Thứ Tư, 22/1/2025
Tưng bừng khai hội chùa Keo

Chùa Keo tên chữ là Thần Quang Tự, là nơi thờ Phật và thờ Thánh Dương Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý có công dựng chùa.

Theo sử sách, Thiền sư sinh ngày 14-9 năm Bính Thìn (1016), xuất thân từ nghề chài lưới song là người có chí hướng mộ đạo thiền. Năm 1060, ông sang Tây Trúc tu luyện về đạo Phật. Năm 1061, thời vua Lý Thánh Tông, sư về nước, dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang ngày nay.

Từ đó, ông chu du khắp vùng châu thổ Bắc Bộ dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái thiền Việt Nam. Ông có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông nên được vua phong cho làm Quốc sư triều Lý. Ngày 3-6 năm Giáp Tuất (1094), đức Dương Không Lộ mất, hưởng thọ 79 tuổi.

Năm 1611, do sông Hồng sạt lở, chùa Thần Quang bị đổ, đến năm 1632 nhân dân quyên góp xây dựng, tái tạo lại chùa Keo như hiện nay. Trải qua gần 400 năm, qua nhiều lần tu bổ, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung Hưng (TK 17).

Năm 2012, chùa Keo được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; đến năm 2017, Lễ hội chùa Keo vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời là điểm du lịch quốc gia.

Hiện nay, toàn bộ kiến trúc chùa Keo có 17 công trình với 128 gian phân bố trên diện tích hơn 2.000 m2. Đó là các công trình chính như: Tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp…

Hiện chùa Keo còn lưu giữ những kiệt tác nghệ thuật có một không hai như: Bộ cánh cửa gian trung quan được chạm khắc trên chất liệu gỗ thế kỷ 17, các pho tượng Tuyết Sơn, La Hán, Quan Thế Âm Bồ Tát… có từ thế kỷ 17, 18 và đáng chú ý là gác chuông bằng gỗ ba tầng nguy nga, bề thế, là điểm nhấn riêng cho Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo.

Hằng năm, tại chùa Keo diễn ra hai kỳ hội: Hội Xuân và Hội Thu. Hội Xuân diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch, còn Hội Thu diễn ra từ mùng 10 đến 15-9 âm lịch mang đậm tính chất hội lịch sử, gắn liền với cuộc đời của Thiền sư Không Lộ. Ngoài việc tế, lễ, rước kiệu Thánh, hội chùa Keo còn gìn giữ bảo tồn nhiều nét văn hóa, trò chơi dân gian của vùng châu thổ sông Hồng, gắn bó với đời sống lao động nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước như: bơi chải cạn chầu Thánh, múa ếch vồ, thi bắt vịt, thi nấu cơm…

Theo nhandan.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi