng quanh eo bụng phủ xuống đằng sau ngang tà áo. Quần ống rộng trang trí các ô vuông xanh hoặc đỏ, nâu, trắng. Phía sau lưng khoác vuông vải thể hiện tài năng thêu thùa trang trí của bàn tay khéo léo.

Khác với người Dao đỏ, trang phục của người Dao tiền mang 2 màu sắc chủ đạo là chàm và đen để trang trí. Người Dao tiền ở xã Hoa Thám (Nguyên Bình) rất nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, đặc biệt là kỹ thuật chấm hoa văn bằng sáp ong. Các hoa văn, trang sức bạc trên trang phục của phụ nữ Dao tiền mang nhiều hình ngôi sao, tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, vũ trụ. Đặc biệt, trang phục của người Dao tiền nhất thiết phải có hoa văn hình trám, hình con chó, hình nhện và hoa, đó cũng là đặc điểm riêng của nghề dệt thổ cẩm của người Dao tiền.

Người Mông có truyền thống trồng đay dệt vải, tự thêu may quần áo phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân... Màu sắc ưa dùng trong thêu và chắp vải là đỏ tươi, đỏ thắm, nâu, vàng, trắng, xanh lá cây, lam. Hầu hết các họa tiết được thêu, vẽ, chắp vải trên nền vải lanh trắng hoặc vải đỏ, có định hình sẵn là các bộ phận của áo, váy. Sau khi hoàn thiện trang trí từng bộ phận riêng lẻ, người ta mới may ráp, hoàn chỉnh váy, áo... Đó là cách làm riêng của người Mông. Ngoài các họa tiết dạng đường thẳng, đoạn thẳng, người Mông còn bố cục các hoa văn hình tròn, đường cong, hình xoáy trôn ốc hay hai hình xoáy trôn ốc được bố trí đối xứng qua gương tạo thành hình móc hoặc đối xứng trục quay thành hình chữ s là những loại họa tiết có đường cong, đường xoáy dứt khoát thanh thoát, nhịp nhàng, uyển chuyển tạo cho bố cục hài hòa, không đơn điệu - chỉ thấy xuất hiện trong trang trí y phục của người Mông. Những họa tiết này biểu hiện cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, là vốn văn hóa chung của nhiều dân tộc, nhưng được thể hiện đậm đà trong trang trí của người Mông.

Với bàn tay khéo léo, óc sáng tạo và niềm đam mê, những cô gái dân tộc Cao Bằng đã làm nên những sản phẩm độc đáo. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc nơi non nước Cao Bằng cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy/.

Nguồn: baocaobang.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi