Thứ Hai, 27/1/2025
Ngày xuân nghĩ về tư tưởng “trọng dân” của Bác

Trong Nho giáo, hệ tư tưởng này thể hiện ở những nội dung cơ bản: Một là, vua chúa, quan lại phải nghiêm túc, đoan chính với dân, không được coi thường dân. Hai là, chia sẻ cộng khổ và hành động vì dân. Ba là, đem lại lợi ích vật chất và giáo hóa dân. Bốn là, khẳng định, đề cao giá trị con người. Khổng Tử từng nhắc nhở những nhà cầm quyền: “Sử dân như thừa đại lễ” (Sai khiến dân phải cẩn thận như điều hành một cuộc tế lễ lớn). Mạnh Tử khẳng định: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Tuân Tử nói: “Dân là nước, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền”. Các Nho gia xưa kia đều yêu cầu các bậc trị quốc phải bảo đảm cho người dân có đời sống tối thiểu để họ “sử ngưỡng túc dĩ sự phụ mẫu, phủ cập, dĩ sức thê tử” (ngẩng lên đủ để phụng dưỡng cha mẹ, cúi xuống đủ để nuôi sống vợ con). Nếu trên nét mặt người dân có sắc đói là trách nhiệm của người cầm quyền. Đây là tư tưởng rất mới và táo bạo trong thời kỳ chế độ quân chủ chuyên chế đang thịnh hành.

Tại Việt Nam, tư tưởng “Thân dân” đã tồn tại rất lâu đời, nó được kế thừa và phát huy qua các thời đại để phù hợp với lối sống, văn hóa và trình độ phát triển của mỗi thời kỳ. Trong suốt chiều dài của lịch sử, tư tưởng “Thân dân” luôn được coi trọng trong những triều đại chính thống và được các nhà tư tưởng lớn xem như là một ưu sách để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. “Triều Khúc Thừa Dụ có chính sách “Khoan, giản, an, lạc”. Triều Lý có chính sách “Ngụ binh ư nông”. Triều Trần có “Khoan thư sức dân”, “Chúng chí thành thành” và nổi tiếng với Hội nghị Diên Hồng. Triều Lê quan niệm “Dân như nước có thể đẩy thuyền và lật thuyền”; đặc biệt, vai trò, vị trí người dân được luật hóa trong Bộ luật Hồng Đức. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên (thời Lê) đã đúc kết cách trị nước thành công trong lịch sử là: “Lấy nghĩa mà duy trì, lấy dân để cố kết, lấy trí để trông coi, lấy tín để ngăn phòng. Có đặt dân lên chốn chiếu êm mới làm cho thế nước vững như núi Thái Sơn, bàn thạch. Chăm lo cho nước trở nên văn minh, dân đến chỗ giàu thịnh là mưu hay trị dân, giữ nước; là kế xa sửa nước, chăn dân”.

Xuất thân từ gia đình Nho học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần truyền thống lâu đời của dân tộc, kế thừa tư tưởng “Thân dân” tiến bộ trong lịch sử kết hợp với sự vận dụng sáng tạo Học thuyết Mác - Lênin trong điều kiện cách mạng Việt Nam để đi đến một chân lý bất di bất dịch về vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Vai trò đó thể hiện tập trung ở các điểm: Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội; Thứ hai, quần chúng nhân dân là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội; Thứ ba, quần chúng nhân dân là lực lượng sáng tạo ra mọi giá trị văn hóa tinh thần của xã hội. Người cho rằng: người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”. Với quan điểm đó, Hồ Chí Minh đã đưa vai trò của Nhân dân lên tầm cao mới: Nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, là người chủ thực sự của đất nước; nhân tố con người là nguồn lực cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch để kháng chiến, kiến quốc.

Theo Hồ Chí Minh, tôn trọng Nhân dân, trước hết là phải đánh giá đúng vai trò, vị trí của Nhân dân. Hồ Chí Minh đã chỉ ra: có dân là có tất cả. Muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân vì “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Theo Bác, tôn trọng Nhân dân là không xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của dân; tôn trọng Nhân dân phải gắn chặt với những “điều không nên” và những “điều nên” làm.

Tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Suốt cuộc đời, Người chỉ có một ham muốn “...ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Chính ham muốn đó trở thành một trong những nhân tố thúc đẩy Người đi tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân: chống giặc đói, giặc dốt, xóa bỏ các thứ thuế vô lý, thực hành cần, kiệm và kêu gọi đoàn kết lương giáo... Một tháng sau khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Người nhấn mạnh: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Hồ Chí Minh cho rằng: sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc, nâng cao đời sống nhân dân là hết sức quan trọng vì “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Từ nhận thức đó, mặc dù cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng Bác đã chỉ đạo tập trung vào: “Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành; cái đích mà chúng ta đi đến là 4 điều đó”. Trước lúc đi xa, điều mà Bác trăn trở đầu tiên vẫn là “... công việc đối với con người”. Bác dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”.

Chính từ tư tưởng “Trọng dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu Đảng, đoàn thể phải luôn có trách nhiệm với Nhân dân. Người chỉ rõ sự cần thiết phải củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”. Mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng được thể hiện rất cụ thể ở đạo đức, thái độ, tác phong trong quan hệ với dân ở từng cán bộ đảng viên. Người căn dặn cán bộ đảng viên tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai... phải khiêm tốn, gần gũi với quần chúng... Người lên án gay gắt chủ nghĩa cá nhân: “Hiện nay chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình là cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng, mà chỉ muốn làm thầy quần chúng... Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.

Theo Hồ Chí Minh, để thật sự tôn trọng Nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải nêu gương về trong sạch, đề cao chữ Liêm, đó chính là đạo đức của người cách mạng, là sự tôn trọng Nhân dân. Theo Người, Liêm là “Không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình... Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”. Người cho rằng: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân… Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”. Theo Bác liêm phải đi đôi với kiệm, vì chỉ có kiệm thì mới liêm được, vì xa xỉ mà sinh ra tham lam, như thế là không liêm.

Cuộc đời của Bác là tấm gương mẫu mực về trọng dân, suốt đời tận tụy vì dân vì nước. Người căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng... vì nó là kẻ thù của Nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta, nó là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta. Trước lúc đi xa Bác đã căn dặn toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân”. Đảng coi việc “làm đầy tớ” của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là trách nhiệm, là vinh dự và niềm hạnh phúc của mình.

Khi bàn tư tưởng “Trọng dân”, thiết nghĩ chúng ta cần quan tâm đến sự khác biệt giữa tư tưởng “Thân dân” của Nho giáo và tư tưởng “Trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mặc dù đây là tư tưởng tiến bộ, đều hướng đến việc lấy con người làm trung tâm, lấy dân làm gốc nhưng giữa tư tưởng của Bác và tư tưởng của Nho giáo có một số khác biệt cơ bản: Một là, thái độ đối với người dân, nhất là đối với người lao động chân tay. Nho giáo xếp con người thành 2 loại, đó là “thượng trí”, dùng để chỉ tầng lớp quan lại, cầm quyền, trí thức và “hạ ngu” để chỉ người dân lao động để từ đó phân biệt 2 loại người: lao động chân tay và lao động trí óc. Tư tưởng “nới nhẹ sức dân”, “thân dân” của chế độ phong kiến chỉ dừng lại ở cử chỉ của kẻ “bề trên” đối với Nhân dân: “Dân chi sở hiếu, hiếu chi; dân chi sở ố, ố chi; thử chi vị dân chi phụ mẫu” (dân thích điều gì, người thích điều ấy; dân ghét điều gì, người ghét điều ấy; thế mới là cha mẹ dân). Ngược lại, Bác rất yêu thương và tôn trọng Nhân dân, luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên và bản thân mình học hỏi dân, coi dân là người thầy của mình và phải luôn xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Hai là,  mục đích lấy dân làm gốc. Nho giáo lấy dân làm gốc nhằm mục đích cho dân “yên bề” của kẻ nô lệ; không đụng chạm đến quyền lợi và địa vị của chế độ và giai cấp cầm quyền; ngược lại, Hồ Chí Minh muốn giải phóng người lao động thoát kiếp đời nô lệ về chính trị, kiệt quệ về kinh tế, bị tối tăm về tinh thần, văn hóa, tư tưởng, giáo dục. Người từng khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”Ba là, sự hiện thực hóa quan điểm “lấy dân làm gốc”. Thời phong kiến, việc lấy dân làm gốc chỉ dừng lại là lời nói suông trên các diễn đàn, trong học thuật, không được nhà cầm quyền thực thi; về bản chất người dân vẫn bần hàn đói rách, bị bóc lột thậm tệ. Hồ Chí Minh đã thực hiện tư tưởng này bằng chính hành động cụ thể của mình, Người đã tổ chức, lãnh đạo nhằm phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân trong các giai đoạn của cách mạng và đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mà điển hình nhất là cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Một trong những kỳ tích vẻ vang của cuộc cách mạng này là đã đưa người lao động từ vị trí nô lệ, làm thuê trở thành người chủ chân chính của đất nước, giành lại phẩm giá dân tộc và phẩm giá làm người.

Học tập và làm theo gương Bác là cả một quá trình. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều phải ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công việc trong tình hình mới nhằm thực hiện có hiệu quả tư tưởng “Trọng dân” bằng những hành động cụ thể, thiết thực; phải luôn là người “công bộc” trung thành của Nhân dân. Trước mắt, cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện nghiêm và có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (chuyên đề năm 2019); thực hiện nghiêm Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI, Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về việc nêu gương nhằm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là trong điều kiện mới hiện nay; góp phần thực hiện thành công đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi