Chủ Nhật, 22/12/2024
Lễ hội Oóc-om-bóc: Nét đẹp sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào Khmer

 Lễ cúng trăng (Oóc-om-bóc) đồng bào dân tộc Khmer

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, từ lâu nghề nông hay nghề trồng lúa nước là một trong những nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình. Vì vậy, nước có một vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, và tín ngưỡng thờ thần nước đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào Khmer.

Xuất phát từ tín ngưỡng tôn bái thần nước, nên bà con Khmer tổ chức lễ cúng trăng (hay còn gọi là Bund Thvai Pres Khe) vì mặt trăng có liên quan trực tiếp đến sự lên, xuống của thủy triều. Cùng với lễ cúng trăng, còn có lễ đút cốm dẹp (Oóc-om-bóc) nên dân gian quen gọi là lễ Oóc-om-bóc thay vì gọi là lễ cúng trăng.

Để tiến hành lễ cúng trăng, một trong những hoạt động không thể thiếu là tục đưa thần nước và thả hoa đăng cầu cho mưa thuận gió hòa, sản xuất được mùa và gia đạo bình an. Vì vậy, nhiều ghe, xuồng được kết lên những chiếc đèn rực rỡ màu sắc với nhiều hoa, đèn được thả trôi theo các dòng sông, con kênh nơi có đông đồng bào sinh sống. Có nơi còn thả đèn gió, múa lâm-thon và ca hát gần như thâu đêm; hoặc tổ chức nhiều hoạt động thể dục - thể thao như: đua ghe ngo, các trò chơi đẩy gậy, kéo co, giã cốm dẹp…

Ngoài việc các gia đình tự tổ chức lễ cúng trăng thường được tổ chức giữa sân chùa - nơi có nhiều ánh trăng nhất. Các lễ vật tế lễ (ngoài nhang, đèn, hoa tươi) đều là các sản vật do nông dân làm ra như: khoai, chuối, bánh… và không thể thiếu cốm dẹp.

Cốm dẹp là một trong những đặc sản của đồng bào dân tộc Khmer. Muốn có món cốm dẹp ngon thì phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu lựa nếp, rang nếp, giã nếp và sàng sảy cho hết vỏ trấu. Khi rang cốm thì lửa không quá già cũng không quá non, nếp phải ngâm đủ nước nhưng không quá nhiều (vì sẽ làm cho hạt cốm bị nhão). Ngược lại, nếu ngâm non nước hạt cốm sẽ bị chai cứng. Đặc biệt, phải dùng nồi đất để rang nếp (vì nồi đất giữ được độ nóng). Khi rang nếp phải đều tay để giúp các hạt nếp chín và nở đều. Sau đó, nếp được đưa vào cối giã một cách nhịp nhàng, vừa đủ mạnh nhưng không làm nát hạt nếp. Hạt nếp được giã sẽ bung ra, trắng dẻo, thơm lừng. Sau đó, cốm dẹp được trộn với nước đường, dừa non tạo nên món ăn hấp dẫn và được đem cúng lễ Oóc-om-bóc.

Sau khi cúng trăng xong, chủ lễ sẽ ưu tiên gọi trẻ nhỏ lên đút cốm dẹp và vỗ nhẹ sau lưng, tiếp đó là hỏi cháu có ước muốn gì? Các em nhỏ sẽ nói về ước mơ của mình như: học giỏi, gia đình làm ruộng, chăn nuôi được trúng mùa… Sau đó, mâm cỗ cúng được bày ra chiếu, mọi người cùng ăn và vui ca dưới ánh trăng, đắm mình trong tiếng kèn Srô-lây và tiếng trống Sa-dăm.

Lễ hội Oóc-om-bóc đã góp phần quan trọng vào việc khai thác các giá trị văn hóa cho du lịch, lễ hội và cần được cộng đồng bảo tồn, phát huy./.

Nguồn: baobaclieu.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất