Dân tộc M’nông đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa độc đáo, được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn học dân gian truyền miệng, dân tộc M’nông đã tích lũy kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ, lời nói vần, những truyện cổ, truyền thuyết, thần thoại và nổi bật hơn, qui mô hơn hết là thể loại sử thi, trường ca Ot N’rông.
|
Nhịp chiêng trong sử thi M'nông |
Hành trình đi tìm sử thi Ot N’rông
Trước đây, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm ngỡ rằng dân tộc M’nông không có loại sử thi như các dân tộc láng giềng ở Tây Nguyên. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, người M’nông cũng có hình thức sử thi, nhưng tìm ra cái tên gọi bản địa nó là gì, hình hài của nó ra sao, thì vẫn là một câu hỏi chưa được giải đáp. Cuối năm 1988, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Văn hóa dân gian tiến hành điền dã, trong đó, người viết bài này cũng may mắn là một thành viên trong đoàn, đã phát hiện ra sử thi M’nông từ nghệ nhân Y Đôn sống ở bon (buôn) Bu Dop, xã Dak Mon, huyện Dak Min, tỉnh Đắk Nông.
Việc phát hiện sử thi M’nông rất có ý nghĩa về mặt văn hóa. Điều đó góp phần khẳng định “vùng loài hình văn hóa sử thi” ở Tây Nguyên, nơi đây có sự tương đồng về mặt văn hóa giữa các dân tộc anh em cùng chung sống. Trong vốn từ vựng của người M’nông: Ot có nghĩa là hát, hát kéo dài mãi không hết, còn N’rông là những câu chuyện xa xưa. Như vậy Ot N’rông là hình thức hát kể các câu chuyện xa xưa đầy màu sắc huyền thoại của tộc người M’nông.
Từ ngày phát hiện đến nay, đã có rất nhiều bài bản Ot N’rông được sưu tầm và công bố. Những sử thi M’nông đã kịp “trình làng” góp một gương mặt mới vào kho tàng văn học dân gian nước nhà như “Sử thi cổ sơ M’nông” (1993), “Ăn trâu - Tâm Nghết” (1994), “Sử thi thần thoại M’nông” (1995)… Thông qua Đề án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), cùng với sử thi của các dân tộc khác, nhiều sử thi của dân tộc M’nông được sưu tầm, dịch thuật, xuất bản, đã góp phần hệ thống hóa văn bản loại hình nghệ thuật dân gian này một cách đầy đủ, khoa học giúp cho chủ nhân của vùng sử thi có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và thực hành trong hoàn cảnh mới. Đáng kể nhất là sử thi M’nông cũng nằm trong số hơn 37 bộ sử thi đồ sộ của các dân tộc Tây Nguyên khác được sưu tầm, xuất bản sau khi thực hiện Đề án.
Sử thi Ot N’rông - tài sản quý của đồng bào M’nông
Sử thi Ot N’rông M’nông đã có một chỗ đứng vững vàng trong muôn ngàn tài sản quý giá của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vai trò của Ot N’rông trong cuộc sống của người M’nông rất quan trọng, nhất là trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa và giải trí của đồng bào. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu ở buôn làng.
Người M’nông cho rằng Ot N’rông không những giúp người ta hiểu biết về lịch sử tộc người mình, mà còn giúp làm việc bền bỉ và hăng say hơn. Kể Ot N’rông diễn ra ở nhà trong lúc rảnh rỗi hoặc lúc nghỉ ngơi, thư thái trên chòi rẫy trong đêm về khi một ngày lặn lội với dốc đồi, rẫy nương. Đến mùa tra hạt hoặc giữ canh lúa, hoa màu khỏi chim chóc, thú rừng phá hoại hay mùa thu hoạch, đồng bào M’nông thường ở lại trong những cái chòi làm sẵn trên rẫy. Từ đêm này qua đêm khác, bên bếp lửa, trẻ già, nam nữ ngồi bên nhau nghe kể Ot N’rông.
Những lời thơ hồn nhiên, trong sáng của Ot N’rông là tiếng nói của cha ông, góp phần giáo dục nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tri thức cho con cháu đời sau. Ot N’rông của người M’nông chứa đựng những tri thức và kinh nghiệm sống cùng những vốn liếng văn hóa được sáng tạo và tích lũy từ lâu đời. Vì vậy, Ot N’rông đã phản ánh mọi khía cạnh của đời sống, sinh hoạt của người M’nông từ việc tạo dựng làng buôn đến việc sản xuất, từ những cuộc chinh chiến giành người đẹp, tài sản đến lễ hội truyền thống…
Ot N’rông của người M’nông chẳng những là ngôn ngữ giao tiếp thông thường hằng ngày mà vươn đến những vấn đề cốt lõi hơn của đời sống cộng đồng. Đó là chuyện tình yêu, hôn nhân và gia đình, là những lời khuyên răn, giáo dục người đời, là cách đối nhân xử thế; là những chuẩn mực trong mối quan hệ xã hội, là những kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc của con người trong lao động sản xuất, thời tiết, mùa màng…
Đối với người M’nông, Ot N’rông đã đi vào cuộc sống đời thường mỗi ngày như gạo rẫy nước suối và ăn sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi người. Người M’nông ai cũng thuộc một số câu thơ trong Ot N’rông hay tên các nhân vật nào đó trong tác phẩm. Họ luôn luôn muốn làm theo và ước mơ được như những nhân vật lý tưởng mà Ot N’rông đã miêu tả: xinh đẹp như Bing, Jông; khôn khéo như Kông, Glơng; nền nếp như Djăn, Djẽ; ôn hòa như Jơng, Yang; giàu có như Bơng; dũng cảm như Lêng, Mbông và được mọi người kính phục như chàng Tiăng… Ot N’rông “càng kể càng hay, càng kể càng dài” và người nghe càng nghe càng thích thú say mê bởi nó có nội dung bổ ích, giúp cho họ hiểu được cuộc sống của chính mình, khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp và hoàn thiện.
Giá trị của sử thi M’nông đã được khẳng định. Di sản của đồng bào đã được Nhà nước trân trọng, tôn vinh, đó là vào năm 2014, sử thi M’nông nói riêng và sử thi Tây Nguyên nói chung được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Mặc dù rất nhiều cá nhân và ngành chức năng đã rất nỗ lực trong việc nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến sử thi, nhưng do thời gian và sự biến đổi của cuộc sống, sử thi M’nông cũng như các loại hình di sản văn hóa dân gian khác của các dân tộc Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một nhanh chóng. Chính vì vậy, các tỉnh cần tạo điều kiện cho các nghệ nhân thực hành diễn xướng, truyền dạy, đặc biệt là giúp đỡ các nghệ nhân trẻ, cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm ở địa phương có điều kiện tham gia sưu tầm, dịch thuật sử thi Ot N’rông.
Nguồn: langvietonline.vn