Thứ Sáu, 22/11/2024
Lễ hội Tịch điền và tư tưởng trọng nông

 Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày Tịch điền tại chân núi Đọi 

Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2019 cho biết: Năm nay là năm thứ 11 Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng theo tích Vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan tổ chức cày Tịch điền lần đầu tiên dưới chân núi Đọi (năm Đinh Hợi 987). Đây là một trong 3 lễ hội lớn của địa phương chúng tôi (bao gồm cả gồm Lễ hội Đền Lảnh Giang, Lễ hội chùa Long Đọi Sơn). Theo kế hoạch tổng thể, Lễ hội tịch điền Đọi Sơn 2019 sẽ diễn ra trong 03 ngày, từ 9 – 11/2/2019 (ngày 5 – 7 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng cho lễ hội diễn ra, phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và an toàn giao thông trong thời gian diễn ra lễ hội đã được triển khai…

Nguồn gốc lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Sử sách ghi chép lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) – vị quân vương vốn coi trọng nông nghiệp đã cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn, mở đầu mỹ tục tốt đẹp cho dân tộc.

Khi cày ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn, vua bắt được chum vàng. Năm 988, nhà vua cày ruộng ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này sau được gọi là Kim Điền, Ngân Điền.

Từ đó, lễ Tịch điền được nhiều đời vua sau như Lý, Trần, hậu Lê duy trì. Đặc biệt, đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ Lễ chủ trì. Sau một thời gian dài gián đoạn, từ năm 2009 phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại bài bản và duy trì cho đến nay.

Lễ hội Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.

Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ Tịch điền Đọi Sơn là tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành). Nhận thấy vùng núi Đọi sông Châu có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư nên đến khi lên ngôi vua, vua Lê Đại Hành quyết định về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Thông thường theo nghi lễ, Lễ hội Tịch điền phục dựng sẽ được tiến hành theo thứ tự: Vua Lê Đại Hành (do một vị bô lão của làng Đọi nhập thế, khoác long bào) cày 3 sá, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá, lãnh đạo xã và các bô lão cày 9 sá.

Ý nghĩa gần dân, trọng nông nghiệp

Có thể thấy, lễ hội Tịch điền mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp, gắn với tên tuổi vua Lê Đại Hành là người khởi xướng. Trải qua hơn 1.000 năm, lễ hội này ngày nay được tái hiện và duy trì đều đặn ở chân núi Đọi Sơn, huyện Duy Tiên với những sá cày mở ra mùa vụ mới trong tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng ngày đầu Xuân. Điều này cho thấy, dù ở thời đại nào, nông nghiệp, nông dân vẫn luôn là lĩnh vực được đặc biệt coi trọng.


 Các thôn nữ gieo những hạt giống đầu tiên theo những sá cày của vua Lê Đại Hành

Sự tích lịch sử Mùa xuân Đinh Hợi năm 987 ấy, đích thân bậc quân vương xuống đồng cày ruộng đã để lại bao ý nghĩa tốt đẹp cho dân tộc, một thông điệp ý nghĩa mà vô cùng đơn giản lưu truyền cho hậu thế, đó là khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã thực sự trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.

Mỗi lễ hội đều hàm chứa một ý nghĩa, phong tục đặc trưng. Với lễ hội Tịch điền, đặc trưng ấy càng trở nên riêng biệt. Đó là những vị vua đức cao vọng trọng không ngần ngại cởi bỏ long bào, mặc quần nâu áo vải, lội ruộng xuống đồng thúc khiển trâu, cày ruộng như những nông dân. Đây không chỉ thể hiện tư tưởng gần dân, mà hơn thế nữa là sự quan tâm, coi trọng những người nông dân chân lấm tay bùn, coi trọng sản xuất nông nghiệp của các bậc quân vương. Với một quốc gia có nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm như nước ta, điều đó lại càng vô cùng ý nghĩa.

Phát huy và bảo tồn những giá trị nhân văn của lễ hội, năm nay lễ hội Tịch Điền sẽ tiếp tục được tổ chức trang trọng ở Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam từ ngày mùng 5-7 tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Theo kế hoạch, văn trình năm nay sẽ tiếp tục gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới mà tỉnh Hà Nam đã triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Tiếng trống khai hội xuống đồng cùng việc tái hiện vua đi cày trên cánh đồng chân núi Đọi Sơn ngày đầu xuân đã tạo ra không khí hối hả xuống đồng gieo cấy vụ đông xuân cho bà con nông dân cả nước.

Phát huy những giá trị ý nghĩa của lễ hội quan trọng này, hằng năm hình ảnh đích thân vua đi cày nghìn năm trước, nay được tái hiện trong lễ hội với sự góp mặt của những vị lãnh đạo cấp cao Nhà nước, tiếp tục cho thấy một tư tưởng xuyên suốt trường tồn, đó là tư tưởng trọng nông, khuyến nông luôn hiện diện ở mọi thời đại, trong suy nghĩ và hành động của những người lãnh đạo nhà nước cao nhất. Từ đó, nhiều chính sách, điều luật khuyến khích phát triển sản xuất, chăm lo đời sống nông dân sẽ được ban hành, làm cho nông nghiệp phát triển, thành quả vượt bậc, nông dân thêm ấm no.

Lịch sử đã chứng minh, nông nghiệp, nông dân luôn có vị trí quan trọng trong quá trình bảo vệ, dựng xây và phát triển đất nước ta. Thời binh đao khói lửa, nông dân, nông nghiệp là hậu phương lớn cho tiền tuyến thắng giặc ngoại xâm. Thời bình, nông nghiệp được chăm lo phát triển, là lĩnh vực nuôi sống toàn dân, là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế nước nhà, và hơn thế giúp quốc gia giữ vững vị thế là một trong số ít các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Mỗi năm lễ hội diễn ra, là thêm một lần nhắc nhở chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững gắn với phát triển công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thông điệp từ lễ hội Tịch điền cũng là lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ ngày nay, hãy nhớ đến công ơn của cha ông trong việc khai phá ruộng đồng, trồng cấy lúa ngô mà tích cực và chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp - một thế mạnh của quốc gia đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo của thế giới.

“Với tư tưởng xuyên suốt là trọng nông nghiệp và gần dân nên lễ hội Tịch điền có vai trò quan trọng trong việc khích lệ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 1.299,66 tỷ đồng tăng 3,72% so với năm 2017. Tổng diện tích gieo trồng 10.948,6 ha, trong đó diện tích lúa là 8.926,8 ha, năng suất lúa đạt bình quân 67,7 tạ/ha, sản lượng lương thực có hạt tại địa phương đạt 59.483 tấn/năm. Đến nay, Duy Tiên đã được công nhận là huyện nông thôn mới trên tổng số 16/16 xã được công nhận xã nông thôn mới. Những kết quả thiết thực này đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Hà Nam.” – Chủ tịch huyện Duy Tiên Phạm Hồng Thanh cho biết thêm.

Nói về ý nghĩa của Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Bí thư Huyện ủy Duy Tiên chia sẻ: Có thể thấy xuyên suốt lễ hội này là tư tưởng trọng nông nghiệp, kế thừa những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp đó, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra các đường lối, chủ trương cụ thể, trong đó, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một ví dụ điển hình. Đây là một nghị quyết toàn diện về  nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng từ nhiều năm qua.

Ở phạm trù văn hóa, việc duy trì và tổ chức lễ hội Tịch điền còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

“Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ góp phần nâng cao, cải thiện đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất và nhiều chính sách khác sẽ phát huy, tiếp tục là những “đường cày” của Đảng và Nhà nước trên “mảnh đất” nông nghiệp, nông thôn, để gieo mầm cho những vụ mùa bội thu, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện đủ đầy, sung túc” – Bí thư Huyện ủy Duy Tiên Nguyễn Đức Vượng cho biết./.    

Nguồn: dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi