Thứ Bảy, 20/4/2024
Tục “cưa răng” của người Cơ Tu

 Cưa răng là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của trai, gái Cơ Tu

Mỗi tộc người trên thế giới đều gắn liền với nhân sinh/thẩm mỹ quan cụ thể, hay đơn giản hơn là kiểu thức làm đẹp cho cá nhân và cộng đồng theo cách của mình. Những kiểu thức này được nâng lên thành nguyên tắc bất di bất dịch. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh, đa dạng phong phú trong biểu hiện làm đẹp của con người như chiếc vòng chiếc vòng quấn quanh cổ cho ngày một dài ra, dái tai căng rộng thành những lỗ tròn đeo đồ trang sức, khuôn mặt vẽ vằn vện theo những motif hoa văn, chiếc dùi nhọn bằng ngà xuyên qua mũi... Và gần gũi, ấn tượng nhất có lễ là “những chiếc răng mài mòn đến tận lợi” của các tộc người cư trú ở khắp dải đất miền trung Việt Nam. Cưa răng tuy là điểm chung của nhiều cộng đồng thiểu số như Cơ Tu, Ba Na, Tà Ôi…, nhưng từ quan điểm thẩm mỹ, tín ngưỡng cộng đồng khiến mỗi tộc người có những biểu hiện, cách thức và quan niệm khác nhau.   


Với nhiều cộng đồng tộc người, có thể, tục cưa răng ban đầu là một dạng tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, mang tính chất cầu mùa… nhưng đối với người Cơ Tu, tục lệ cưa
răng có từ lâu đời, đó là hình thức bắt buộc đối với mỗi một thành viên trong làng. Cưa răng, ngoài chức năng làm đẹp, còn là nghi lễ đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành: lễ thành đinh. Sau nghi lễ này, cá nhân thực sự trở thành thành viên chính thức, cùng chia sẻ những quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với gia đình, dòng họ, bản làng, và tất nhiên, sẽ được cộng đồng kính trọng khi về già.

Luật tục Cơ Tu quy định: điều kiện tiên quyết để trở thành thành viên, được cộng đồng thừa nhận, được quyền thiết lập quan hệ hôn nhân v.v... là cá nhân đó phải trải qua nghi lễ cà răng. Những chiếc răng mài mòn đến tận lợi là dấu hiệu rất quan trọng trong cuộc đời mỗi cá nhân về mặt tuổi tác cũng như tư chất, nếu không trải qua nghi thức này, dù tuổi lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì vẫn bị xem là người chưa trưởng thành - nghĩa là chưa đủ điều kiện để xây dựng gia đình, và quan trọng nhất, họ chưa đủ tư cách để tham gia vào các hoạt động lớn của vêêl - chưa phải là thành viên của cộng đồng.

Với một ý nghĩa rất quan trọng, tục cà răng không những liên quan đến quan niệm thẩm mỹ của người Cơ Tu, còn là sự kiện đánh dấu việc xác lập vai trò và quyền lợi của cá nhân trong xã hội. Mặt khác, đây cũng là hình thức thử thách lòng dũng cảm, sức chịu đựng của cá nhân như một dạng hành xác, huấn luyện sức chịu đựng tinh thần... đặc biệt là đối với nam thanh niên - những trụ cột chính trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Trước đây, tục cưa răng của người Cơ Tu thường diễn ra vào thời gian nông nhàn. Lúc này, lúa trên nương đã vào kho và công việc săn bắt, hái lượm... chuẩn bị cho lễ hội được tiến hành. Địa điểm cưa răng thường là những nơi có thác nước đổ mạnh. Ở đó, tiếng ầm ào của dòng nước, không gian thoáng đãng của thiên nhiên sẽ là liệu pháp tâm lý giúp đối tượng quên đi đau đớn, sẽ làm dịu bớt sự căng thẳng trong lòng mọi người. Bên cạnh đó, tiếng gầm thét của thác nước cũng là âm thanh dùng để lấn át tiếng kêu la, cách thức để ma xấu không nghe thấy, nhằm né tránh và hạn chế tối đa sự quấy rối, làm hại của các ác thần đối với đối tượng cưa răng.

Trước khi tiến hành cưa răng, để phòng tránh những rủi ro bất thường, đồng thời an ủi tất cả linh hồn (rơ vai) sống trong vêêl, người Cơ Tu thường tổ chức các nghi lễ cúng tế cho các vị thần hộ mệnh. Chủ làng sẽ làm một con gà, lấy máu chấm lên trên trán những đối tượng bị cưa răng, với ngụ ý chúc phúc, cầu xin sự giúp sức của thần linh, giúp họ không chảy nhiều máu..., và quan trọng nhất là không gây chết người.

Cưa răng ở người Cơ Tu là một phong tục mang đậm nét văn hóa đặc trưng, phản ánh nhân sinh, thẩm mỹ quan tộc người. Đánh dấu mốc son chuyển tiếp cuộc đời của một cá nhân, làm tăng thêm nguồn nhân lực cho bản làng, làm đẹp thêm xã hội Cơ Tu truyền thống.

Nguồn: dantocmiennui.vn, 2/7/2018


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất