Thứ Tư, 22/1/2025
Hát Then thời hiện đại

 Chương trình nghệ thuật Liên hoan nghệ thuật hát Then-đàn Tính
các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ VI, năm 2018 được tổ chức tại Hà Giang

Nghệ thuật được trao truyền

Hát Then là loại hình nghệ thuật diễn xướng phục vụ đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái,… Bất cứ ở đâu có cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái,… cư trú lâu đời thì nơi đó có hát Then.

Với những giá trị độc đáo về nghệ thuật và nội dung chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, hát Then đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong lộ trình phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hát Then là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo anh Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm “Đình làng Việt” (Nhóm hoạt động tự nguyện dành cho những người yêu di sản văn hóa truyền thống), Then có những nét tương đồng với tín ngưỡng thờ Mẫu, Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-Pv); đồng thời có những nét độc đáo riêng. Tuy nhiên, bộ môn nghệ thuật này còn tương đối mới mẻ với hầu hết đồng bào miền xuôi.

Được xem là bộ phận không thể tách rời trong đời sống của các dân tộc Tày, Nùng, Thái,… nên lâu nay, hát Then được đồng bào trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở những địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang,… đã thành lập rất nhiều câu lạc bộ Then để gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, rất nhiều nghệ nhân tham gia hát Then khi tuổi đời còn rất trẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thị Tiên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn hát dân ca xứ Lạng (Lạng Sơn) chia sẻ: “Ở Lạng Sơn, nghệ nhân hát Then trẻ rất nhiều, có những em 12 tuổi đã xuống Then. Dù trẻ nhưng các em có những cách trình diễn khiến bà con không chỉ đến để gửi gắm về mặt tâm linh mà còn để xem trình diễn nghệ thuật Then”.

Để tạo tiếng vang cho loại hình nghệ thuật này trong tiến trình đưa hát Then trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thời gian gần đây, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương liên quan cùng những người yêu hát Then, đàn Tính đã tổ chức nhiều buổi trình diễn để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Mới đây nhất (ngày 13/5), Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính lần thứ 6 năm 2018 đã được tổ chức tại Hà Giang, với sự tham gia của 14 đoàn nghệ thuật trên cả nước.

Trong hơn 500 nghệ nhân tham gia liên hoan, người cao tuổi nhất là 91 tuổi, người trẻ nhất mới 15 tuổi. Điều này cho thấy loại hình nghệ thuật này đã có tính kế thừa, được đồng bào các dân tộc gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Nỗ lực đưa hát Then “xuất ngoại”

Nhiều nghệ nhân trẻ tham gia liên hoan đã bày tỏ mong muốn đưa hát Then lan tỏa hơn nữa, không chỉ trong nước mà còn “xuất ngoại”. Như chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ (27 tuổi), đến từ thôn Cốc Tảo, xã Đề Thám (Tràng Định, Lạng Sơn) là: “Mong muốn thông qua liên hoan đem nghệ thuật Then đến với nhiều người hơn, nhất là du khách nước ngoài. Dù nghe Then họ chưa hiểu nhưng họ sẽ thẩm thấu được giai điệu, cái hồn của Then”.


 Hát Then, đàn Tính gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái,…

Ước mơ đưa hát Then “xuất ngoại” đã thành hiện thực vào cuối năm 2017, khi đoàn nghệ nhân Then của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn có chuyến lưu diễn tại Pháp, do Viện Văn hóa thế giới Pari mời sang. Nhớ lại chuyến lưu diễn đó, Nghệ nhân Ưu tú Triệu Thị Tiên (Lạng Sơn) chia sẻ: “Xem buổi diễn có khán giả người Pháp, người Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mông Cổ, nhất là bà con Việt kiều tại Pháp. Chúng tôi diễn trong 75 phút, ngoài ra còn được thêm 75 phút giao lưu với khán giả. Rất phấn khởi!”.

Để hát Then, đàn Tính được bảo tồn, phát huy, những người tâm huyết, yêu loại hình nghệ thuật này đều mong muốn các cấp, ngành, địa phương có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ. Như chia sẻ của nghệ nhân Nguyễn Đăng Lưu (74 tuổi), đến từ thôn Phố Mới, thị trấn Tân Lạc (Na Rì, Bắc Kạn), rằng: “Rất mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa để gìn giữ, phát huy nghệ thuật hát Then, đàn Tính. Làm thế nào để phát triển nghệ thuật này từ xã, huyện, rồi lên tỉnh, lên Trung ương”.

Đặc biệt, làm thế nào để lớp nghệ nhân trẻ yêu nghề, toàn tâm toàn ý phát triển loại hình nghệ thuật này vẫn là một nỗi trăn trở rất lớn. Bởi như chia sẻ của bà Triệu Thị Tiên, bị chi phối bởi kinh tế thị trường, nghệ nhân Then thường bị áp lực đời sống rất lớn. “Khi xuống Then, nghệ nhân không được phép đặt vấn đề tiền bạc, chi phí trình diễn đều tùy tâm. Vì thế, làm thế nào để các nghệ nhân Then, nhất là lớp trẻ bảo đảm được đời sống để cống hiến là rất cần thiết”, bà Tiên trầm ngâm nói./.

Nguồn: baodantoc.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi