Thứ Năm, 31/10/2024
Chiếc nỏ trong đời sống văn hóa miền núi

  Cuộc thi bắn nỏ của đồng bào miền núi phía Bắc

Nguyên mẫu chế tác nỏ từ ngàn xưa

Mặc dù được chế tác từ cây rừng nhưng ở mỗi một Mường hay một vùng địa lý khác nhau thì sẽ có cây rừng khác nhau để làm cánh nỏ. Thân nỏ thường dùng gỗ dẻo để làm vì cây này chắc, rắn, chịu khô tốt nên không bị cong vênh. Người ta cũng hay dùng gỗ dổi để làm thân nỏ, bởi dổi có mùi thơm khi đi săn bắn thú rừng khó phát hiện thợ săn. Còn gỗ để làm cánh thường dùng hai loại gỗ, gỗ hai bên núi đá là loại cây rất dẻo, dai đàn hồi tốt. Gỗ này nhân dân thường dùng để làm cán cuốc, cán búa hoặc làm các bẫy thú. Cánh nỏ chọn loại tre đặc biệt để làm, tre không quá già không quá non cây không bị cụt ngon, không bị cớm.

Lẫy nỏ còn gọi là cò nỏ. Lẫy có thể dùng tre hay dùng gỗ như thân nỏ. Đẽo hình giống thân nỏ nhưng nhỏ bằng ngón tay cái, dài vừa tầm tay người bắn. Còn dây nỏ người ta thường lấy vỏ cây gai, cây lanh để bện thành cây to, nhỏ, dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào sở thích và sức lực của mỗi người.

Tên nỏ thường dùng gốc tre già rắn chắc thân dọc một gióng, vót tròn dài từ 40 đến 50 cm, tùy theo độ dài của chiếc nỏ mà cắt độ dài của tên cho phù hợp, chính xác. Cái nỏ một đầu trổ nhọn như hình đầu đinh, còn đầu để tiếp xúc với dây bắn cắt bằng đầu và dùng lạt mỏng làm cánh tên để giữ thăng bằng chiếc tên đi thẳng trúng mục tiêu.

Cây nỏ - vũ khí tự vệ, công cụ thể thao

Nỏ chủ yếu dùng để làm vũ khí tự vệ của gia đình, đồng thời để hạ thủ các con vật, con thú hay phá hoại mùa màng. Ngoài ra nỏ còn có tác dụng săn bắn con vật rừng để cải thiện bữa ăn gia đình. Nỏ còn là dụng cụ thể thao của đồng bào, có tác dụng rèn luyện sức khỏe qua lực kéo của dây và cơ bụng làm bệ tỳ khi lên nỏ.

Ngày xưa, người ta chưa biết làm súng kíp, súng hoa mai thì nỏ là vật dụng thông thường nhất ở các làng bản và từng gia đình. Hàng năm, cứ vào dịp thu hoạch lúa mùa, ngày lễ, tết ăn cơm mới, bà con tổ chức cúng tổ tiên và vui hội ca hát múa xòe vòng, đồng thời tổ chức thi bắn nỏ để chọn ra nhân tài của bản Mường.

Cây nỏ mũi tên đã đi vào truyền thuyết dân gian và lịch sử dân tộc. Trong truyện cổ các dân tộc đã đề cao những tráng sĩ dũng mãnh trong cánh nỏ, đường tên. Những thiện xạ bách phát, bách trúng, một mũi tên bắn trúng tới hai đích hoặc xuyên hai vật cản. Một mũi tên bắn trúng nhiều đích đã là ước nguyện của cộng đồng có những người sử dụng một mũi tên bắn xuyên được qua đôi ba con chim con thú.

Câu chuyện nỏ thần là một khúc tráng ca vừa hào hùng vừa bi thương trong thời kỳ đầu dựng nước. Các mũi tên đồng đào được ở nhiều nơi đã chứng tỏ cha ông ta từng chế tác ra những cây cung, cây nỏ lợi hại đánh giặc ngoại xâm, giữ yên dân, bảo vệ bờ cõi. Ngày nay, cây nỏ vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Nhiều vận động viên bắn nỏ đã đạt được những thành tích rất đáng khâm phục trong các hội thi thể thao dân tộc ở địa phương và các vùng miền trong cả nước./.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất