Thứ Ba, 8/10/2024
Những hạt ngọc trời 5 sắc

  Xôi ngũ sắc có màu sắc bắt mắt, thu hút bởi mùi hương bốc lên ngào ngạt

Từ món ăn truyền thống…

Từ việc chỉ làm vào các dịp lễ, Tết, làm xôi ngũ sắc đã trở thành nghề của các bà, các chị ở thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Ông Phan Văn Vuông - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thủy cho hay: Trước đây, người dân chỉ hay làm xôi ngũ sắc vào ngày Tết Đoan ngọ, ngày lễ, Tết, nhưng sau khi xây dựng thôn Thanh Sơn thành làng văn hóa du lịch, hiện các hộ gia đình đều làm xôi ngũ sắc phục vụ cho du khách. Món xôi ngũ sắc vốn chỉ là món ăn truyền thống của người Tày ở đây, đã trở thành sản phẩm du lịch thường xuyên phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách gần xa.

Nhờ độ thơm ngon, cũng như bắt mắt, xôi ngũ sắc trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của các thực khách đến với làng văn hóa. 5 màu xôi tượng trưng cho ngũ hành: Trắng là kim, xanh là mộc, tím là thuỷ, đỏ là hỏa, vàng là thổ. Người Tày quan niệm rằng, sự tồn tại của 5 chất này làm nên sự tươi tốt của Thiên - Địa - Nhân. Xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm đầy đủ, xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú, xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của rừng núi và xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung.

Theo ông Vuông, với người Tày, mỗi đĩa xôi ngũ sắc mời khách trong những ngày lễ, Tết là cả tấm lòng mến khách chân thành, chứa đựng biết bao giọt mồ hôi và công sức của chủ nhà và còn là những ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi.

 

Đến sản phẩm du lịch

Theo chị Nguyễn Thị Hiền, người làng Thanh Sơn, xôi ngũ sắc ở đây đều được làm từ các nguyên liệu do bà con tự trồng cấy ra. Những hạt xôi thơm dẻo được đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng. Thường phải là nếp mới, hạt đều và được sàng sẩy kỹ để tránh bị nát hoặc nở quá trong quá trình chế biến.

Xôi thường có 5 màu nên người ta gọi chung là “xôi ngũ sắc”. Điểm đặc biệt của món xôi này là màu sắc độc đáo. Màu trắng là màu nguyên của gạo. Để xôi có màu đỏ, bà con lấy lá cây “Bẩu khẩu đăm đeng” (lá cây đỏ đen) giã nhỏ, hoà với nước đun sôi rồi lấy nước để ngâm gạo. Tiếp đến, xôi có màu vàng chính là nhờ nghệ. Người Tày lấy 2 - 3 củ nghệ tươi nếp giã cho nhỏ mịn, đem hòa nước để ngâm gạo rồi đồ chín. Cuối cùng là xôi màu xanh.


 Xôi ngũ sắc được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên đậm chất núi rừng

“Màu xanh là màu khó ra nhất, nhưng người Tày có bí quyết riêng. Để làm được xôi màu xanh đòi hỏi rất nhiều công đoạn, người Tày không dùng lá gừng hay lá cơm để làm xôi xanh, mà dùng tro của rơm nếp trộn lẫn với lá cơm đen giã nhỏ. Khi xôi chín sẽ có màu xanh đậm trông rất lạ mắt” - chị Hiền cho hay.

Sau khi nhuộm màu, mỗi màu đồ một chõ riêng, gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được đưa vào chõ trước tiên, tiếp theo là những màu còn lại và đặt màu trắng trên cùng. Để xôi ngon phải đồ bằng bếp củi chứ không phải bằng bếp ga. Giữ lửa cho thật đều, nồi đồ xôi phải kín. Đồ xôi vừa chín tới, hạt gạo nở căng, tròn, bóng đẹp.

Sau khi xôi chín có mùi vị thơm nồng của vị nếp cái hoa vàng hòa quyện với hương thoang thoảng của lá rừng. Ăn xong nhưng dư âm của thứ ẩm thực mang hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi.

Xôi ngũ sắc cũng chính là niềm tự hào của chị em phụ nữ dân tộc Tày, bởi nó thể hiện sự khéo léo, đảm đang của họ. Xôi 5 màu được chế biến từ những nguyên liệu thiên nhiên nên ăn rất ngon và bổ dưỡng.


 Xôi ngũ sắc được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên đậm chất núi rừng

Không chỉ phục vụ du khách, các chị, các cô còn làm xôi ngũ sắc để bán ở chợ cho những khách có nhu cầu muốn mua về ăn hay làm đồ cúng. Từ món ăn truyền thống thành hàng hóa, được nhiều người biết tới, người thôn Thanh Sơn có thêm nguồn thu nhập phụ.

“Nhiều người tới chơi với làng văn hóa chúng tôi, sau khi được thưởng thức món xôi thì nhớ mãi không quên. Họ cũng lấy số liên lạc, cứ lúc nào muốn ăn xôi lại gọi điện lên, chúng tôi làm và gửi xe đến tận nơi. Tiện lợi lắm” - chị Hiền cho biết.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi