Thứ Sáu, 22/11/2024
Nét văn hóa trong đời sống thường ngày của người Tày

Phong phú trong cách đặt tên thôn bản

Trong sinh hoạt đời thường, ngôn ngữ của người Tày rất giàu và đẹp, điều đó đã khiến cho lời ăn tiếng nói của người Tày trở nên hết sức phong phú, uyển chuyển, tinh tế và khái quát. Nếu ai có dịp đi các huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang tìm hiểu cách đặt tên thôn bản của người Tày sẽ thấy thật nhiều điều thú vị. Là người sinh ra và lớn lên ở Nà Hang, ngay từ bé tôi đã được ông bà kể cho nghe về sự tích từng cái tên thôn bản. Lớn lên đi công tác xa, mỗi khi nhớ về quê, nói đến thôn Bó Củng (Mỏ tôm) quê mình là nhớ luôn những chiều hè oi ả, đám trẻ con chúng tôi vừa chăn trâu, vừa thi nhau bắt tôm ở cái đầm nước dưới chân núi Đán Đeng. Ôi chao, cơ man nào là tôm. Tối về, nhà nào cũng có một đĩa tôm rang vàng ruộm. Bây giờ, tôm ít đi rồi nhưng thôn vẫn mang cái tên mỏ tôm ấy. Biết bao kỷ niệm vui buồn thuở ấu thơ gắn liền với tên thôn, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Cũng giống như mọi làng quê khác ở nước ta, mỗi thôn bản của người Tày đều có một tên gọi riêng, mang ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, cách đặt tên thôn theo đặc điểm địa hình như: Thôn Cốc Lùng (thôn có cây đa to), thôn Pác Bó (nơi có nguồn nước), thôn Phia Lộng (đá thủng)… Một điều hay nữa là nhiều thôn, bản qua quá trình phát triển còn được đặt tên theo nghề nghiệp, chăn nuôi. Ví như, thôn Nà Mò (ruộng bò), thôn Lũng Vài (Lũng trâu), thôn Lậu Pết (chuồng vịt). Rồi đặt tên theo truyền thuyết lịch sử như: Thôn Tông Chúp (đồng nón), thôn Khau Lừa (núi thuyền), thôn Tông Lăn (trống lăn)… Nhiều thôn bản còn được đặt tên theo những đặc trưng riêng như: Pác Cáp (nơi gặp gỡ của những con sông, suối), Háng Riềng (chợ thiêng)...  Ngày nay, với sự giao lưu và đổi mới, nhiều tên thôn bản của người Tày còn được đặt theo tên của các anh hùng dân tộc, các liệt sỹ địa phương hay những mục đích cao cả mà con người hướng tới như: Thôn Thịnh Vượng, Xuân Tân, Tân Lập... Cách đặt tên thôn, bản của người Tày đã thể hiện lòng yêu quê hương đất nước, sự gắn bó cộng đồng và cao hơn nữa là văn hóa địa danh.


 Quang cảnh Lễ hội Lồng tông

Tinh tế trong ứng xử quan hệ vợ chồng

Về cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng của người Tày cũng có những điểm rất hay. Họ lấy ngay những công việc cụ thể để biểu hiện sự tôn trọng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Ví như: "Chồng chữa sàn thì vợ đưa rìu, chồng sửa gác thì vợ đưa lạt, chồng ra khỏi bản đi đường xa thì vợ mổ gà, gói xôi”. Nét văn hóa nổi bật hơn cả là vợ chồng người Tày luôn lấy tình thương yêu vợ chồng làm trọng. Một phương châm xử thế tốt đẹp nhất mà khi con gái, con trai đến tuổi dựng vợ, gả chồng đều được bố mẹ răn dạy là: "Vợ chồng tủi sầu không chia, cùng khốn không lìa”; rồi: “Vợ chồng đồng lòng, tát nước bể có ngày cũng cạn”. Tình nghĩa vợ chồng là trên hết, không màng giàu sang: “Thương nhau không cần có ruộng to trước cửa, lấy được nhau vượt ngàn đào củ mài mà ăn”. Hay, một cách ứng xử đẹp nữa mà nó thể hiện rất sâu sắc tình cảm vợ chồng dành cho nhau như: "Thương chồng năng dệt cửi, yêu con chăm vá may, mến vợ việc ruộng nương không biếng nhác”. Còn có những lúc “xô bát, xô đũa” thì: “Vợ la chồng lắng, chồng mắng vợ im”.

Văn hóa trong ăn uống

Ăn uống là một phần quan trọng của đời sống. Ngoài việc lưu giữ, truyền dạy cho các con cháu các món ăn dân tộc đặc sắc thì với người Tày tập quán ăn uống tập trung vào cách ứng xử trong gia đình. Trong bữa ăn hàng ngày của người Tày, mâm cơm thường để ở chính giữa nhà, phía trên của bếp lửa nhà sàn. Mỗi gia đình người Tày thường có ba thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cái, gồm từ 6 đến 7 người. Vị trí ngồi ăn theo thứ tự từ ông - bà; cha - mẹ rồi đến con cái. Nồi cơm đặt phía dưới gần bếp, ngồi cạnh nồi cơm thường là mẹ hoặc con gái để làm nhiệm vụ xới cơm hoặc tiếp thêm canh rau. Ngoài các bát, đĩa thức ăn dùng chung, bát đũa ăn cơm riêng, bao giờ cũng có thìa ăn canh riêng cho từng người. Bữa ăn là lúc đoàn tụ, tập trung đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Vì thế, nếu thiếu một ai thì cũng phải chờ cho đủ mới ăn. Người Tày có câu: "Thíp tua mạ thả ăn yên” (nghĩa là: Mười con ngựa chờ đợi một cái yên - để ví von rằng mâm cơm mười người mà còn thiếu một người thì cũng phải chờ đợi, đó chính là thể hiện tính cộng đồng trong bữa ăn của người Tày). Khi ăn, trẻ em không được nói chuyện; không được gõ đũa, bát vì sợ ma về; xới cơm xong phải đậy vung để giữ nồi cơm cho nóng; đôi đũa cả xới cơm để trong nồi, quay ra phía sau không được quay vào mâm hay quay vào phía người đang ngồi ăn vì như thế sẽ làm cho người ăn dễ bị nghẹn. Cách ứng xử trong ăn uống của người Tày còn là ý thức về sự nhường nhịn: "Cần ké kin khẩu khao, lục shao kin khẩu xáo, lục báo kin khẩu xay", (nghĩa là: người già ăn gạo trắng, con gái ăn gạo giã dối, con trai ăn gạo xay, để nói lên rằng người già rất được kính trọng, được con cháu giành cho phần ngon, bổ). Trong ăn uống, người Tày còn có những kiêng kỵ như phụ nữ mới sinh kiêng ăn thịt trâu, cá mè, cá không vảy. Trẻ em kiêng ăn mác lừm (quả cật gà) vì họ quan niệm ăn quả cật gà sẽ dốt nát, hay quên; kiêng ăn chân gà vì viết chữ sẽ xấu như gà bới. Sau bữa ăn, trẻ em đưa tăm mời người lớn. Con dâu mới về nhà chồng, sáng dậy sớm đun nước pha trà, mang nước rửa mặt cho ông bà, bố mẹ; ăn xong, bưng chậu nước rửa tay kèm khăn lau cho mọi người...    

Gìn giữ, phát huy những nét đẹp của văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại ngày nay là việc làm thiết thực để thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về  “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 

                                                                                                                                       Kim Ngân

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi