Thứ Hai, 23/12/2024
Sình ca - linh hồn văn hóa dân tộc người Cao Lan

 Các nghệ nhân người Cao Lan đang biểu diễn điệu múa lên nương có trong Sình ca

Cho tới nay người dân vẫn giữ được các làn điệu cổ truyền của dân tộc mình, tuy nhiên nó chưa thực sự đi sâu vào các tầng lớp trẻ trong công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

Linh hồn dân tộc qua làn điệu Sình ca

Sình ca hay shấng cọ, cnắng cọô là hình thức diễn xướng dân gian (đôi khi còn gọi là dân ca) của dân tộc Cao Lan ở miền Bắc Việt Nam. Sình ca được sáng tác theo thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt, ghi chép bằng chữ Hán, ngày nay để thuận tiện cho việc truyền dạy các nghệ nhân đã dịch nghĩa sang tiếng Việt theo từng khổ. Những câu hát Sình ca không chỉ thắm đượm tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa mà còn có những khát vọng về cuộc sống hạnh phúc. Hơn nữa nó còn mang một giá trị nhân văn sâu sắc phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người Cao Lan.

Sình ca được thể hiện ở trong nhà, ngoài đường, ở chợ, thậm chí là trên đồi, trong rừng hay trên nương rẫy. Đó là những bài hát hỏi thăm gia cảnh, gia đình, quê hương… Đối với hát làm quen, giao duyên, địa điểm hát thường là một nhà nào đó trong làng. Cả chủ nhà và khách, họ bắt đầu từ những bài hát hỏi, chào mừng lẫn nhau. Khi quen hơn, họ hát đối đáp, khi đã hiểu về nhau, họ mượn những bài tả cảnh để nói với nhau về tình.

Sình ca có thể là các khúc hát ru của mẹ cho con, bà cho cháu. Hát mừng năm mới của làng xóm láng giềng với nhau mỗi độ xuân về. Hát đố, hát giao duyên đối đáp giữa các nam thanh, nữ tú với nhau. Hay là hát trong đám cưới của các vị khách để mừng cho cô dâu, chú rể. Như vậy có thể thấy nếu như ngôn ngữ và các tập tục là thể xác cấu thành nên sự riêng biệt, thì Sình ca giống như một linh hồn văn hóa của dân tộc Cao Lan. 

Sình ca - đứa con tinh thần của người dân tộc Cao Lan

Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn cho biết: “Sình ca của người dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang, được chia thành 2 nhóm theo môi trường diễn xướng: Sình ca ban ngày và Sình ca ban đêm. Hai lối diễn xướng này đều mang những đặc trưng khác nhau tùy thuộc vào các đối tượng hát”.

Sình ca ban ngày thường được tổ chức tại lễ hội đầu xuân, đám cưới, đám tang hay trong lao động sản xuất. Trong những ngày xuân tươi vui, rộn ràng, sau những phần tế lễ thành Hoàng làng, mọi người lại cùng nhau hát Sình ca. Với những làn điệu như: Vèo ca (hát gọi), Sạo ca (hát dạo đầu), Mầng ca (hát thề thốt).

Đối với gia đình có đám cưới, thì sau những nghi lễ của cô dâu và chú rể trước dòng họ, dân làng, với nét văn hóa dân gian độc đáo. Sẽ là những khúc hát Sịnh ca Kên láu (hát đám cưới) chúc mừng và gửi lời ước nguyện con cháu đầy nhà cho cô dâu, chú rể ngay tại lễ cưới. Đặc biệt đối với nhà trai khi đến nhà gái, đoàn đón dâu của nhà trai phải hát thì nhà gái mới cho vào nhà. Từ khi đi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng, phải trải qua ít nhất hai đêm hát.

Sình ca Thsăn lèn (mừng năm mới): Là những bài hát để mừng năm mới, chúc tụng nhau đủ đầy, hạnh phúc, nhà nhà vui vẻ. Người Cao Lan luôn luôn đề cao tinh thần đoàn kết, sự hòa đồng và sự gắn kết với nhau trong cộng đồng. Vì thế nên mỗi dịp tết đến, xuân về thay vì các lời chúc tụng nhau bằng lời nói thì họ lại gửi cho nhau những câu hát Sịnh ca độc đáo.

Ông Sầm Dừn còn chia sẻ thêm: “Nếu nói tới Sình ca hát ban ngày thì phong phú nhất là những câu hát Sình ca trong lao động sản xuất. Đây là lối hát ngẫu hứng, hát không theo luật lệ, dựa vào vốn hiểu biết của hai bên để đối đáp nhau, với mục đích để quên đi nỗi mệt nhọc trong công việc, hỏi thăm tiến độ công việc, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất...”.

Còn với Sình ca ban đêm thì đây là thể loại được các thanh niên nam nữ yêu thích và phong phú nhất, từ môi trường cho tới không gian diễn xướng, tuy nhiên chủ yếu là ở trong nhà. Sình ca ban đêm được viết bằng chữ Nho thành 12 tập, mỗi tập có chủ đề riêng và tương ứng với một đêm hát. Vì vậy, Sình ca ban đêm thường được kéo dài từ 11 đến 12 đêm, tùy theo sự hấp dẫn và thể hiện của từng nhóm hát. Tuy nhiên, cho tới nay theo tư liệu thì Sình ca ban đêm rút xuống chỉ còn 5-6 đêm hát. Truyền thống về lịch sử của dân tộc nên bất cứ người Cao Lan được thể hiện qua những câu hát Sình ca, với mục đích nhắc nhở con cháu phải luôn nhớ về Tổ tiên.

Ví như khúc Sình ca Thsao bạo (đối giao duyên) với nội dung nam nữ sẽ tìm hiểu trao đổi, tâm tình với nhau, hỏi thăm gia cảnh của nhau. Họ mượn lời hát để gửi gắm yêu thương, nhớ nhung hay trách móc, giận hờn để sau cuộc hát lại gần nhau hơn. Những người tham gia hát Sình ca phải là nam nữ chưa kết hôn, không cùng huyết thống. Có thể nói hát giao duyên là môi trường tìm hiểu bạn tình của các chàng trai, cô gái đến tuổi cập kê.

Hát về Sình ca Tò tan (hát đố) là những bài hát được truyền lại và một số bài mới do người Cao Lan sáng tạo ra hàng ngày để đố nhau rồi tự giải nghĩa. Ngoài ra họ còn dựa vào câu hát để kể các tích truyện cổ (Sự tích mặt trăng, Sự tích ngựa không có sừng, Truyện nàng Lưu Tam...). Hoặc người hát có thể dựa vào sự hiểu biết của mình để sáng tạo ra những câu đố đối với người hát cùng.

Ngoài những đêm hát bên bếp lửa nhà sàn, trai gái Cao Lan còn hát ở nhiều nơi khác nhau như ngoài đường, đầu làng, hay ven suối... Đây là không gian diễn xướng phóng khoáng để các đôi trai gái tự do đặt lời, ứng khẩu đối đáp. Những đêm hát đối giao duyên nam nữ thường diễn ra thâu đêm đến sáng. Những cuộc hát Sình ca thường từ chiều hôm trước tới lúc gà gáy hôm sau. Sáng hôm sau, họ tiếp tục ra đường hát và từ lúc này, người ta có thể sáng tạo thêm các bài để hát chơi, trêu ghẹo nhau, gọi là Sình ca ý. 

Bà Lý Thị Vi, thôn Mãn Hóa, Sơn Dương, Tuyên Quang vui vẻ kể lại: “Ngày ấy mê hát lắm tới khi cuộc hát đã tàn, một bên nửa muốn về, nửa muốn ở lại. Một bên lại muốn níu giữ nên cứ dùng dằng kẻ ở người về, lưu luyến, nhớ nhung hẹn nhau dịp tới”. 

Gìn giữ và phát huy làn điệu Sình ca cho mai sau

Ngày nay do những ảnh hưởng của nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời có sự lai tạp giữa người Kinh và người Cao Lan, nên những người hát được thể loại này là rất ít. Chủ yếu là lứa tuổi trung niên và các cụ già làng. Tuy nhiên, không vì thế mà Sình ca bị quên lãng, tại các lễ hội diễn ra hàng năm, Sình ca vẫn được lưu hành các nghệ nhân trong bản vẫn biểu diễn vừa để  giao lưu giải trí, vừa để thoả mãn nhu cầu nghệ thuật của họ. Đồng thời giúp cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về loại hình nghệ thuật đặc sắc này của dân tộc mình.

Thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, Sơn Dương là nơi cư trú của đông đảo người dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang. Ba năm trước, thành lập 1 câu lạc bộ hát Sình ca, cho tới nay đã có tới 40-50 hội viên tham gia tích cực và được sự quan tâm của mọi người trong thôn bản. Câu lạc bộ này đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của hầu hết người dân trong thôn. 

Bà Phạm Thị Luyến, người dân tại Sơn Dương, Tuyên Quang cho hay: “Sau khi được nghe những bài hát, được xem những điệu múa truyền thống của dân tộc mình, bản thân tôi cũng rất muốn được học hát những bài Sình ca cổ bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình”.

Em Sầm Văn Diễn, học sinh Tiểu học Mãn Hóa, xã Đại phú (Sơn Dương - Tuyên Quang) cho biết: “Em tham gia câu lạc bộ được 2 năm rồi, ở đây, em học được rất nhiều bài hát hay bằng tiếng dân tộc Cao Lan. Em mong muốn giữ gìn và phát huy những văn hóa của dân tộc mình”.

Có thể nói câu hát, điệu múa Sình ca từ lâu đã trở thành một phần máu thịt của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nghệ nhân Nhân dân Sầm Dừn, ở thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (huyện Sơn Dương) đã miệt mài sưu tầm, nghiên cứu và thực hiện các nghi lễ của dân tộc Cao Lan gần 30 năm nay. Hiện ông đang lưu giữ rất nhiều đầu sách cổ và 5 tập sách hát Sình ca, các nhạc cụ như trống sành, kèn pí lè, chũm choẹ, sóc nhạc… Không chỉ có vậy, Nghệ nhân dân gian này đã truyền dạy hát Sình ca và múa cho 4 thế hệ diễn viên quần chúng với gần 80 người, giúp đỡ gần 10 người làm khóa luận tốt nghiệp đại học và sau đại học trong lĩnh vực văn hóa dân tộc Cao Lan.

Việc bảo tồn và phát huy di sản vô giá này của dân tộc Cao Lan đã và đang được tiến hành một cách bài bản từ việc nghiên cứu, phân loại giá trị từng làn điệu, thể loại, đến việc kết hợp các biện pháp bảo tồn tĩnh như sưu tầm tư liệu cổ, lưu giữ giá trị gốc và truyền dạy cho thế hệ trẻ,… để làn điệu Sình ca có thêm môi trường diễn xướng và gìn giữ cho thế hệ mai sau./.

Nguồn: phapluatplus.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi