Thứ Hai, 23/12/2024
Giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống mùa lễ hội

 Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) luôn thu hút du khách thập phương

Câu nói của Sư thầy Thích Thanh Nhã - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội là niềm mong muốn của mỗi người dân đất Việt, cũng là nhiệm vụ của những người làm công tác tổ chức và quản lý lễ hội.

Mùa lễ hội - khi lòng người phơi phới sắc xuân, tràn đầy hy vọng về một năm mới thiên thời địa lợi, đất nước an vui, gia đình no ấm - thì cũng là lúc những người làm công tác quản lý phải cùng bắt tay vào cuộc giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm thuần phong mĩ tục, để mỗi lễ hội là điểm đến an lành, may mắn, để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi du khách.

Tổng kết công tác quản lý lễ hội năm 2018, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, công tác quản lý tổ chức lễ hội trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nề nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội; tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành phát triển đất nước và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Để công tác lễ hội gây ấn tượng đẹp trong lòng du khách, loại bỏ dần các tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại, Cục đã làm việc với các ban quản lý lễ hội địa phương để chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ nhằm mang lại những nghi lễ đẹp hơn, bớt những yếu tố bạo lực, không đẹp mắt.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao và du lịch cho biết, đến nay, rất nhiều lễ hội truyền thống đã thay đổi cách hành lễ cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Cụ thể như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; hội Phết Đình Đông Lai, xã Bàn Giản (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn; lễ hội Đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre. 

Một số địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền như: Đền Trần (Nam Định); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); chùa Keo (Thái Bình); đền Mẫu, đền Thượng (Lào Cai); đền Trần Thương (Hà Nam)... Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, nâng cao ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội.

 Bên cạnh đó, các Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự kiến thu, chi trong tổ chức hoạt động lễ hội công khai, minh bạch; bố trí, sắp xếp hệ thống hòm công đức, nơi đặt lễ, tiền dầu nhang trong di tích theo quy định, đồng thời bố trí lực lượng thu gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời. Ủy ban nhân dân nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác phát huy giá trị di tích, áp dụng thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa v.v...nhiều di tích, lễ hội ở các địa phương thực hiện tốt công tác thu chi tài chính, tiền công đức như: đền Cửa Ông (Quảng Ninh), chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc (Hải Dương), đền Trần (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Sòng Sơn (Thanh Hóa), đền Cờn, đền Hồng Sơn, đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An), đền Bà Bích Châu (Hà Tĩnh), miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)...

Không phủ nhận những tồn tại, yếu kém, báo cáo công tác năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, số lượng các lễ hội nước ta là rất lớn, việc kiểm tra, kiểm soát, quản lý không hề đơn giản. Bên cạnh những yếu tố truyền thống, còn những yếu tố khác bắt nguồn từ sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Những hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội như: Lễ hội Làm chay tại đình Tân Xuân, Linh Phước Tự, chùa Ông và chợ Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Lễ hội Đúc Bụt tại thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), Hội làng Sơn Đồng (lễ hội Giằng Bông), xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Hà Nội); Hội Phết Hiền Quan xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ)... là những vấn đề nhức nhối vẫn còn tồn tại.

 Rồi vấn nạn đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (thành phố Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... Một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời.

 Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do ở một số lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Bên cạnh đó là sự chậm đổi mới hình thức tổ chức đối với một số lễ hội, còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, phản cảm không phù hợp với xu thế của thời đại; một số lễ hội còn xảy ra hiện tượng chen lấn xô đẩy, vi phạm nếp sống văn minh trong lễ hội.

 Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân về giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội chưa được chú trọng. Nếp sống văn minh của người tham gia lễ hội chưa được nâng cao, nhu cầu tham gia lễ hội của đông đảo nhân dân ngày một tăng, không gian tổ chức lễ hội chật hẹp nên đã dẫn đến tình trạng khó kiểm soát, mất an ninh, trật tự tại một số lễ hội lớn.

Đây cũng là bài toán đặt ra cho công tác quản lý trong mùa lễ hội năm nay. Những chuyển biến trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018 có trở thành tiền đề để tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm mới hay không không chỉ phụ thuộc vào cơ quan quản lý, mà còn cần có sự quyết liệt của chính quyền địa phương và ý thức người tham gia lễ hội. Mong rằng công tác quản lý lễ hội ở các địa phương sẽ tiếp tục được thực thi nghiêm túc. Mỗi người dân tham gia lễ hội biết đề cao trách nhiệm vì việc chung, vì cộng đồng. Có như vậy, mỗi lễ hội sẽ thực sự là điểm đến văn hóa, tín ngưỡng đầy hấp dẫn cho nhân dân và du khách; những phong tục tập quán tốt đẹp trong lễ hội tiếp tục được thực hành, lan tỏa giá trị trong đời sống./.

Theo dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi