Thứ Sáu, 22/11/2024
Độc đáo nghề rèn truyền thống của người Xơ Đăng

 Lò rèn truyền thống với bễ thụt bằng da mang của người Tơ Đrá

Ông A Xê - Cựu chiến binh ở thôn 4 (nguyên gốc là làng Văng Tó), xã Đăk Ui, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum cũng là người thợ rèn lão luyện “khéo tay, hay làm”. Dẫn đầu 3 thợ rèn nhiệt huyết từ làng về thành phố Kon Tum phục dựng bễ lò dân gian gắn với nghề rèn truyền thống của đồng bào Tơ Đrá, người đội trưởng đội du kích anh dũng năm xưa tự hào sát cánh cùng hai đồng đội cũ và một chàng trai ngoài bốn mươi tuổi nặng lòng giữ gìn văn hóa dân tộc.

Cũng như các nghề truyền thống của đồng bào vùng Bắc Tây Nguyên, nghề rèn lâu đời của người Xơ Đăng được hình thành trong mỗi thôn, làng, cộng đồng không hẳn để mưu sinh; mà chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình và bà con thân thuộc. Sản phẩm chủ yếu là con dao, cái rựa, cái cuốc, cái chỉa... dùng đi rừng, làm rẫy,sinh hoạt hàng ngày. Từ xa xưa, đồng bào Tơ Đrá ở Đăk Ui đã nổi tiếng với lò rèn truyền thống từ nguồn nguyên liệu và bễ lò đặc biệt.

Không chỉ độc đáo bởi nguyên liệu để chế tác ra nông cụ, vật dụng từ quặng tự nhiên; mà còn đặc biệt ở cách cấu tạo, vận hành của lò rèn không thể thiếu bễ thụt bằng da  con mang. Đó là lò rèn cổ xưa có tên gọi “Tnêm dúp”.

Cũng như lò rèn thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số anh em vùng Bắc Tây Nguyên, Tnêm dup của người Tơ Đrá gồm các bộ phận chính: Lò nung, ống dẫn hơi, cối bễ.

Lò nung được đào thấp hơn mặt đất và đắp bằng đất sét bền chắc. Đây là nơi để than và đặt quặng sắt vào nung. Lò nung được nối với cối bễ có kết cấu nằm ở phần thân lò rèn, cao hơn mặt đất nhờ hai ống dẫn hơi. Ống dẫn hơi được làm kỳ công, kỹ lưỡng bằng ống nứa bọc đất sét trộn với trấu giã nhuyễn có tác dụng chống nứt nẻ khi gặp nhiệt độ cao.


 Các nghệ nhân đắp lò nung bằng đất sét

Cối bễ là bộ phận quan trọng nhất của lò rèn được làm từ hai “cửa”có hình ống tròn bầu bằng loại gỗ đặc biệt có tên là “Long Rme”; mềm nhưng dẻo bền, không bị mối mọt và nứt. Đây chính là nơi hai miếng da mang được nối vào thật chắc bằng đất sét để giữ hơi. Trước khi được nối vào cối bễ, da mang tươi được căng ra, phơi thật khô, rồi mới đem ngâm nước và căng thêm cho định hình, ổn định độ đàn hồi.

Xử lý và sử dụng da mang góp phần làm nên sự độc đáo của Tnêm dup. Ông A Xê “ bật mí”: Sau khi da mang khô được ngâm nước, lấy ra; quan trọng nhất là phải dùng mỡ heo bôi vào cho đều khắp mặt da mới sử dụng được. Không có mỡ heo, miếng da cứng ngắc, không thể dùng.

Cần ít nhất 3 người thợ để duy trì hoạt động của lò rèn thủ công truyền thống. Trong đó, một người ngồi trên bễ lò, hai tay cầm hai bọc da mang thụt lên thụt xuống nhằm tạo thành hơi, đẩy qua ống dẫn, xuống lò nung; tạo hơi thổi bùng lò than để nung quặng sắt nguyên liệu. Hai người ngồi hai bên lò nung thì một người theo dõi, lật trở mảnh quặng sắt trong lò; một người dùng đe, búa đập miếng sắt để làm thành dụng cụ. Đáng lưu ý, than để nung quặng sắt cũng là loại than “đặc biệt”, được đốt từ loại cây rừng cổ thụ, có nhiệt độ rất cao.

Hình thành từ lâu đời, nghề rèn thủ công truyền thống không chỉ góp phần nuôi nấng nhiều thế hệ của người Tơ Đrá xa xưa, mà còn góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc trên chính mảnh đất quê hương.

“Chiến tranh gian khổ, ác liệt, thiếu thốn đủ bề. Nếu không có cái lò bằng da mang rèn quặng sắt từ thiên nhiên, dân mình sống thế nào? Cái lò rèn giúp mình làm cái cuốc, cái rựa làm rẫy, đi rừng kiếm cái ăn cái mặc; con dao sắc nhọn để vót chông làm bẫy thò, hầm chông… đánh giặc. Cái dao cái rựa nhỏ thôi mà góp phần chống Mỹ cứu nước…; để đến bây giờ, Tnêm dup thành vốn quý của dân tộc.”- Người thợ rèn lão luyện, nguyên đội trưởng du kích anh dũng năm xưa tự hào chia sẻ.

 Theo ông A Néo, da mang còn được thay bằng da dê để làm Tnêm dúp, nhưng sau này, lò rèn truyền thống của đồng bào Tơ Đrá không còn bễ lò ống thụt mà được chuyển sang làm bằng tay quay, nên Tnêm dúp chỉ còn trong ký ức. Vì vậy, lần đầu tiên, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 vừa được tỉnh tổ chức từ ngày 14-17/12/2018 tại Bảo tàng tỉnh, lò rèn kiểu xưa được phục dựng khiến dân làng mừng vui không kể hết. Lò rèn đặc biệt, nghề rèn độc đáo này đã thu hút sự quan tâm tham quan, tìm hiểu của nhiều bà con, du khách.

Hồi bé mới chỉ theo cha phụ giúp bỏ than, lấy quặng; rồi bỏ qua thời gian dài không còn chứng kiến kiểu rèn truyền thống, anh A Keng rất háo hức, song không tránh khỏi lo lắng khi học hỏi lại và tham gia cùng những người thợ cao niên cố gắng “làm sống lại” lò rèn truyền thống.Với anh, “bí kíp” của Tnêm dúp độc đáo “đứng đầu Đông Nam Á về nghề rèn thủ công thực sự đã được các ông tin tưởng trao cho nắm giữ.

Cùng với lò rèn thủ công truyền thống Tnêm dúp với bễ thụt bằng da mang (hay da dê); đồng bào Xơ Đăng còn có lò rèn Tnêm xúp với bễ thụt bằng ống gỗ như pít tông, hiện mô hình được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Tự hào với bản sắc văn hóa, bề dày truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Xơ Đăng nói riêng càng không thể lãng quên trọng trách chung tay bảo tồn, tỏa sáng những nét đẹp cổ truyền trong đời sống hôm nay và mai sau./.

Nguồn: kontum.gov.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi