Chủ Nhật, 24/11/2024
Độc đáo nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Lô Gang ở tỉnh Thái Nguyên

 Cô dâu chuẩn bị thay trang phục mới khi tới gần cổng nhà chú rể

Dân tộc Dao là một trong số 8 dân tộc có dân số đông nhất tại tỉnh Thái Nguyên. Cùng các dân tộc anh em trên địa bàn, người Dao Lô Gang ở xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã và đang giữ gìn tốt những bản sắc văn hóa đặc trưng trong đời sống và trở thành những chủ thể chính trong không gian bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc của mình.

Xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên có đến 2/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Dao, thuộc nhóm Dao Lô Gang. Là cộng đồng dân tộc chiếm phần lớn ở địa phương nên những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Hợp Tiến luôn được giữ gìn và phát triển.

Sống chung với nhiều dân tộc khác, cùng với tiếng nói, trang phục truyền thống là một trong những di sản văn hóa độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Dao đỏ Lô Gang. Những bộ trang phục đa sắc màu thể hiện sự cần cù, sáng tạo và tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ của những người phụ nữ Dao... Qua đó, góp phần lưu truyền cho thế hệ sau biết trân trọng và gìn giữ nét văn hóa cội nguồn dân tộc mình. Những người phụ nữ Dao Lô Gang ở Hợp Tiến vẫn sử dụng trang phục truyền thống của mình trong sinh hoạt, lao động, nhưng chủ yếu vẫn là những phụ nữ trung tuổi trở lên. Tuy nhiên giờ đây ở Hợp Tiến, nhiều bạn trẻ đã và đang học lại các dệt cùng những nét trang trí trên trang phục của dân tộc mình. Không chỉ sử dụng vào những dịp đặc biệt như lễ cưới hỏi, đám ma đám hiếu mà còn tận dụng máy móc để làm đẹp hơn cho trang phục truyền thống.

Chị Triệu Thị Thủy, người Dao ở xóm Mỏ Sắt, với chiếc máy khâu mỗi năm vẫn làm ra hàng chục bộ trang phục dân tộc. Cùng với quần áo may theo nhu cầu của phụ nữ người Dao ở địa phương, đồ thêu mang bản sắc dân tộc Dao cũng được chị Thủy dành tâm huyết học hỏi và cho ra những sản phẩm. Chị Triệu Thị Thủy cho biết: "Ngày xưa thì toàn làm bằng tay, quần áo cũng được khâu bằng tay, tự cắt tự may hết. Khi biết dung máy khâu thì mẹ tôi có nói giờ biết dung máy rồi thì mình làm bằng máy sẽ đẹp hơn. Tôi rất mong các chị em của dân tộc mình giữ gìn bản sắc dân tộc và giữ lại trang phục của dân tộc mình".


 Thầy cúng chuẩn bị các nghi lễ trước bàn thờ gia tiên của gia đình chú rể,
chuẩn bị đón cô dâu mới

Cùng với việc giữ gìn và phát hủy nét đặc sắc trên trang phục, người Dao ở Hợp Tiến còn duy trì những tập tục, phong tục tín ngưỡng truyền thống. Ngoài lễ cấp sắc cho nam giới đã rất quen thuộc, nhiều gia đình khi tổ chức đám cưới cho con cháu vẫn thường tiến hành lễ tơ hồng, đón dâu bằng kèn pí lè. Đám cưới người Dao là một trong những phong tục thú vị và độc đáo với những bước thủ tục có ý nghĩa thuần phác, chân chất như tấm lòng người Dao. Tuy nhiên, để được chứng kiến những giây phút thú vị đó thì phải đến nhà người Dao từ rất sớm, bởi theo quan niệm của đồng bào, việc đón dâu, làm lễ tơ hồng phải diễn ra lúc nửa đêm đến rạng sáng. Đó là khoảng giờ tốt nhất cho cô dâu và chú rể sau này. Ông Triệu Tiến Thành, ở xóm Mỏ Sắt, cho biết: "Mỗi gia đình sẽ chọn một giờ đón dâu theo tập tục riêng, gia đình ông thì đón đoàn nhà gái đến lúc 4h sáng và vào nhà lúc 5h. Phong tục của dân tộc mình phải lấy ngày, lấy giờ. Giờ tốt ngày tốt phải chọn, chọn từ mấy tháng trước. Mỗi ngày chỉ có 3 khung giờ tốt để làm đám cưới".

Với ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đậm đà như vậy, vùng đồng bào Dao Lô Gang Hợp Tiến đã vinh dự là một trong số những đại diện tiêu biểu nhất của văn hóa người Dao Thái Nguyên tham gia trình diễn trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang tháng 9/2017 vừa qua. Cùng với ý thức của bà con, sự khuyến khích hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng là một động lực cần thiết đối với quá trình tự bảo tồn của đồng bào Dao. Ông Bàn Phúc Thành, Cán bộ xã Hợp Tiến, cho biết: "Xã Hợp Tiến là xã miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số… Đồng bào các dân tộc về đây sinh sống của 4-5 đời. Phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Dao ở đây vẫn được giữ gìn. Tôi cho rằng việc bảo tồn phát huy những nét văn hóa đặc sắc là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt bà con dân tộc Dao phải tiếp tục giữ gìn, tuyên truyền, phát huy những truyền thống tốt đẹp của mình".

Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, đã tạo nên những nét đặc thù của dân tộc Dao nói chung và tại xã Hợp Tiến, đồng bào dân tộc Dao Lô Gang nói riêng. Với sự quan tâm của Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng phát triển, cùng với đó các cấp chính quyền đã tích cực tuyên truyền tới các già làng, người già có uy tín vận động cộng đồng giữ gìn bản sắc dân tộc. Người Dao Lô Gang ở Hợp Tiến đã từng bước củng cố và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mình, trở thành một trong những vùng văn hóa Dao tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên./.

Nguồn: vovworld.vn/

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất