Thứ Tư, 22/1/2025
Trang phục thầy cúng của người Sán Chay

Kỹ thuật nhuộm vải độc đáo

Người Sán Chay không trồng cây để lấy nguyên liệu dệt vải, họ mua vải của tộc người khác, họ chỉ tạo ra trang phục của tộc người mình từ khâu nhuộm vải, nhưng cũng không vì thế mà trang phục của họ mất đi bản sắc riêng của tộc người mình. Trang phục Sán Chay mang những nét độc đáo không bị lẫn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Vải của người Sán Chay được phát hoặc đi mua về gọi là vải tấm có màu trắng, vải bằng sợi bông không có chất hóa học, dài khoảng 4 m, rộng 50 cm. Sau khi lấy vải về họ chuẩn bị nguyên liệu để nhuộm vải.


 Độc đáo chiếc mũ của thầy cúng Sán Chay


Nguyên liệu để nhuộm vải là cây thiên nhiên có tên gọi là Chàm, cây được trồng vào khoảng tháng 1, tháng 2 và thu hoạch vào tháng 7, tháng 8. Cây có thân, lá và quả nhỏ, trung bình đến khi thu hoạch cây cao khoảng 60 - 70 cm, cây có nhiều quả nhỏ, quả có ở trên khắp thân cây. Sau khi thu hoạch về họ lấy cả thân cây bẻ gập làm 3 hoặc 4 lần cho vào vại sứ ngâm, cho đầy nước, ngâm trong vòng một đến ba ngày thì có thể vớt được, khi đó màu nước trong vại đã chuyển sang màu xanh đen.

Tiếp đó lấy một ít vôi bột và tro bếp cho vào ca, cho nước vào khoắng rồi để cho nước vôi đó lắng, chắt bỏ nước đi và lấy vôi bên dưới ca cho vào nước chàm khuấy đều lên, đợi để cho nước lắng thì chắt bỏ nước trong đi, cặn còn lại trong vại sứ dùng để nhuộm vải, khi này nước có màu hơi vàng, đem phơi khô chất này sau dùng để nhuộm vải.

Để cho màu được bền đẹp lâu phai, người Sán Chay lên rừng tìm cây chỉ thiên (chu chăm thoi), cây lau sau (bêng méo), cây dáp thanh (tạp thanh) và vỏ cây núc nác, cùng với củ nâu đỏ, khi tìm đủ mang về ngâm cùng cốt chàm khô. Sau một tuần thì bắt đầu thả vải vào ngâm cho nước ngấm đều khắp tấm vải, sau đó vớt vải ra phơi trên hai thanh cây dài. Vải nhuộm một lần có màu xanh nhạt dễ phai, cho vải vào ngâm lại nhiều lần nữa rồi đem phơi đến khi vải khô, nước chàm ngấm vào vải chuyển thành màu xanh đen, nhìn rất đẹp.

Công đoạn nhuộm vải là công đoạn khá công phu và mất nhiều thời gian, từ khâu lấy hạt giống cây chàm về ươm trồng, đến chăm sóc cho cây lớn lên, rồi thu hoạch cây mang về lấy làm nguyên liệu nhuộm, nhưng có lẽ vất vả hơn cả là việc lên rừng tìm những cây thuốc rừng về chộn lẫn chất nhuộm để màu của những tấm vải nhuộm được bền lâu phai. Cùng với những tấm vải màu xanh ánh lên dưới ánh nắng mặt trời, những đôi bàn tay của những người phụ nữ cũng xanh màu chàm.

Nét đặc sắc trong trang phục thầy cúng Sán Chay

Những thầy cúng thường có bộ trang phục riêng dành cho mỗi khi hành lễ, bộ trang phục của thầy cúng thường gồm có: áo, quần, mũ, gậy chống, tù và (sừng trâu), dép cao su phù hợp với từng trường hợp cúng cụ thể…

Áo của thầy cúng thường mặc theo cặp, áo bên trong màu trắng, ngắn hơn áo bên ngoài, may theo kiểu truyền thống với cúc và túi áo ở hai bên. Áo khoác bên ngoài khá cầu kỳ với lối may và họa tiết trang trí là những hình thêu tinh xảo, áo thường màu đen, chàm, dài quá gối người mặc, cổ áo là một đường may kéo dài từ trên xuống dưới, thường được thêu bằng chỉ màu đỏ cũng dài từ trên xuống dưới, thân áo thường được thêu trang trí hình rồng, bộ ấm chén bằng chỉ màu trắng, vàng, đỏ. Hai tay áo rộng, phía trên ngắn, rủ dần xuống phía dưới, cho đến hết thân áo, với nẹp tay áo là một đường thêu hoặc nẹp chỉ màu đỏ, bên dưới gấu áo là đường thêu chỉ màu đỏ xen lẫn màu vàng. Quần cùng màu với áo, ống rộng, đũng quần thường dài đến đầu gối, gấu quần dài chùm hết bàn chân.

Mũ của thầy cúng được thiết kế theo hình chóp hướng lên trên, nền mũ thường màu đen, chàm, ngoài viền mũ thêu chỉ vàng xen lẫn chỉ đỏ thành một đường nẹp chắc chắn, trên thân mũ là hình thêu trang trí bằng chỉ màu, có hình chim, hình gương…

Khi đi hành lễ, hầu như không thầy cúng nào thiếu thanh kiếm, với niềm tin thanh kiếm sẽ giúp một phần trong việc bắt ma trừ tà.

Chiếc sừng trâu để thổi là vật bất ly thân của các thầy cúng khi đi hành lễ, mọi người tin rằng với tiếng thổi của nó sẽ làm cho tà ma sợ mà phải chạy đi nơi khác không dám bám vào người bệnh nữa.

Áo thầy cúng còn có kiểu áo có độ dài 1,2 m được khâu bằng tay, cổ áo được thêu khá cầu kỳ, đó là ghép hai mảnh vải màu chàm thẫm lại với nhau, phía trước để mở ở giữa bụng, thân sau khâu liền nên áo không có ống tay, nẹp áo là một miếng vải màu trắng rộng 1,5 cm được kéo dài từ cổ xuống tận gấu áo, gấu áo cũng là một miếng vải màu trắng rộng 1,5 cm được nối ở dưới thân áo. Hai bên vai áo được ghép bằng một miếng vải trắng có kích thước 1,5 cm dài từ vai xuống gấu áo. Áo có hai dây buộc ở hai vạt trước, cả thân trước và thân sau đều được thêu thùa dày đặc những chữ Hán cổ và các họa tiết hình người cưỡi chim, người cưỡi chó, cưỡi ngựa… đó là những hình vẽ về vũ trụ, về những vì sao, các tiết âm dương ngũ hành và các quẻ trong Kinh dịch... Mặt trước áo thêu chữ Hán cổ ở hai bên vạt áo từ cổ xuống gấu, mặt sau thêu từ vai áo xuống toàn bộ thân.

Trải qua thời gian, trang phục truyền thống của người Sán Chay dần thay đổi hòa nhập với văn hóa chung của các tộc người khác. Mặc dù trang phục truyền thống đã có những biến đổi nhất định nhưng trang phục thầy cúng vẫn được người Sán Chay lưu giữ và bảo tồn những nét đẹp, những nét tinh túy nhất.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi