Thứ Tư, 13/11/2024
Thơ Trung thu Bác Hồ viết cho thiếu nhi

Trước đây, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, trẻ em: “Học hành giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Vì ai nên nỗi thế này?/ Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn!” (Kêu gọi thiếu nhi). Người đau với nỗi đau của Nhân dân trong cảnh nước mất, nhà tan, trẻ em phải: “Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Để làm tôi tớ người ta bên ngoài” (Kêu gọi thiếu nhi). Vì thế, tuy phong tục đón Tết Trung thu có từ lâu đời, nhưng chỉ đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước được tự do, độc lập, Trung thu mới thực sự trở thành Tết của thiếu nhi nước ta.

Thơ chúc Tết Trung thu là một trong những nét đặc sắc của thơ Bác, tùy theo điều kiện hoàn cảnh của đất nước mà Bác Hồ có những lời dạy bảo ân cần các cháu. Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đã bước vào giai đoạn phản công, với khí thế ấy, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, Bác viết: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng/ Sau đây Bác viết mấy dòng/ Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. Đó là Tết Trung thu đầu tiên Bác Hồ gửi thư cho các cháu - Thư Trung thu 1951.

Giữa bao bộn bề việc nước, việc quân, Bác vẫn luôn chăm chút, dõi theo từng tiến bộ của các cháu thiếu nhi và Người gửi thư động viên, khen ngợi. Thơ: “Tặng cháu Nông Thị Trưng”; “Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội chiến khu II”... đã thể hiện tình cảm của Bác đối với các em. Tình cảm trìu mến đó cũng là niềm mong mỏi của Bác đối với lớp mầm non tương lai của đất nước: “Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Đi tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình/ Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh”. (Thư Trung thu 1952). Những vần thơ Trung thu của Bác làm theo thể lục bát hay thể thơ tự do đều mang dáng dấp của những câu ca dao, tục ngữ, khiến trẻ dễ nhớ, dễ thuộc. Vần thơ Trung thu vui mà lại thể hiện được cái tâm lớn lao của người: “Chín Tết Trung thu/ Tám năm kháng chiến/ Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gửi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa/ Thu này hơn những thu qua/ Kháng chiến thắng lợi gấp ba bốn lần” (Gửi các cháu nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 1953).

Là thơ Trung thu viết gửi các cháu nhưng Bác cũng bàn đến việc nước, việc cách mạng. Điều đó cho thấy, Bác rất coi trọng vai trò của thiếu nhi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Phát động nông dân/ Cải cách ruộng đất/ Dân đỡ chật vật/ Hăng hái tham gia/ Xóm gần cho đến làng xa/ No cơm ấm áo theo đà tiến lên/ Chỉnh huấn chỉnh quân/ Bộ đội cố gắng/ Giết giặc lập công”. Phần kết của bài thơ, lời thơ như vút cao lên với giai điệu chiến thắng: “Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông/ Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay/ Các cháu vui thay/ Bác cũng vui thay/ Thu sau so với thu này vui hơn”. Niềm tin tưởng lạc quan trong thơ Bác qua mỗi câu, mỗi chữ đều toát lên tư tưởng, tình cảm của một người cha, người Bác kính yêu, người chiến sỹ cách mạng vĩ đại. Ngôn ngữ trong thơ của Bác phong phú, mộc mạc như ngôn ngữ của người dân quê Việt Nam. Người khéo dùng ca dao, tục ngữ hay nói ví vì ca dao Việt Nam cũng như sông núi, quê hương, con người Việt Nam vậy.

Trong những bài thơ Trung thu Bác viết cho thiếu nhi, lời thơ bao giờ cũng thắm thiết, chứa chan tình cảm: “Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh/ Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh/ Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình”. (Thơ Trung thu 1952) . Song, thơ Bác cũng thật bình dị. Đó không chỉ là sự bình dị của bút pháp nghệ thuật mà chính là sự bình dị của cuộc sống, cách nhìn: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” (Kêu gọi thiếu nhi). Và hơn hết là: Bác mong các cháu chăm ngoan/ Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng/ Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng/ Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.

Ngày nay, thiếu nhi được sống trong hòa bình, được vui chơi, học hành, được Đảng và Nhà nước cùng toàn dân chăm lo giáo dục, bảo vệ. Mỗi năm Tết Trung thu đến, các em lại háo hức đón Tết Trung thu, đọc thơ Bác. Dưới ánh trăng rằm, các em vui múa lân, rước đèn ông sao và cùng hát vang bài ca “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...”.                                             

Kim Ngân

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất