Thứ Năm, 9/5/2024
Lợn trong tranh dân gian Việt Nam

Lợn là một trong số 12 con vật tượng trưng cho chu kỳ 12 năm của Địa chi trong nhiều tính toán liên quan tới Can-Chi của người Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên v.v. Nó gắn liền với địa chi Hợi.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, con lợn được thể hiện qua các bức tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh con lợn hiện hữu trên tấm lịch tường gia đình để thiể hiện sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc. Con lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền thuộc dòng Âm ôn hòa nhã nhặn, sinh nở đầy đàn nên yếu tố phồn thực được đề cao trong loại tranh dân gian, chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Bức tranh lợn đàn là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực.


 Đàn lợn âm - dương (tranh Đông Hồ)

Trên mình lợn có vòng khoáy Âm - Dương ngụ ý phát triển, sinh sôi nảy nở, bức tranh còn thể hiện con lợn mẹ trắng xóa mắt lim dim lờ đờ, mõm tũm tĩm, năm con lợn con, con xanh, con đỏ, con trắng, con tím lúc nhúc cả dưới chân. Hình ảnh lợn Cấn sắc nét nhất là trên tranh Lợn ăn lá ráy, Nghệ nhân Đông Hồ đã quan sát kỹ con lợn phàm ăn, đang sục mõm vào máng, cành lá ráy như động đậy, ước lệ.

Dân gian Việt Nam không chỉ tôn vinh lợn qua tranh Gà Lợn bằng nghệ thuật Đông Hồ, mà còn rải rác trong tranh Kim Hoàng, Nam Đàn hoặc vài nơi khác. Thơ Hoàng Cầm:

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong,
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Tranh dân gian, trong tính cách bình dị của nó, khó nói được là cao siêu. Riêng tranh Lợn Đàn, Lợn ăn cây dáy, có nét đặc sắc. Những nghệ nhân vô danh đã thấu hiểu triệt để và sâu sắc đề tài, tính chất con lợn, địa vị của nó trong đời sống người dân tầm thường, lam lũ.

Lợn lên tranh là giống lợn ỷ, mặt ngắn, có nhiều nếp nhăn, lưng võng, chân thấp. Sống lưng lợn mẹ được tô đậm màu đỏ da cam, lún phún lông mọc nghiêng.

Theo kinh nghiệm nông dân con lợn nào có lông “đai” như vậy là tốt giống, mạnh ăn, béo khỏe, mắn đẻ và đông con. Lũ lợn lúc nào cũng đang ăn, no căng, bụ bẫm, dáng dấp phủ phê, mặt mày phè phỡn, nụ cười tủm tỉm đầy nhân tính, có khi ranh mãnh, lẳng lơ.

Vẽ ra con lợn, nghệ nhân phác họa thế giới của mình, tâm cảnh lồng vào ngoại cảnh, từ những lam lũ gieo neo vươn tới giấc mơ no ấm, sum vầy đông đúc.

Trên thân hình mập mạp, lợn mẹ lợn con đều mang hai vòng tròn xoáy âm dương. Công dụng là trang trí cho thân hình đơn điệu, nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho khoáy lông, tướng lợn, biểu hiện cách điệu qua một nét vẽ siêu hình; vòng âm dương mở rộng hạnh phúc con người chan hòa với niềm vui trời đất, trong lẽ tuần hoàn vô thủy vô chung.

Tranh gà lợn Đông Hồ là một nét đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam, không biết đặt vào đâu trong những dòng văn hóa địa phương hay thế giới.

Ngày xưa, trên một lưỡi giáo Đông Sơn đào được ở Sơn Tây 1927, có hai con thú châu đầu vào nhau: một con cọp, và một con heo nhỏ hơn, mập mạp, chân thấp.

Di chỉ nàycó thể là hiện vật có từ một, hai thế kỷ trước Tây lịch. Nhưng đây là một mô hình biệt lập chứng tỏ quan hệ xa xưa giữa Việt tộc và loài lợn, nhưng không liên quan gì đến tranh Đông Hồ.

Nghệ thuật Đông Hồ đã gợi ý cho nhiều bài thơ, đặc sắc nhất có lẽ là bài của Vũ Hoàng Chương (1915-1976) làm vào ngày tết Bính Thìn 1976.

Vịnh tranh gà lợn
Sáng chưa sáng hẳn, tối không đành
Gà lợn om sòm rối bức tranh
Rằng vách có tai, thơ có họa
Biết lòng ai đỏ, mắt ai xanh?
Mắt gà huynh đệ bao lần quáng
Lòng lợn âm dương một tấc thành
Cục tác nữa chi, ngừng ủn ỉn
Nghe rồng ngâm váng khúc tân thanh

Lời lẽ đơn giản nhưng tế nhị, súc tích và uyên bác. Tác giả dùng nhiều tục ngữ, ca dao, điển cố. Câu đầu vịn vào thành ngữ “tranh tối tranh sáng” là lời phá đề tài tình cho một bài thơ …. tranh.


Đàn lợn (tranh Kim Hoàng)

Câu sau “om sòm” lấy lại ý thơ Tú Xương “om sòm trên vách bức tranh gà”. Câu thứ ba dựa theo thành ngữ “dừng có mạch vách có tai”, và chữ “họa” mang ba nội hàm khác nhau: xướng họa, hội họa, và nhất là… tai họa.

Tiếp theo là thành ngữ “xanh vỏ đỏ lòng” và “mắt xanh” chỉ vào những con mắt tinh đời, có khả năng đánh giá đúng. Câu năm nhắc đến thành ngữ “mắt quáng gà” nhìn không rõ, và ca dao: “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. “Lợn âm dương” là tên tranh Đông Hồ.

Thơ Hoàng Cầm: Mẹ con đàn lợn âm dương/chia lìa đôi ngã. Đoạn cuối “cục tác, ủn ỉn” lấy từ câu ca dao đã nhắc ở đoạn trên. Chữ “rồng” ở câu kết đánh dấu năm Thìn đang tới, sẽ là mùa xuân cuối cùng của thi nhân,và “tân thanh” là tên truyện Kiều, cắt bớt hai chữ “đoạn trường” đau đớn.

Dĩ nhiên là bài thơ còn u uẩn nhiều ngụ ý và u uất nhiều tâm sự, chúng tôi không bình giải nơi đây, nhường cái thú ấy cho người đọc ngày xuân.

Những nghệ nhân, những thi nhân diễn tả bằng ngôn ngữ nghệ thuật miêu tả cuộc sống hàng ngày những điều rất bình thường. Những tranh lợn, nét khắc dân gian đình làng chứa đựng mọi hương thơm quê hương, Tổ quốc. Cứ 12 năm qua, hình ảnh con gà con lợn lại hiện hữu trên tấm lịch tường gia đình. Một giáp bằng 12 năm, dòng đời trôi chảy thành bại vui buồn… nhưng khái niệm sung mãn, phồn thực, vui vẻ hạnh phúc không bao giờ vơi trên hình tượng gà lợn. Nguồn cảm xúc tôn giáo không đủ sức đập tan hơi thở mãnh liệt của cuộc sống. Bởi thế, hình tượng con lợn, con gà trong di sản văn hóa Việt Nam được nuôi trường tồn từ tình đất hương cây, từ niềm vui chân thành mà giản dị.

Người ta thường cho rằng kẻ sinh năm Hợi là tốt số, sống thong thả và sung túc, có lẽ là do cảnh sống của con lợn. Nó còn là một hình ảnh một thanh bình. Âu cũng là cách nghĩ của người đời vậy./.

Hoàng Phong (tổng hợp)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất