Thứ Sáu, 22/11/2024
Tóc mây sơn nữ

Hương rừng trên làn tóc

Theo cấu tạo tự nhiên, cơ thể người phụ nữ khi đến tuổi dậy thì thường tiết ra một mùi hương thơm quyến rũ, chỉ tồn tại trong vài tuần. Mùi đó tùy cơ địa của mỗi người mà đậm hay nhẹ, thoảng hương thơm ngọt ngào như đòng lúa đang thì con gái. Ngoài hương thơm tự nhiên, những cô sơn nữ cũng biết tìm ra các hương liệu, mỹ phẩm có sẵn trong rừng để làm đẹp cho mình.

Nguyên liệu để làm đẹp, tạo hương thơm thật giản dị, không phải tìm đâu xa mà nằm ngay trong nương rẫy, đó chính là củ nghệ. Người M’nông dùng củ nghệ để chế biến màu vàng làm thuốc nhuộm vải. Người ta lấy củ nghệ tươi đem giã vắt lấy nước cho ra màu vàng có thể dùng nhuộm vải được ngay, không phải qua công đoạn chiết xuất công phu như các loại vỏ, rễ cây khác. Củ nghệ còn dùng để xức lên cơ thể giữ cho làn da tươi đẹp.


 Tóc mây giữa đại ngàn

Trong sử thi Hbia Mlin của người Ê Đê, cô nàng Hbia được ca ngợi bởi sắc đẹp tuyệt trần “lũ đàn ông ngó đến chết thèm, lũ trai trẻ coi không biết chán”, “gái Kur không theo được, gái Lào không sánh bằng” nhờ biết dùng các loại “nước thơm” làm đẹp và giữ sắc đẹp. Nàng được ông trời tắm cho củ nghệ dưới nước, lớn lên lại được tắm củ nghệ chỉ có ba rễ nên nàng như hoa nở ba lần. Mỗi khi đi rừng, lũ làng nghe mùi nghệ thì biết các cô gái đang tắm suối, đang xức dầu thơm. Do đó, lũ con trai thích ngắm trộm các cô gái tắm, thậm chí “người già ngắm thì thấy mình trẻ lại”.

Trong các loại nước hoa, ngoài củ nghệ là thứ “hương liệu” truyền thống được các người đẹp Tây Nguyên như Ê Đê, Gia Rai, M’nông... ưa thích nhất còn có một số loại khác như củ ksoa, cây kjur, mà theo sử thi thì đó là các loại cây quý của chàng Dam Duh trồng trên núi Tơ Linh?! Khi dùng thì sẽ có hương thơm quyến rũ: “Nếu đi trước chàng trai thì người nàng sẽ luôn bay hương gái trẻ, đến chú bác cũng phải thương...”

Người con gái Cơ Tu muốn có hương thơm thì nhờ đến những đóa hoa pêlê marowgót cánh màu trắng có xen hồng, gắn vào lưng váy. Trái của loài hoa này có tên là pêlê đêlôm to như trái chuối, màu đen, khi chín tự rụng và những cô gái Cơ Tu nhặt mang về nấu và gội cho thơm tóc, đen tóc, dài tóc. Còn khi pêlê đêlôm chưa đến mùa chín thì thay bằng lá mrcha nấu lên để gội tóc vừa sạch vừa mượt. Và có lẽ thú vị hơn cả đó là các cô gái ở núi rừng Trường Sơn dùng màu hồng trên những cách hoa âmprôon có màu đỏ thì ép vào môi.

Vẻ đẹp quyến rũ của những cô gái miền sơn cước

Là bộ phận thân thể đậm nét nữ tính, mái tóc được người đẹp miền sơn cước chăm chút nhiều nhất. Tùy theo thẩm mỹ của từng tộc người, lứa tuổi mà họ có cách cắt xén, để tóc dài ngắn, búi tóc, tạo hình khác nhau. Và hầu như các tộc người đều ưu ái làm đẹp cho dung mạo của mình bằng những món trang sức đặc biệt trên mái tóc.


 Dây buộc tóc của cô gái Ba Na

Một đặc điểm nổi bật nhất trên mái tóc của các cô sơn nữ là việc trang điểm, làm đẹp bằng các loại dây buộc tóc. Dây buộc tóc làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như hạt cườm, dây mây, nan tre, nhựa nhưng phổ biến nhất là bằng vải thổ cẩm. Người Cơ Tu có loại dây buộc tóc (cơ ting trving) dài kỷ lục. Đây là một sợi dây dệt bằng các sợi vải, rộng khoảng 5 cm, dài 1 đến 2 m. Dây được dệt khá công phu bền chặt, màu trắng sữa hoặc xám, có nhiều hoạ tiết hoa văn hình học cách điệu, hoa văn mã não màu đen nhạt, hai đầu dây thường có các sợi để tua dài nhiều màu khoảng 30 cm. Các cô gái thắt dây trên mái tóc, đuôi dây thả ra sau lưng, làm cho mái tóc khỏi bị xoã ra khi người phụ nữ tham gia nhảy múa trong lễ hội. Cùng với dây thắt ngực, dây buộc tóc làm tôn vẻ duyên dáng, quyến rũ cho các thiếu nữ Cơ Tu khi các chàng trai nhịp nhàng trong vũ điệu dâng trời (Tân tung Da dă).

Các thiếu nữ Tây Nguyên giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên với da nâu, mắt sáng, mái tóc ửng vàng tựa râu ngô như hòa điệu với sắc màu đất đỏ bazan và màu nắng mật ong cháy bỏng của cao nguyên đại ngàn. Sau khi tắm gội ở các dòng suối mát, các cô gái chải tóc bằng chiếc lượt sừng trâu hay lược làm bằng tre để tóc không bị rối. Người M’nông có câu nói vần dạy bảo các cô gái về sự chung thuỷ, chăm lo xây dựng hạnh phúc gia đình: “Xâu hạt cườm đã hợp với cổ rồi/ Đôi bông đã hợp với tai rồi/ Vợ phải lo dệt khố cho chồng/ Dù chỉ dệt khố trắng cũng được/ Dù chỉ bới cỏ tranh lên đầu/ Dù chỉ bới tóc bằng lược sừng trâu”.

Vào dịp lễ hội, bên cạnh các loại trang sức như chuỗi hạt, vòng bạc, vòng đồng đeo cổ, khuyên tai, các cô gái thường không quên đeo dây buộc tóc để trang điểm. Thiếu nữ M’nông, Xơ Đăng ở cao nguyên phổ biến với dây buộc tóc bằng hạt cườm. Xưa kia họ thu nhặt những hạt cây cỏ xâu lại làm chuỗi cườm để đeo cổ chân, cổ tay và làm dây buộc tóc. Sau này, khi có sự giao thoa văn hoá giữa các tộc người, đồng bào sử dụng hạt cườm nhựa để làm đồ trang sức. Dây buộc tóc của người Xơ Đăng được làm từ hạt cườm nhỏ, có màu sắc đẹp nhờ sự khéo tay tạo hình hoa văn và là loại dây buộc có giá trị về thẩm mỹ và hiện vật so với các tộc người trong vùng. Dân tộc M’nông có dây buộc tóc bằng hạt cườm ngũ sắc, gọi là cườm hoa (Nhong Kach) nổi lên hai màu vàng và đỏ để phân biệt với màu đen, trắng của nam giới. Dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na và một số tộc người khác cả nam và nữ đều sử dụng dây buộc tóc thổ cẩm.

Những cô gái miền sơn cước tự làm cho mình đẹp lên qua vóc dáng khỏe mạnh, chăm chỉ, biết dệt vải, biết mọi việc trên nương, biết nhảy múa, hát ca trong các lễ hội và cũng biết làm đẹp cho mình với môi son má hồng, tóc mướt và người có hương thơm từ kho mỹ phẫm của thiên nhiên hoang dã.


Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi