Đó là chủ đề của phiên chợ vùng cao sẽ diễn ra từ tháng 29/12/2018 - 1/1/2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Phiên chợ sẽ tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía Bắc.
“Chợ phiên vùng cao chào đón năm mới 2019” nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá dân tộc; giới thiệu tinh hoa nghề rèn thủ công truyền thống của dân tộc Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lào tỉnh Điện Biên. Đặc biệt, tái hiện Lễ hội rượu cần của dân tộc Kháng tỉnh Sơn La.
|
Lễ hội rượu cần sẽ được tái hiện chân thực dịp này |
Không gian điểm nhấn là đồng bào dân tộc Mông bên ánh lửa bập bùng của bễ lò rèn; tiếng đập búa và các sản phẩm rèn của nghệ nhân lấp loáng trong ánh lửa ngày se lạnh; bên cạnh lại là sự dịu dàng khéo léo của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Lào với những quy trình dệt độc đáo những sản phẩm nhiều màu sắc như tô điểm cho không gian thêm rực rỡ; một không gian nghi ngút khói của chõ xôi đồ nhiều màu sắc, trình diễn giã bánh dày gấc đỏ tượng trưng cho sự may mắn của dân tộc Dao... Tất cả sẽ tạo nên một không khí nhộn nhịp, hồ hởi, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc và du khách với phiên chợ chào đón năm mới trong dịp nghỉ lễ Tết dương lịch 2019.
Tinh hoa nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông, dân tộc Lào tỉnh Điện Biên: Nghề giữ lửa của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên từ 08h30 - 09h00 và 14h30 - 15h00 các ngày từ 29/12/2018 - 01/01/2019 tại không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I. Nghề dệt thổ cẩm - Niềm tự hào của phụ nữ dân tộc Lào tỉnh Điện Biên từ 9h00 - 10h00 và 15h00 - 15h30 các ngày từ 29/12/2018 - 01/01/2019 tại không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I.
|
Du khách được trải nghiệm những hoạt động thú vị cùng đồng bào tại Làng |
Giới thiệu “Mâm cơm sum họp ngày cuối năm” từ 09h00 - 10h00 ngày 30/12/2018 (Chủ Nhật) tại không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I.
Mỗi một dân tộc lựa chọn một món ăn đặc trưng nhất của dân tộc mình góp cùng vào mâm cơm sum họp vừa để giới thiệu về ẩm thực vùng miền, vừa thấy được sắc màu văn hóa của các dân tộc vùng cao hội tụ tại mâm cơm chung ngày cuối năm. Mọi người cùng vui vẻ ca hát chúc tụng nhau, chia sẻ, gặp gỡ, trao đổi cùng nhau những cách làm hay, ý tưởng đẹp để ngày mai đón chào năm mới với nhiều thành công may mắn và hạnh phúc.
Tái hiện Lễ hội rượu cần dân tộc Kháng tỉnh Sơn La từ 9h30 - 10h30 ngày 31/12/2018 (Thứ Hai) tại không gian chợ vùng cao và làng dân tộc Kháng Khu các làng dân tộc I.
Là một nét văn hóa của dân tộc Kháng, nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, chúc cho mọi người có sức khỏe, làm ăn phát tài. Tổ chức Lễ hội rượu cần chào đón năm 2019 với mong muốn mang tới cho du khách một nét đặc trưng độc đáo mang đậm văn hóa vùng cao và nhân dịp này để mọi người có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ mừng vui đón chào năm mới – một năm thuận lợi, bình an.
|
Nghề rèn, nghề dệt vải và nhiều nghề khác của đồng bào dân tộc
sẽ được thực hiện ngay tại không gian chợ vùng cao |
Chương trình dân ca dân vũ “Vui chợ phiên chào đón năm mới” từ 09h30 - 10h30 và 15h00 - 16h00 các ngày từ 29/12/2018 - 01/01/2019 tại không gian chợ vùng cao, Khu các làng dân tộc I với các các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền chào đón năm mới và các trò chơi dân gian tạo một không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm mang đậm nét truyền thống dân tộc, thể hiện sự đa dạng độc đáo của văn hóa vùng miền cùng nhau chào đón năm mới.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa Rối từ 09h30 - 11h00 và 14h30 - 16h00 ngày 30/12/2018 - 31/12/2018 (Chủ Nhật, Thứ Hai) tại Sân khấu lễ hội Làng III với các tiết mục múa rối đặc sắc do các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam biểu diễn.
|
Chắc chắn tại phiên chợ không thể thiếu lời ca tiếng hát, điệu múa đặc sắc của đồng bào dân tộc |
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của 13 đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
PV