Bên cạnh làng rèn nổi tiếng, Phúc Sen (Quảng Uyên, Cao Bằng) còn được biết đến với ngôi làng cổ Phja Chang. Những lối đi trong làng Phja Chang được làm bằng đá chen giữa màu xanh của cây cỏ và những ruộng lúa, ngô bên đường, tạo nên cảnh quan vô cùng đặc sắc.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, cuối thế kỷ XVIII, ba gia đình thuộc ba dòng họ khác nhau là họ Hoàng, họ Nông, họ Lương chạy loạn từ phương Bắc tới, một buổi tối gặp trời mưa họ phải vào hang trong rừng để nghỉ. Đêm ấy họ ngủ ngon, trẻ con không còn quấy khóc hoảng loạn như những đêm chạy loạn trước. Khi tỉnh dậy, đứng trước cửa hang thấy phong cảnh nên thơ, hữu tình, đất đai trải dài, khí hậu mát mẻ, cả đoàn bàn nhau ở lại, chặt cây dựng nhà, lập bản định cư, cánh đồng trũng thì khai hoang cày ruộng trồng lúa, nơi cao thì làm nương rẫy, trồng ngô..., và đặt tên bản là Phja Chang, có nghĩa là “núi giữa”.
Bước chân vào làng cổ Phja Chang, con đường được tạo nên từ những phiến đá có hình dạng khác nhau, khiến cho bước chân người đi có cảm giác lạc vào làng bản của trăm năm về trước. Người dân nơi đây coi đá là vật vừa gần gũi vừa linh thiêng, trở thành thứ gắn bó không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Những hòn đá vô tri vô giác được người Phja Chang dựng nên thành hàng rào, đường đi bộ bao quanh đường làng.
Khi đi sâu vào trong xóm, những hàng rào đá được xếp rất khéo léo, chắc chắn, tạo nên một vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa nên thơ. Người Nùng An ở Phja Chang thích dựng nhà bằng các vật liệu đá. Dưới đôi bàn tay khéo léo của con người, đá còn được xếp quanh từng mẫu ruộng hay các gốc cây để chống xói mòn, lở đất và bảo vệ không cho gia súc phá hoại, đá còn được tận dụng để làm những âu đựng nước trước cửa nhà, cối giã gạo hay bậc cầu thang một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Ở Phja Chang, hầu như nhà nào cũng vang lên tiếng bễ lò rèn. Những công cụ bằng sắt thép được tạo nên ở đây, không phải bằng những lò luyện kim cao tần mà chỉ sử dụng các lò rèn thủ công, bằng mắt, bằng đôi bàn tay cùng kinh nghiệm lâu năm trong nghề của người thợ rèn. Người thợ rèn ở Phja Chang có thể xác định được độ chín của từng sản phẩm trong lò than để kịp đem nhúng vào chậu nước bên cạnh bễ thụt hơi. Chỉ như vậy, nhưng những con dao, chiếc rìu đến lưỡi cày…, đều đạt độ cứng, độ dẻo cần thiết phù hợp với công dụng của nó.
Phụ nữ ở Phja Chang trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm; nam giới làm rèn, đúc, còn thêm các nghề phụ như mộc, làm giấy, hương, làm ngói, đẽo đá... Đối với người Nùng An, ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, sự tồn tại và phát triển các nghề thủ công còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống lao động cần cù, chịu khó cho các thế hệ sau.
Trong truyền thống văn hóa vật chất của người Nùng An ở Phja Chang, điều đáng trân trọng là việc giữ gìn, bảo lưu bộ trang phục dân tộc truyền thống. Giản dị và chân phương, người Nùng An luôn hãnh diện khi khoác lên mình loại vải chàm do chính bàn tay mình làm ra. Người dân Phja Chang mặc trang phục truyền thống trong tất cả mọi việc như đi làm, đi học, đi chợ hay trong những ngày lễ hội. Trang phục của người Nùng An có phân biệt theo lứa tuổi và giới tính, rất phong phú về chủng loại. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc. Quần áo trẻ em ở đây cũng có điểm khác biệt so với các nhóm Nùng khác gồm áo, quần và mũ đội đầu, trong đó chiếc mũ được trang trí khá cầu kỳ với những hoa văn, họa tiết sặc sỡ, đẹp mắt...
Người dân Phja Chang luôn cố gắng duy trì những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó có việc bảo tồn những nét đẹp cổ xưa của kiến trúc đá độc đáo nơi đây, góp phần tạo nên bản sắc riêng của người Nùng An Phúc Sen.
Thanh Bình