Thứ Năm, 26/12/2024
Về miền đất hát tình ca và dệt sắc màu văn hóa

 Các chàng trai, cô gái huyện Bảo Lạc náo nức đi chợ tình Phong lưu

ĐÊM CHỢ CỦA TÌNH NGƯỜI 
Xuống chợ sớm là vì bà con từ núi cao xuống cần có thời gian chuẩn bị cho chợ chính ngày mai, nên ngày trước diễn ra phiên chợ gọi là ngày áp phiên. Ngày áp phiên của chợ tình Phong lưu (tuy sau nhiều năm mới được tổ chức lại) từ sáng đến chiều tối, hai bên dãy phố thị trấn Bảo Lạc đã nườm nượp người. Du khách nơi xa đến háo hức chờ đợi khám phá, cùng trải nghiệm đặc sắc chợ tình. Còn bà con nơi đây và các chàng trai, cô gái thì sửa soạn trang phục, khèn, khăn tay… ánh mắt tìm, nhìn nhau tình tứ... 
Ông Dương Tấn, thị trấn Bảo Lạc - người am hiểu sâu về Chợ tình xưa đã tham mưu cho Huyện ủy Bảo Lạc xây dựng tái hiện lại chợ tình Phong lưu, cho biết: Trước những năm 1980, khi tôi còn trẻ, nhà ông bà tôi ở ngay chợ nên hằng năm chợ tình diễn ra tôi nhớ từng chi tiết. Vì vậy, khi được tham mưu cho huyện, tôi cố gắng viết phục dựng lại gần nguyên gốc chợ tình xưa. Kết hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc với phục dựng chợ tình xưa là để khơi dậy, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.


 Đêm Chợ tình, chị em say sưa nghe các chàng trai hát giao duyên, mời bạn

Như lời ông Tấn, khi màn đêm buông xuống, thị trấn Bảo Lạc như đêm miền cổ tích xưa bởi mỗi lời ca, tiếng hát, tiếng khèn ngọt ngào của bà con cất lên như ngân xa quyện vào dòng nước sông Gâm, vọng vào vách núi. Đêm diễn chương trình nghệ thuật tại sân vận động trung tâm huyện, hàng nghìn người dân địa phương và khách trong, ngoài tỉnh, khách huyện Nà Po, Tịnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc) ngưng lặng người hòa mình vào không gian nghệ thuật “Tình yêu trên non cao” để tận hưởng tiếng ca, lời hát ngọt ngào, tiếng trống rộn ràng, kèn lá môi véo von, tiếng khèn Mông dặt dìu theo nhịp bước... Mỗi một dân tộc tuy khác nhau về điều kiện sống nhưng đều có chung tinh thần kiên cường, đoàn kết, sống khát vọng và lãng mạn nên đã hình thành đời sống tinh thần phong phú sáng tác lời ca, tiếng hát cất lên trong cuộc sống đời thường. Từ nhà sàn trên núi xuống chợ, họ hẹn hò qua lời hát giao duyên “Khi mặt trời ló rạng, những giọt sương sớm chưa tan trên những cành hoa anh gọi em xuống chợ... ta chờ nhau bên rừng mận nở trắng, bên khe đá anh thổi khèn... người ơi!”...  Khi nam nữ thanh niên muốn trao gửi yêu thương, họ hát về tình yêu đôi lứa ví “Em như hoa rừng gửi hương thơm vào núi anh, anh như chim mỏi nhớ rừng về tổ bên em...”… Tình yêu là nhựa sống nên đồng bào các dân tộc nơi đây hát trao nhau lời yêu thương ở những cung bậc khác nhau.

Khán giả không chỉ tận hưởng lời hát giao duyên tha thiết ngọt ngào yêu thương mà còn hòa niềm vui rộn ràng với dàn hợp xướng ca, múa, hát, trình diễn trang phục dân tộc của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô với không gian nghệ thuật hoành tráng, đa sắc màu độc đáo với chủ đề “Bảo Lạc vào hội” và “Thắng cố chợ phiên”...

Mỗi một bài hát, điệu múa, tiếng khèn, trống, kèn môi... cất lên trong đêm diễn văn nghệ đều bắt nguồn từ văn hóa cổ xưa của mỗi dân tộc nơi đây, đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, trải nghiệm đêm chợ tình xưa được diễn ra tại Chợ thị trấn Bảo Lạc. Hai bên đường khu vực chợ thị trấn, 16 gian hàng chợ của xã, thị trấn được trưng bày nhiều sản vật đặc sản. Từng tốp nam thanh nữ tú đồng bào tìm nhau. Có tốp thì hát đối đáp dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao... Có tốp nam nữ hỏi thăm trao khăn, trao giày vải cho người mình cảm mến. Có tốp nam dân tộc Mông thì thổi khèn, kèn môi dặt dìu, múa quanh đám bạn gái cười duyên dáng... Hát từ đêm đến sáng, để hôm sau khi về lưu luyến, cảm mến, hát giã bạn để tìm cớ đưa nhau về. Tâm sự với chúng tôi về niềm vui xuống Chợ tình, anh Tẩn Chải Nải, dân tộc Dao, bản Mù Chảng, xã Xuân Trường phấn khởi cho biết: Từ đầu năm 2018, biết tin huyện tổ chức lại chợ tình Phong lưu, tôi mừng lắm bảo ông, bố dạy cho tôi hát giao duyên để hôm nay được xuống chợ tình hát giao duyên, gặp gỡ bạn bè. Tôi mong huyện tiếp tục tổ chức trong những năm tiếp theo để mỗi dân tộc anh em nơi đây lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống có từ lâu đời.


 Các chàng trai, cô gái dân tộc Tày hát lượn, mời nhau chén rượu ngô nồng ấm

ĐA DẠNG ĐẶC SẢN TỪ ĐÔI TAY LAO ĐỘNG SÁNG TẠO

Không gian Chợ tình không chỉ cho mọi người đắm mình trong lời ca, tiếng hát ngọt ngào, tiếng kèn lá, khèn Mông dập dìu, hiểu về đời sống tình cảm các dân tộc nơi đây mà còn choáng ngợp văn hóa đặc sắc khác. Chợ như khoác lên mình một tấm thảm hoa sặc sỡ bởi những bộ trang phục nhiều màu sắc. Với bàn tay khéo léo trồng bông, dệt vải, thêu thùa, chị em Dao Đỏ mặc bộ quần áo vải chàm đen, quần thêu chỉ đỏ, đeo quả bông đỏ cổ áo, khăn đội đầu đỏ và nhiều vòng bạc trắng ở cổ, tay, dây lưng; người Lô Lô áo sặc sỡ thêu bảy sắc cầu vồng; thiếu nữ Mông mặc váy đen, xanh, trắng xòe bước đi uyển chuyển; người Sán Chỉ thêu viền đỏ trên nền đen... Mỗi gian hàng từng xã, thị trấn trưng bày sản phẩm đặc sắc riêng. Có nhiều sản phẩm từ đồ đan lát mây, tre nứa được bà con tỉ mỉ đan lát thành lu, gùi, giỏ cá, mẹt, rổ rá, dần sàng; các sản phẩm khâu, thêu như: túi thổ cẩm, giày vải…; các lâm thổ sản quý, như: Nấm linh chi rừng, hà thủ ô, hoàng tinh, măng rừng, tinh dầu hồi, dầu sở...

Đồng chí Nông Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: Xuân Trường có gạo nếp Hương ngon nổi tiếng nên trước khi diễn ra chợ tình, bà con đã làm bánh chưng đen, đồ xôi ngũ sắc, xôi trám đen, bánh dày, bánh khảo, cốm... để đem đến gian hàng trưng bày sản phẩm chợ tình. Ngoài ra, Bảo Lạc có nhiều gạo ngon như: gạo Trăm tan, Lùm Phua (Sán Chỉ); có lợn đen, thịt bò đồng bào Mông bà con chế biến thành món thịt chua, thịt treo hun khói, lạp sườn; rượu ngô thơm nồng nàn với kỹ thuật ủ men lá công phu. Chia sẻ cảm nhận với chúng tôi về sản phẩm hàng hóa đặc sản của Bảo Lạc, ông Lê Vinh, du khách ở Hà Nội nói: Tôi đã đi rất nhiều tỉnh miền núi để tìm hiểu về văn hóa các dân tộc thiểu số nhưng ít có tỉnh nào có văn hóa ẩm thực đặc biệt và hấp dẫn như huyện Bảo Lạc.


 Những sản vật của Bảo Lạc được du khách gần xa thưởng thức và lựa chọn

Các bộ môn thể thao dân gian thu hút nhiều người tham gia, như: tung còn, đẩy gậy, lày cỏ, kéo co... được khán giả hưởng ứng, hò reo cổ động nhiệt tình. Về cảm nghĩ của mình đến dự Ngày hội và chợ tình Bảo Lạc, đồng chí Mã Phương, Thường vụ Huyện ủy, Phó trưởng huyện Nà Po, Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết: Tôi rất vinh dự, vui mừng khi được mời tham gia hoạt động văn hóa truyền thống của nước bạn. Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số là nhiệm vụ của mỗi quốc gia, dân tộc. Qua hoạt động văn hóa này tôi học hỏi thêm được huyện bạn về chú trọng gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Đây là cơ hội để hai huyện hai bên biên giới Nà Po (Trung Quốc) và Bảo Lạc (Việt Nam) có nhiều điểm tương đồng văn hóa dân tộc thiểu số tiếp tục giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội.            

Chợ tình “Phong lưu” còn gọi là “háng Toán”, “háng Phúng Lìu” là phiên chợ truyền thống lâu đời huyện Bảo Lạc diễn ra ngày 30/3 và 15/8 âm lịch hằng năm. Phiên chợ mùa xuân 30/3, các chàng trai, cô gái tìm nhau làm quen, hẹn hò bén duyên để rồi đến phiên chợ 15/8 họ gặp lại tặng quà cho nhau và nói lời hẹn ước. Tái hiện lại Chợ tình truyền thống, năm 2018, Huyện ủy, UBND huyện Bảo Lạc đã phục dựng lại Chợ tình Phong lưu đồng thời tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc lần thứ hai nhằm bảo tồn và lưu giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, quảng bá hình ảnh đất và người, văn hóa đặc trưng của huyện Bảo Lạc với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: baocaobang.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi