Thứ Hai, 27/1/2025
Người đưa thổ cẩm Zơra bay xa

 Sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm Zơra
tại Hội chợ Thương mại miền núi thường niên tỉnh Quảng Nam

Tiếp chuyện chúng tôi ngay tại gian trưng bày giới thiệu sản phẩm, chị Nguyễn Thị Kim Lan tâm sự: Ngày trước, con gái dân tộc Cơ-tu thôn Zơra mình luôn được các bà, các mẹ truyền cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống và ai cũng biết dệt thổ cẩm. Trước những năm 2000, bà con Cơ-tu có điều kiện tiếp xúc với đời sống hiện đại nên từng bước thay thế những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những đồ may mặc bán trên thị trường. Nghề dệt thổ cẩm đứng trước thách thức bị mai một vì nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong các gia đình người Cơ-tu không còn nhiều như trước.

Nhìn những khung dệt bị cất trong một xó cho nhện chăng tơ, chị Lan rất buồn. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chị quyết định phục hồi lại nghề dệt truyền thống. Chị vừa lặn lội đi tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phầm, vừa trực tiếp đến từng nhà động viên chị em trở lại với nghề dệt. Mưa dầm thấm lâu, nhiều phụ nữ Cơ-tu trong làng Zơra đã bắt đầu quay lại với khung dệt. Khi mới bắt tay vào khôi phục nghề dệt, chị gặp nhiều khó khăn do phải một mình tự thân vận động, nhưng sau một thời gian, thấy việc chị làm mang lại lợi ích cho đồng bào nên chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể đã nhiệt tình ủng hộ.

Anh Zơ Râm Thực, Chủ tịch UBND xã Tà Bhing, chia sẻ: Với tấm lòng nhiệt huyết và nỗ lực khôi phục nghề dệt của chị Nguyễn Thị Kim Lan, làng dệt thổ cẩm Zơra đã từng bước được khôi phục. Tổ dệt thổ cẩm Zơra được thành lập với 20 chị em tham gia, do chị Nguyễn Thị Kim Lan làm Tổ trưởng. Để duy trì nghề dệt truyền thống, các thành viên trong tổ phân công nhau đi tìm đầu ra cho sản phẩm dệt của mình bằng cách mang đi bán lẻ hoặc gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm bán giúp.

Về sau, nhờ có sự tài trợ kinh phí của Tổ chức Cứu trợ và Phát triển Quốc tế của Nhật Bản (FIDR), Làng dệt thổ cẩm Zơra được quy hoạch xây dựng khá bài bản. Các ngôi nhà sàn vừa là nơi các thợ dệt làm việc, vừa để trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm, thu hút khách du lịch đến tham quan. Sản phẩm của làng dệt thổ cẩm Zơra có mặt tại hầu hết các lễ hội, khu du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh.


 Công việc thường nhật của chị em phụ nữ Cơ-tu trong Tổ dệt thổ cẩm Zơra,
xã Tà Bhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Hiện nay, làng dệt thổ cẩm Zơra đã thu hút 50 chị em phụ nữ dân tộc Cơ-tu tham gia. Để có những sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa hợp thời trang mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, chị Lan đã mất rất nhiều thời gian, công sức đi tìm hiểu thị trường, làm quen với thị hiếu người dùng rồi về hướng dẫn chị em làm ra những sản phẩm mới, đẹp như: bao gối, áo, tấm đắp, khăn trải bàn đến túi xách, túi đeo, ví nam, ví nữ,… được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, chị Lan cùng các chị em trong tổ còn tiến hành nghiên cứu, phục dựng được 50 mẫu dệt truyền thống đang có nguy cơ mai một của đồng bào Cơ-tu. Đến nay, làng dệt thổ cẩm Zơra đã cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại, hầu như các mặt hàng đều được tiêu thụ hết. Điều đáng mừng là hiện nay các sản phẩm thổ cẩm của làng Zơra không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ…

Anh Zơ Râm Thực cho biết thêm, việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm làng dệt thổ cẩm Zơra không chỉ góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Cơ-tu mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương. Để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống Zơra có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, cần có những chính sách đầu tư, khuyến khích, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để nghề dệt thổ cẩm ngày càng có chỗ đứng, góp phần tôn vinh vẻ đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Cơ-tu. Có như vậy những nghề truyền thống nói chung và dệt thổ cẩm Zơra nói riêng mới có chỗ đứng và phát triển bền vững./.

Nguồn: baodantoc.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi