Chủ Nhật, 22/12/2024
Giữ gìn trang phục dân tộc Người Dao đỏ

 Phụ nữ người Dao ở Bản Cuôn II rất tự hào
với bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình

Trong một lần có dịp được đến với Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc Dao, những lúc rảnh rỗi, em Triệu Thị Hương ở Bản Cuôn II lại được bà của mình dạy làm trang phục phụ nữ người Dao đỏ. Để làm ra bộ trang phục của người Dao chủ yếu là thêu tay, em Hương đã được bà dạy từ cách chọn vải, cắt, dạy thêu từng đường kim mũi chỉ, cách thêu các hoa văn, họa tiết trên từng bộ phận, những công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế nhất là sự tỉ mỉ của người thêu mới có thể làm nên bộ trang phục hoàn chỉnh, vì vậy Hương luôn rất chú ý mỗi khi được bà dạy. Bắt đầu học cách làm trang phục từ năm 10 tuổi, đến nay đã được gần 4 năm, em cũng đã tự thêu được một số bộ phận của bộ trang phục, có thể hỗ trợ được rất nhiều cho mẹ và các chị mỗi khi làm bộ quần áo của dân tộc mình. Em Triệu Thị Hương, Bản Cuôn II cho biết: Học cách thêu các hoa văn trên trang phục cũng không khó lắm, chịu khó nghe bà bảo, em khâu được nhiều rồi, em thấy việc học làm trang phục dân tộc mình là rất cần thiết.

Không chỉ có em Triệu Thị Hương, mà hiện nay thế hệ trẻ người Dao ở Bản Cuôn II, trong đó chủ yếu là các em nữ cũng thường xuyên được mẹ, bà hay các chị em trong gia đình dạy cách làm bộ trang phục Dao đỏ của cả nam và nữ. Tranh thủ ngoài thời gian làm nương rẫy, các mẹ, các bà lại dành thời gian hướng dẫn cho con cháu. Một trong số những người có tay nghề cao trong nghề thêu ở bản là bà Triệu Thị Sỉnh cho biết: Khi mới 10 tuổi, bà đã được dạy thêu, đến năm 17 tuổi bà đã biết thêu hoàn chỉnh bộ trang phục Dao của nam và nữ. Từ đó đến nay bà cũng không còn nhớ rõ đã dạy cho bao nhiêu người nữa, trong số những người bà đã dạy có rất nhiều người biết tự làm trang phục cho mình.


 Em Triệu Thị Hương ở Bản Cuôn II
được bà truyền dạy cách làm trang phục người Dao đỏ

Hiện nay những bé gái trong bản vẫn được bà Sỉnh và những người phụ nữ trong bản dạy cách thêu, vì vậy lớn hơn một chút là các em có thể tự thêu và khâu cho mình bộ trang phục. Ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ trang phục dân tộc, các thế hệ trẻ người dao Bản Cuôn II cũng rất thích thú được học làm trang phục, còn đối với những phụ nữ lớn và trung tuổi hầu như ai cũng biết thêu, khâu trang phục dân tộc. Chị Triệu Thị Thanh, Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là bản sắc dân tộc nên rất cần phải biết để sau này còn dạy cho con cháu của mình nữa”.

Không chỉ học cách để làm mà hiện nay trong cuộc sống sinh hoạt, một số người Dao vẫn duy trì việc mặc trang phục trong lao động sản xuất. Đặc biệt là trong các đám cưới của người Dao ở Bản Cuôn II, cô dâu và chú rể đều mặc trang phục dân tộc Dao đỏ trong lễ cưới, bộ trang phục cưới của cô dâu được nhà trai chuẩn bị.\

Trang phục không chỉ để mặc mà còn phải thể hiện tính thẩm mỹ, tín ngưỡng và tâm linh, cách nhận biết giữa dân tộc này với dân tộc khác. Đối với người Dao đỏ Bản Cuôn II, cách giúp thế hệ trẻ duy trì và bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc cũng có thể chỉ đơn giản là những em bé, những thanh niên và cả người già được mặc trang phục trong đám cưới, lễ hội ngay tại bản làng./.

Nguồn: baobackan.org.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất