Thứ Hai, 23/12/2024
Vẻ đẹp trang phục dân tộc Cor

Dân tộc Cor cư trú chủ yếu ở hai huyện Trà Bồng, Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi- đây là chiếc nôi, là quê hương ruột thịt của họ. Ngoài ra còn có một bộ phận nhỏ di cư từ Trà Bồng sang sinh sống ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Người Cor mang nhiều tên gọi phiếm xưng khác nhau như Cùa, Khùa, Của, “Mọi Thanh Bồng”, “Mọi Trà Bồng”, “Mọi Trầu”, “Ta- Kua” hay “Mọi Quế. Tuy dân số không đông, địa bàn cư trú không rộng nhưng đồng bào Cor vẫn còn lưu giữ nhiều vốn văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc tộc người, nhất là lễ hội dân gian, trong đó bộ trang phục truyền thống mang nhiều dấu ấn văn hóa tộc người đặc sắc.

Trang phục thường nhật

Đối với trang phục đời thường của người Cor, nam thường ở trần, đóng khố, khố thường có màu xanh hoặc màu đen có ít dải hoa văn, khố có chiều rộng khoảng từ 25 cm đến 30 cm và có chiều dài khoảng 3m5 đến 4m, khi trời lạnh thường khoác thêm tấm choàng buộc thắt ở trước ngực. Trang phục đời thường của phụ nữ dân tộc Cor thường có áo màu trắng, váy xanh đen, các đường viền trang trí thường dùng màu xanh, đen hoặc màu trắng. Phụ nữ Cor thường mặc áo yếm hoặc áo cộc tay, váy thường vấn và giắt mối bên hông. Trên lưng thường mang gùi phục vụ lao động sản xuất hằng ngày. Trai, gái Cor không những đảm đang, tháo vát cần cù lao động mà đôi tay còn rất khéo léo. Sau thời gian lao động nương rẫy hàng ngày, những cô gái Cor còn xuống suối bắt cá, hái rau rừng, còn các chàng trai dùng nỏ lên rừng săn bắt con chim, con sóc mang về sử dụng làm thức ăn hàng ngày.


 Các thiếu nữ bên thúng nếp thơm chuẩn bị cho lễ cưới

Trang phục lễ hội

Trang phục lễ hội của dân tộc Cor thì càng được chăm chút. Trong ngày hội làng, nam mặc xà pôn và đóng khố, xà pôn là 1 tấm thổ cẩm hình chữ nhật tương đối rộng phủ đến đùi và dài đến gần bắp chân. Tấm thổ cẩm này thường có nền đen, các dải hoa văn ngang dọc trên mặt vải, tua trang trí màu đỏ ở dọc biên và cuối khố. Khi mặc cố ý để lộ một bên vai, ngực và đùi thể hiện sự mạnh mẽ, khoe được sự vạm vỡ các cơ bắp săn chắc. Trong các lễ hội, đạo cụ mà nam thường dùng là chiêng, trống. Trang phục lễ hội của người phụ nữ Cor khá rực rỡ. Áo váy luôn mới và đẹp đi cùng là đồ trang sức cầu kỳ và đắt giá, trong đó nổi trội nhất là các loại chuỗi cườm ngũ sắc, gồm có cườm đầu, cườm cổ, cườm hông và có các tua màu góp phần tô thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Cor. Đẹp nhất là những chuỗi cườm ở hông, chúng được buộc chặt với nhau để vừa cùng tôn tạo sắc màu vừa hiện rõ hơn đường cong quyến rũ của cơ thể của người phụ nữ. Trong ngày hội làng, chúng ta sẽ thấy được sự dịu dàng uyển chuyển của các cô gái trong điệu múa cà đáo, sự vạm vỡ, lực lưỡng cơ bắp với tiếng chiêng ngân vang cả núi rừng với đôi tay khéo léo của chàng trai.


 Trang phục cô dâu chú rể dân tộc Cor 

Đặc sắc trang phục cưới

Trong các loại trang phục thì trang phục lễ cưới của đồng bào Cor là đặc sắc nhất. Trong lễ cưới, cô dâu đội chiếc nón bằng nan rất đẹp do chú rể đan tặng, cùng với nhiều món trang sức giá trị như tay đeo vòng ống bằng đồng, vòng cổ bằng bạc, chuỗi hạt cườm đeo cổ và trên hông. Ngoài đồ trang sức, cô dâu vai đeo chiếc gài dẹt một ngăn (kxui năh), tay cầm chiếc rựa và chiếc khăn gói các miếng trầu cau. Chú rể mặc khố và choàng khăn, cổ tay đeo nhiều khoen đồng thau, vai mang chiếc gùi dẹt 3 ngăn (kxui pót) đựng ít gạo, chai rượu trắng... Trên vai chú rể còn vác thanh kiếm phép có vỏ bao bằng gỗ, bên ngoài được trang trí bằng tua len nhiều màu. Thanh kiếm vừa là vũ khí để phòng thủ ở dọc đường vừa là vật trang sức, biểu hiện sự mạnh mẽ của người con trai trưởng thành. Chú rể còn khoác trên thân mình tấm choàng màu xanh hoặc màu chàm, có điểm xuyết vài đường nét hoa văn sọc dọc màu đỏ, đầu chít cái mũ lễ (ch’rấc) có hai mấu chìa ra tựa như cánh chuồn, tai đeo mấu bằng gỗ...Với lối phục sức này, chú rể hiện rõ lên diện mạo đầy nam tính.


 Trang sức hạt cườm trên trang phục của thiếu nữ dân tộc Cor 

Trang phục của đồng bào Cor thể hiện nét văn hóa đặc sắc riêng, chứa đựng giá trị sáng tạo, tính thẩm mỹ và nhân văn cao cả. Những giá trị di sản độc đáo của đồng bào luôn được gìn giữ trân trọng, nhất là các dịp lễ hội của làng và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, góp phần vào kho tàng văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em trên cả nước./.

Nguồn: langvietonline.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi